(HBĐT) - Trong những năm qua, các cấp, ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI trong việc huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH. Theo đó, hạ tầng giao thông, đô thị, hạ tầng công nghiệp, dịch vụ thương mại, nông nghiệp đã được tập trung đầu tư, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sản xuất, đời sống của Nhân dân. Giai đoạn tới, tỉnh tiếp tục huy động các nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng KT-XH gắn với bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.
Đồng chí Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết: Giai đoạn 2017 - 2020, tổng nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KT-XH trên địa bàn tỉnh khoảng 67.533 tỷ đồng. Kết cấu hạ tầng KT-XH được đầu tư, có sự cải thiện mạnh mẽ. Nhiều tuyến giao thông trọng điểm, hạ tầng đô thị, khu, cụm công nghiệp, hệ thống lưới điện, hạ tầng công nghệ thông tin, nhiều công trình thủy lợi, cấp thoát nước, trường học, bệnh viện, các thiết chế văn hóa, thể thao, hạ tầng du lịch đã, đang được đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, cải thiện điều kiện sinh sống của Nhân dân địa phương.
Về hạ tầng giao thông, nhiều công trình, dự án được đầu tư, đưa vào khai thác, nhiều dự án đang triển khai đầu tư tạo sự bứt phá về hạ tầng, tạo động lực thu hút đầu tư, phát triển KT-XH. Trong đó, một số dự án quan trọng như: đường Hòa Lạc - Hòa Bình, cầu Hòa Bình 3 đã đưa vào khai thác, phát huy hiệu quả; đường liên huyện vùng cao Lạc Sơn - Tân Lạc, đường 435, đường kết nối quốc lộ 6 với đường Chi Lăng (TP Hòa Bình), cầu Hòa Bình 2, đường kết nối đường Hồ Chí Minh với quốc lộ 12B đi quốc lộ 1... đang được triển khai. Ngoài ra, các tuyến đường liên huyện, đường giao thông nông thôn, hệ thống cảng, bến thủy nội địa cũng từng bước được đầu tư với quy mô, chất lượng ngày càng cao, đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển kinh tế và cải thiện dân sinh.
Về hạ tầng thủy lợi, đã có hàng trăm công trình được sửa chữa, đầu tư, đưa vào hoạt động, đến nay, hệ thống kênh mương đã cứng hóa đạt 48,9%, bảo đảm tưới chủ động cho 53.000 ha cây hàng năm, tương đương 80% diện tích gieo trồng.
Từ nhiều nguồn lực, hạ tầng đô thị được đầu tư nâng cấp theo quy hoạch các cấp đô thị. Toàn tỉnh có 11 đô thị. Tỷ lệ đô thị toàn tỉnh đạt 28,96%. Trong đó, TP Hòa Bình sau sáp nhập đang phấn đấu đạt chuẩn đô thị loại II. Thị trấn Lương Sơn và khu vực mở rộng được Bộ Xây dựng công nhận đạt chuẩn đô thị loại IV.
Về hạ tầng khu, cụm công nghiệp (CCN), tỉnh đã hoàn thành việc lập và công bố quy hoạch chi tiết 8 khu công nghiệp (KCN), 16 CCN với diện tích 1.941 ha. Từ năm 2017 đến nay, đã giao chủ đầu tư hạ tầng 1 KCN và 5 CCN. Các KCN Lương Sơn và bờ trái sông Đà đã hoàn thành các hạng mục hạ tầng kỹ thuật để thu hút đầu tư, tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế bền vững.
Hạ tầng điện, thương mại, công nghệ thông tin cũng được chú trọng đầu tư, đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ cho người dân. Trên địa bàn tỉnh có 4 siêu thị, 2 trung tâm thương mại, 93 chợ (1 chợ đạt tiêu chuẩn hạng I, 9 chợ hạng II, 83 chợ hạng III). Hệ thống công nghệ thông tin hiện đại, dung lượng lớn, tốc độ cao, phủ rộng tới tất cả các xã, phường, thị trấn, cáp quang hóa đến 10 huyện, thành phố, phục vụ tốt nhu cầu công việc của cơ quan, tổ chức và người dân.
Hạ tầng giáo dục, y tế, văn hóa - xã hội được chú trọng đầu tư theo quy định. Tỉnh đang đầu tư xây dựng mới Khoa Nội và chống nhiễm khuẩn (Bệnh viện Đa khoa tỉnh); dự án xử lý nước thải bệnh viện, Bệnh viện Y học cổ truyền và dự án đầu tư trang thiết bị cho bệnh viện tuyến huyện, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, cải thiện điều kiện sinh sống của Nhân dân địa phương.
Bên cạnh kết quả đạt được, việc huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng còn những hạn chế như: Nguồn vốn đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng chủ yếu vẫn là nguồn lực của Nhà nước, việc huy động vốn ngoài ngân sách còn ít. Hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH còn thiếu, chưa đồng bộ. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư còn kéo dài...
Trong những năm tới, tỉnh chủ trương tập trung các nguồn lực đầu tư, phấn đấu hoàn thiện kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông đường bộ và hạ tầng bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư, thu hút các nguồn lực ngoài Nhà nước để đầu tư các dự án hạ tầng kinh tế kỹ thuật; ngân sách Nhà nước tập trung bố trí các công trình chuyển tiếp để hoàn thành đưa vào sử dụng, bố trí cho một số dự án lớn và làm "vốn đối ứng” để thu hút các nguồn vốn khác. Theo đó, ưu tiên đầu tư các tuyến giao thông quan trọng tạo sự liên kết vùng, giao thông đối ngoại; hạ tầng KCN, CCN; hệ thống lưới điện; hạ tầng công nghệ thông tin; dịch vụ tiện ích tín dụng, hạ tầng thương mại dịch vụ, các trung tâm du lịch; cơ sở giáo dục, đào tạo, dạy nghề trọng điểm, cơ sở y tế chất lượng cao nhằm thu hút các dự án phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Đầu tư hạ tầng, xây dựng TP Hòa Bình sớm đạt tiêu chuẩn đô thị loại 2, thị trấn Lương Sơn thành thị xã, các thị trấn đều được nâng cấp đô thị, phát triển vùng kinh tế động lực của tỉnh. Đầu tư hạ tầng nông nghiệp, nông thôn theo hướng xây dựng nông thôn mới và phát triển nông nghiệp công nghệ cao.