Cầu Hòa Bình 3 bắc qua sông Đà (TP Hòa Bình) đưa vào sử dụng, thuận lợi giao thông, mở ra nhiều cơ hội cho đầu tư phát triển.
Cũng chính bên dòng Đà Giang, thị xã Hòa Bình xưa nhỏ bé nhưng là địa bàn có vị trí quan trọng, nên ngay từ khi xâm lược Hòa Bình, thực dân Pháp đã đặt sào huyệt của bộ máy chính quyền thực dân, phong kiến tỉnh ở phía bờ trái sông Đà và châu lỵ Kỳ Sơn phía bờ phải. Sự bóc lột dã man, cùng với những thủ đoạn nham hiểm, tàn bạo đã đẩy Nhân dân rơi vào cảnh lầm than, đói khổ. Được giác ngộ cách mạng, Nhân dân một lòng theo Đảng, Bác Hồ đứng lên khởi nghĩa.
Đến những ngày đầu tháng 8/1945, phong trào cách mạng ở thị xã phát triển với khí thế sôi sục, khẩn trương. Ngày 12/8/1945, khi T.Ư Đảng ra chỉ thị "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, khí thế cách mạng càng mạnh mẽ. Nhận được lệnh tổng khởi nghĩa, chi bộ thị xã kịp thời tổ chức hội nghị bàn kế hoạch. Suốt từ đêm 18/8/1945 và những ngày tiếp theo, cả thị xã sục sôi chuẩn bị cho ngày vùng dậy.
7h ngày 22/8/1945, sau hiệu lệnh khởi nghĩa là hồi tù và vang rền, đông đảo Nhân dân bờ phải sông Đà theo cán bộ chỉ huy xông thẳng vào trụ sở của Hội đồng thị xã. Trước áp lực mạnh mẽ của quần chúng cách mạng, chúng phải giao nộp toàn bộ triện, bằng sắc, tài liệu... Nhân dân khắp các ngả đường tập trung tại chợ Phương Lâm dự cuộc mít tinh vũ trang mừng khởi nghĩa thị xã thắng lợi. Sau đó, cuộc mít tinh biến thành cuộc biểu tình vũ trang tiến về châu đường Kỳ Sơn. Lá cờ đỏ sao vàng to rộng được kéo lên đỉnh cột cờ trước sân đường trong tiếng hoan hô vang dậy của quần chúng.
Trong khi đó, ở phía bờ trái sông Đà, quần chúng cứu quốc ở xã Hòa Bình - Thịnh Lang cũng tổ chức Nhân dân thu triện, sổ sách của bọn tổng lý địa phương và mít tinh thành lập chính quyền cách mạng. Cả Nhân dân phía tả ngạn và hữu ngạn đều vùng vậy, khẩn trương chuẩn bị giành chính quyền tỉnh. 14h ngày 23/8/1945, lực lượng cách mạnh thị xã cùng với lực lượng từ các chiến khu Mường Khói, Thạch Yên - Cao Phong vượt sông Đà đánh chiếm chính quyền tỉnh. Sau tiếng súng lệnh, các chiến sỹ, tự vệ phía bờ phải được Nhân dân dùng thuyền chở sang bờ trái. Lực lượng ém sẵn từ suối Đúng, đồi Bảy Mẫu, Ba Vành cùng đông đảo Nhân dân xã Hòa Bình, Thịnh Lang vũ trang cũng ầm ầm nổi dậy tiến vào doanh trại, công sở chính quyền bù nhìn đầu tỉnh giành chính quyền. Ngày 24/8/1945, hàng nghìn quần chúng đôi bờ sông Đà tập trung tại chợ Phương Lâm tổ chức một cuộc mít tinh lớn, mừng khởi nghĩa giành chính quyền tỉnh thắng lợi.
Khi đó, cụ Nguyễn Thị Chúc, Nguyễn Văn Dưỡng ở phường Thịnh Lang đã hăng hái cùng các thanh niên cứu quốc bơi thuyền vượt sông sang dự cuộc mít tinh ở chợ Phương Lâm. "Cả thị xã rung chuyển, tiếng hô rền vang như sấm: Mặt trận Việt Minh muôn năm! Chính quyền về tay Nhân dân muôn năm! Ai cũng vui như mở hội, bởi từ đây thị xã bước sang trang sử mới”. - Cụ Nguyễn Thị Chúc, phường Thịnh Lang nhớ lại.
Giờ đây, cùng con cháu thong dong thả bước trên cây cầu Hòa Bình 3 nối liền phường Thịnh Lang và xã Trung Minh, cụ Chúc bồi hồi cảm thán: "Có trải qua những năm tháng lầm than mới thấy hết giá trị của độc lập. Từ thu xưa đến thu nay, thành phố đổi thay như một thước phim!”.
Cảnh ngập lụt, chèo thuyền, cầu phao lắt lẻo mùa lũ qua sông, mạo hiểm bơi vớt củi về làm chất đốt giờ chỉ còn trong ký ức. Xây nhà 2 - 3 tầng và hơn nữa, mua bếp từ, ti vi kết nối internet... không còn là chuyện khó với người dân. Thủy điện Hòa Bình nổi tiếng hiện diện trên dòng sông Đà giữa thành phố, nơi có đến 3 cây cầu nối bờ vui. Rừng lau sậy rậm rạm hai bên bờ sông giờ nhường chỗ cho con đường bê tông, thảm nhựa thênh thang, dịch vụ phát triển mạnh mẽ. Những tuyến đường đôi phẳng lì, xe cộ đi lại êm ru. Đường Hòa Lạc - Hòa Bình đã rút ngắn thời gian đi Thủ đô Hà Nội chỉ còn chừng 1 giờ xe chạy. Quảng trường Hòa Bình tạo điểm nhấn không gian đô thị thành phố. Khi màn đêm buông xuống, ánh điện tỏa sáng, soi bóng dòng nước lung linh, huyền ảo. Thị xã bên sông Đà nhỏ bé, nghèo khó xưa nay vươn mình mạnh mẽ với công nghiệp, dịch vụ phát triển năng động, siêu thị nhộn nhịp người mua...
Tháng 11/2005, TP Hòa Bình đã được công nhận là đô thị loại III. Nay, khi huyện Kỳ Sơn sáp nhập vào, mở ra nhiều cơ hội để thành phố phát triển lên một vị thế mới, bứt phá mạnh mẽ hơn, sớm tiến bước nâng tầm đô thị loại II trước năm 2025.
Bí thư Thành ủy Hòa Bình Ngô Ngọc Đức cho biết: Mục tiêu này đã được Đảng bộ thành phố quyết tâm, đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ II. Phát huy truyền thống lịch sử cách mạng vẻ vang, Đảng bộ TP Hòa Bình tiếp tục xây dựng khối đoàn kết, quyết tâm phấn đấu đạt mục tiêu nghị quyết đề ra, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế để phát triển KT-XH. Xây dựng kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, văn minh, hiện đại. Giữ vững ANCT - TTATXH. Thực hiện tốt an sinh xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân. Xây dựng đô thị thành phố giàu đẹp, bản sắc, xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh, phấn đấu là đô thị vệ tinh của Thủ đô Hà Nội, thành phố đáng sống.
Cẩm Lệ