Trên tinh thần đồng hành, chia sẻ, thời gian qua, ngành ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có những chỉ đạo kịp thời theo thẩm quyền về miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán.


Giao dịch thanh toán qua thẻ ngân hàng ngày càng tăng cao.

Cụ thể, NHNN đã điều chỉnh giảm 50% mức phí giao dịch thanh toán liên ngân hàng qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, áp dụng từ ngày 1-4 đến 31-12-2020 và hoàn phí giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội khi thực hiện giải ngân cho vay người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19. Ðồng thời, NHNN cũng đã hai lần liên tiếp chỉ đạo Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas), các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện miễn, giảm các loại phí dịch vụ thanh toán. Ðến nay, đã có 100% ngân hàng tham gia thực hiện.

NHNN cũng chỉ đạo các TCTD áp dụng chính sách miễn phí chuyển tiền ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 và hạn hán, xâm nhập mặn qua tài khoản ngân hàng và miễn phí dịch vụ thanh toán cho các đối tượng nhận hỗ trợ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 và Quyết định số 15/2020/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19. Bên cạnh đó, Napas và Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng áp dụng chính sách riêng hỗ trợ miễn, giảm phí thanh toán trực tuyến cho một số doanh nghiệp giao thông vận tải chịu ảnh hưởng của dịch bệnh này; thời gian áp dụng từ ngày 10-4 đến hết ngày 31-12-2020.

Theo thông tin từ NHNN, sau hai lần giảm phí, 63% giao dịch thanh toán của khách hàng qua liên ngân hàng 24/7 qua Napas được miễn hoặc giảm phí với tổng số tiền phí TCTD đã miễn, giảm cho khách hàng đến hết năm 2020 khoảng 1.004 tỷ đồng. Dự kiến đến hết năm 2020, số thu phí dịch vụ thanh toán của NHNN giảm khoảng 285 tỷ đồng để hỗ trợ TCTD tiếp tục giảm phí dịch vụ chuyển tiền liên ngân hàng cho người dân, doanh nghiệp.

Ðánh giá cao sự đồng hành của ngành ngân hàng trong việc hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho rằng, việc các ngân hàng thực hiện miễn, giảm các loại phí như: phí tin nhắn SMS, phí chuyển tiền,... đã góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng trong những tháng đầu năm. Cụ thể theo số liệu từ NHNN, trong sáu tháng đầu năm 2020, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng của NHNN đã xử lý khoảng 69,2 triệu giao dịch, với giá trị xấp xỉ 50 triệu tỷ đồng, tăng 14,9% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2019. Hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử đã xử lý gần 498 triệu giao dịch đạt giá trị 3,9 triệu tỷ đồng, tăng 72,4% về số lượng và tăng 102,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. "Các con số nêu trên cho thấy những nỗ lực của ngành ngân hàng. Các sản phẩm dịch vụ phi tiền mặt của các ngân hàng ngày càng phổ cập, tạo bước phát triển mới trong thanh toán không dùng tiền mặt" - TS Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ thêm.

Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Toàn Thắng cho biết, qua phản ánh từ các tổ chức hội viên, được biết các tổ chức thẻ quốc tế Visa và Mastercard đang áp dụng cơ chế thu phí khá phức tạp, thu nhiều loại phí đối với giao dịch thẻ và mức thu phí là rất cao so với mặt bằng phí trong nước, nhất là nếu so với mức thu phí chuyển mạch thẻ nội địa. Trong bối cảnh bùng phát dịch Covid-19, các ngân hàng Việt Nam đã tự nguyện giảm phí dịch vụ thanh toán cho khách hàng rất lớn, chịu ảnh hưởng nặng nề về hiệu quả kinh doanh. Trước tình hình trên, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã có công văn gửi tới hai tổ chức thẻ quốc tế Visa và Mastercard kiến nghị miễn, giảm các loại phí cho các ngân hàng Việt Nam. Giải pháp được Hiệp hội đề nghị là: Visa và Mastercard xem xét giảm chính sách phí đối với thị trường Việt Nam; đồng thời, đơn giản hóa cơ chế thu phí để chia sẻ với khó khăn của hệ thống các ngân hàng Việt Nam. "Ngay sau khi Hiệp hội có công văn đề nghị, hai tổ chức thẻ quốc tế Visa và Mastercard đã tiếp xúc, có ý kiến trả lời với Hiệp hội. Qua đó, hai tổ chức thẻ quốc tế đều bày tỏ thiện chí với các đề nghị từ phía Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, hứa xem xét để giải quyết thỏa đáng. Ðồng thời, Visa và Mastercard cũng giải thích về chính sách phí toàn cầu của mình. Hiện tại, Hiệp hội và các tổ chức hội viên cũng đang chờ đợi và tiếp tục yêu cầu có những giải pháp thiết thực từ Visa và Mastercard để chia sẻ với các ngân hàng Việt Nam" - ông Nguyễn Toàn Thắng cho biết.

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, kiến nghị của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam yêu cầu các tổ chức thẻ quốc tế là Visa và Mastercard miễn, giảm phí là đúng và trúng trong bối cảnh hiện nay. Bởi lẽ, ngành ngân hàng cũng đang phải chịu những tác động tiêu cực từ dịch Covid-19. Do vậy, các tổ chức thẻ Visa và Mastercard cũng cần phải có những chia sẻ khó khăn thông qua miễn, giảm một số loại phí cho các ngân hàng Việt Nam. Từ đó, các ngân hàng thương mại sẽ có thêm nguồn lực để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Theo NhanDan



Các tin khác


Xã Tử Nê: Phát triển trồng rừng gỗ lớn

(HBĐT) - Xã Tử Nê (Tân Lạc) có 669 ha rừng sản xuất và 146 ha rừng phòng hộ. Mặc dù diện tích rừng của xã không nhiều, nhưng người dân trong xã luôn chủ động phát huy hiệu quả từ trồng rừng; tích cực bảo vệ rừng, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi những hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp. Thực hiện chủ trương của các cấp, ngành, những năm gần đây, người dân xã Tử Nê có ý thức kéo dài chu kỳ sản xuất, chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn.

“Sức nóng” trên công trình cầu Hòa Bình 2

(HBĐT) - Dự án cầu Hòa Bình 2 bắc qua sông Đà có vai trò đặc biệt quan trọng giảm tải áp lực cho cầu Hòa Bình, mở ra không gian rộng lớn phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ của TP Hòa Bình, nằm trong danh mục các công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Chủ đầu tư phối hợp các đơn vị liên quan tháo gỡ khó khăn về mặt bằng, tập trung chỉ đạo nhà thầu tổ chức thi công, phấn đấu năm 2021 đưa công trình vào khai thác, sử dụng.

Diện mạo nông thôn mới ở xã Mỹ Hòa

(HBĐT) - Sau 10 năm triển khai Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM), diện mạo nông thôn xã Mỹ Hòa (Tân Lạc) có bước chuyển mình mạnh mẽ. Tính đến hết năm 2019, thu nhập bình quân đầu người toàn xã đạt 38,5 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 10,3%. Đó là kết quả đồng sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và người dân trong thực hiện chương trình xây dựng NTM, hoàn thành lợi thắng các nhiệm vụ phát triển KT - XH.

Hội LHPN huyện Tân Lạc; Hỗ trợ phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, phát triển kinh tế

(HBĐT) - Những năm gần đây, phong trào hỗ trợ phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường... được các cấp Hội Phụ nữ huyện Tân Lạc chú trọng triển khai thực hiện để hỗ trợ nhau xoá đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

Liên minh HTX tỉnh: Thúc đẩy xúc tiến thương mại cho các sản phẩm hợp tác xã

(HBĐT) - Với mục đích đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại để quảng bá, giới thiệu sản phẩm; tạo sự liên kết, xây dựng mạng lưới gắn kết giữa nhà sản xuất với các đơn vị phân phối, bán lẻ, tạo cơ hội ký kết hợp đồng mua bán sản phẩm hàng hóa, liên kết sản xuất giữa các HTX, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm chủ lực và an toàn cho các HTX, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các HTX, những năm gần đây, Liên minh HTX tỉnh đã tổ chức thực hiện chương trình xúc tiến thương mại đạt được nhiều hiệu ứng truyền thông lớn tại thị trường trong nước và nước ngoài.

Tuổi trẻ xã Hùng Sơn vượt khó phát triển kinh tế

(HBĐT) - Xã Hùng Sơn (Kim Bôi) được thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 xã: Bắc Sơn, Hùng Tiến, Nật Sơn. Từ khi sáp nhập đến nay, Đoàn Thanh niên xã Hùng Sơn luôn đoàn kết để xây dựng, triển khai nhiều mô hình phát triển kinh tế. Đoàn xã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ đoàn viên thanh niên (ĐVTN) phát triển kinh tế. Qua đó, có nhiều thanh niên vượt khó vươn lên trở thành những tấm gương sáng trong phong trào phát triển kinh tế của địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục