Được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi ong, nông dân xóm Khoang, xã Xuân Thủy (Kim Bôi) có thêm kinh nghiệm để mở rộng mô hình phát triển kinh tế, từng bước nâng cao thu nhập.
Gia đình hội viên nông dân Bùi Văn Dương, xóm Chiềng Đồi, xã Lỗ Sơn (Tân Lạc) sinh sống bằng nghề chăn nuôi lợn và gia cầm. Thời gian đầu, do chưa có kiến thức chăn nuôi, đàn vật nuôi bị nhiễm dịch bệnh, hiệu quả kinh tế chưa như mong muốn. Được tạo điều kiện tham gia theo học chương trình dạy nghề chăn nuôi, trồng trọt của Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân (DN&HTND), anh Dương có thêm kinh nghiệm, tự tin vay vốn đầu tư mở rộng quy mô trang trại, nhập thêm cây, con giống để phát triển kinh tế. Đến nay, tổng diện tích trang trại của gia đình anh mở rộng trên 3,2 ha, với nhiều loại cây trồng, vật nuôi như lợn, gà, rau an toàn, cam, bưởi. Ngoài ra, anh còn kinh doanh vật liệu xây dựng. Các khu vực chăn nuôi, trồng trọt được quy hoạch khoa học, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến vào thâm canh sản xuất đã đem lại cho gia đình anh Dương thu nhập trên 1 tỷ đồng mỗi năm. Trang trại tạo việc làm ổn định cho 4-5 lao động địa phương, với mức lương bình quân 4 triệu đồng/ người/tháng.
Đó là một trong nhiều tấm gương hội viên nông dân được đào tạo, dạy nghề, tư vấn và định hướng để tìm được hướng phát triển kinh tế gia đình hiệu quả. Nhằm từng bước nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho hội viên nông dân, đặc biệt là khu vực nông thôn, đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề cho nông dân, HND tỉnh chỉ đạo HND các huyện, thành phố và các cơ sở Hội xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể, chủ động phối hợp với các ngành, Trung tâm DN&HTND tổ chức dạy nghề cho hội viên.
Cùng với đó, các cấp Hội tăng cường huy động nguồn lực, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên có tay nghề cao tham gia công tác dạy nghề; quan tâm liên kết giữa các cơ sở dạy nghề; đa dạng ngành nghề đào tạo. Bên cạnh các lớp đào tạo nghề để phát triển làng nghề truyền thống, các lớp đào tạo, chuyển giao KHKT về trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản, chăn nuôi thú y, dịch vụ nông nghiệp, máy nông nghiệp, mây tre đan xuất khẩu… được tổ chức thường xuyên.
Thông qua công tác đào tạo nghề, hội viên nông dân có thêm kiến thức để tự tạo việc làm cho bản thân, nâng cao trình độ sản xuất, năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, công lao động. Qua đó, đóng góp tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở nông thôn, nâng tầm thương hiệu các loại nông sản địa phương. Sau khi được đào tạo nghề, trên 90% học viên đã tự tạo việc làm và có việc làm ổn định. Với những ngành nghề phi nông nghiệp, sau khi được đào tạo, trung tâm giới thiệu, tư vấn cho lao động vào làm việc tại các công ty, khu công nghiệp, xuất khẩu lao động.
Đồng chí Vũ Mạnh Hùng, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm DN&HTND cho biết: Từ năm 2019 đến nay, trung tâm đã mở 29 lớp đào tạo nghề, thời gian đào tạo khoảng 2 tháng/lớp cho gần 900 học viên. Phối hợp xây dựng nhiều mô hình trình diễn tại các địa phương; tư vấn nghề và việc làm cho hàng nghìn lượt hội viên; chỉ đạo các cơ sở Hội phối hợp các ngành, đơn vị, doanh nghiệp tổ chức 21 lớp tập huấn, chuyển giao KHKT cho gần 1.500 lượt cán bộ, hội viên nông dân.
Xác định công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn là giải pháp quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, góp phần xây dựng NTM. Thời gian tới, HND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cấp Hội rà soát nhu cầu học nghề đối với lao động, hội viên nông dân, định hướng cho lao động những ngành nghề phù hợp để tập trung nâng cao chất lượng đào tạo nghề. Quan tâm đẩy mạnh hoạt động phối hợp giữa các ngành, đoàn thể, đơn vị, địa phương trong tuyên truyền, tư vấn việc làm, hoạt động dịch vụ hỗ trợ hội viên nông dân có nhu cầu...