(HBĐT) - Đến nay, Nhân dân ở khắp các các vùng quê trong tỉnh đều đã có điện lưới quốc gia phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Có điện soi sáng đã tiếp sức cho bà con trong hành trình vượt lên đói nghèo, làm giàu trên mảnh đất quê hương.


Những năm qua, nhiều Trạm biến áp được xây dựng mới, cải tạo đang từng ngày nâng cao chất lượng điện ở nhiều vùng quê trong tỉnh. Ảnh chụp tại Trạm biến áp U Quan (Đà Bắc).

Đầu tư hạ tầng lưới điện đồng bộ

Theo thống kê của ngành chức năng, đến nay, 100% hộ dân trên địa bàn tỉnh được sử dụng điện lưới quốc gia. Với một tỉnh còn nhiều khó khăn, dân cư phân bố thưa thớt và địa hình đồi núi phức tạp thì đây kết quả đáng ghi nhận. Theo đồng chí Nguyễn Phúc Thịnh, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty Điện lực Hòa Bình (PC Hòa Bình) cho biết: Xác định việc đầu tư, nâng cấp lưới điện có ý nghĩa quan trọng trong phát triển KT-XH của tỉnh, những năm qua, PC Hòa Bình đã huy động nguồn lực, ưu tiên đầu tư, sửa chữa và nâng cấp hệ thống lưới điện. Theo đó, hằng năm, thông qua các dự án đầu tư xây dựng, dự án sửa chữa lớn và sửa chữa thường xuyên, hạ tầng lưới điện trên địa bàn tỉnh đang từng bước được đầu tư đồng bộ. Từ năm 2016 đến nay, công ty đã đầu tư xây dựng trên 400 công trình, với tổng số vốn trên 700 tỷ đồng; gần 200 tỷ đồng cho các dự án sửa chữa lớn, trên 200 hạng mục công trình và hàng chục tỷ đồng cho các dự án sửa chữa thường xuyên. Năm 2020, tổng các nguồn vốn đầu tư xây dựng, sữa chữa, nâng cấp lưới điện gần 150 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, 77 trạm biến áp mới đã được lắp đặt, đóng điện cho khách hàng.

Đến nay, PC Hòa Bình quản lý, vận hành gần 2.400 km đường dây trung thế 35 kV, trên 440 km đường dây trung thế 22 kV, hơn 4.500 km đường dây hạ áp; gần 240 km đường dây 110 kV, 8 trạm 110 kV với 13 máy biến áp, tổng công suất 356 MVA. Đến nay, điện lưới quốc gia đã phủ đến tất các vùng quê trong tỉnh, chất lượng điện áp cũng ngày được nâng lên, đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Khoảng 5 năm trước, khi chúng tôi có dịp lên các xã: Mường Chiềng, Đồng Chum, Tân Pheo, Giáp Đắt của huyện vùng cao Đà Bắc. Đây là huyện có địa hình đồi núi phức tạp nên việc đầu tư lưới điện gặp nhiều khó khăn. Khi đó, nhiều khu dân cư của các xã nói trên điện còn chập chờn, không ổn định. Đó cũng là thực trạng ở nhiều vùng quê khác trong tỉnh. Tuy nhiên, lần trở lại gần đây nhất vào những ngày đầu tháng 9, bà con đã phấn khởi khi lưới điện được đầu tư đồng bộ, chất lượng điện năng ngày càng ổn định hơn. Ông Lường Văn Sương, xóm Nà Lốc, xã Đồng Chum (Đà Bắc) chia sẻ: Ngày trước, điện yếu, phập phù nên vào những giờ cao điểm, chúng tôi không thể sử dụng được các thiết bị như: máy bơm nước, máy xay xát, thậm chí cả ti vi và quạt điện cũng không chạy được nhưng nay, chất lượng điện đã tốt hơn trước rất nhiều.

Nỗ lực để dòng điện thông suốt

Hạ tầng lưới điện ở các khu vực nông thôn vẫn còn đó những khó khăn khi nhiều đường dây đã cũ chưa được nâng cấp. Tuy nhiên, có thể nói, so với 5 năm trước, chất lượng cung cấp điện năng đã ổn định hơn nhiều. Để có được những sự chuyển biến tích cực đó, cán bộ, công nhân viên ngành Điện đã nỗ lực rất nhiều, nhất là trong việc xử lý, khắc phục sự cố về điện do thiên tai gây ra. Còn nhớ, hồi tháng 10/2017, mưa lớn kéo dài gây sạt lở đất nghiêm trọng, nhất là trên địa bàn huyện vùng cao Đà Bắc. Khi đó, anh Xa Hồng Công, Đội trưởng Đội Quản lý đường dây và trạm biến áp Mường Chiềng cùng những người đồng nghiệp đã trải qua những ngày không ngủ.

Anh Công chia sẻ: Hơn 20 năm gắn bó với nghề, trực tiếp đi khắc phục nhiều sự cố về điện trên các tuyến đường của huyện Đà Bắc, tôi có nhiều kỷ niệm vui, buồn và cả những hiểm nguy. Là huyện miền núi với địa hình phức tạp,nhiều khi vị trí tiếp cận nơi xảy ra sự cố rất khó khăn, đường ngập trong nước lớn phải di chuyển bằng xuồng. Thế nhưng, để đảm bảo cung cấp điện ổn định phục vụ Nhân dân, chúng tôi không quản ngại khó khăn, vất vả và nguy hiểm. Anh chia sẻ rằng, niềm hạnh phúc của công việc "treo” mình giữa bầu trời chính là dòng điện lưới quốc gia được thông suốt, người dân có điện ổn định để sử dụng.

Với người dân ở huyện vùng cao Đà Bắc cũng như ở các vùng quê trong tỉnh, đời sống của bà con đang từng ngày chuyển mình cùng dòng điện lưới quốc gia. Như chia sẻ của chị Xa Thị Phúc, xóm Nà Lốc, xã Đồng Chum: "Từ ngày có điện, nhà nào cũng mua được ti vi nên tiếp cận được nhiều thông tin, kiến thức chăn nuôi, trồng trọt. Việc học hành của trẻ nhỏ cũng thuận lợi nhờ có ánh điện. Cuộc sống của xóm, làng thay đổi rất nhiều nhờ có điện lưới quốc gia”.

Không còn những bản làng "đói” ánh điện như trước đây, theo lãnh đạo PC Hòa Bình, hạ tầng lưới điện hiện nay mới chỉ thực sự được khoảng 80% nhu cầu của khách hàng sử dụng điện. Trong những năm tới, ngành Điện sẽ tiếp tục huy động nguồn lực, ưu tiên đầu tư xây dựng và nâng cấp hạ tầng lưới điện, nhất là ở khu vực nông thôn. Để dòng điện được thông suốt, góp phần thiết thực trong phát triển KT - XH của tỉnh, đẩy nhanh công cuộc xóa đói, giảm nghèo.


Viết Đào


Các tin khác


Xã Lâm Sơn: Tập trung nguồn lực xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu

(HBĐT) - Năm 2017, xã Lâm Sơn (Lương Sơn) được công nhận đạt chuẩn NTM. Năm 2019 đạt chuẩn NTM nâng cao. Xác định đây là hành trình không có điểm kết thúc, từ khi đạt chuẩn NTM, xã tiếp tục duy trì các tiêu chí, phong trào thi đua để nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM, phấn đấu hoàn thành mục tiêu đạt xã NTM kiểu mẫu.

Huyện Lạc Thủy: Phát triển chăn nuôi an toàn, bền vững

(HBĐT) - Huyện Lạc Thủy xác định chăn nuôi giữ vị trí quan trọng đối với sự phát triển KT-XH của địa phương. Vì vậy, thời gian qua, huyện đã thực hiện nhiều giải pháp để chăn nuôi an toàn, bền vững nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Các trang trại, gia trại, hộ chăn nuôi có ý thức phòng, chống dịch bệnh gắn với bảo vệ môi trường.

Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp ước tăng 10,2%

(HBĐT) - Theo báo cáo đánh giá của UBND tỉnh, trong 9 tháng năm nay, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp của tỉnh ta ước tăng 10,2% so với bình quân cùng kỳ năm trước. Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 31.700 tỷ đồng, tăng 7,64% so với cùng kỳ, thực hiện 73,71% kế hoạch năm.

Xây dựng hệ thống giao thông đồng bộ, kết nối

(HBĐT) - Giao thông đi trước mở đường để thúc đẩy phát triển KT - XH, với ý nghĩa đặc biệt quan trọng này, những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông. Đồng thời, ban hành nhiều cơ chế, chính sách để huy động và ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển giao thông theo hướng đồng bộ, kết nối. Các tuyến đường mới mở đã tạo ra sự bứt phá, là động lực phát triển kinh tế, đẩy mạnh giao thương trong và ngoài tỉnh.

Huyện Lạc Sơn: Thực hiện nhiều chính sách thúc đẩy, nâng cao vị thế của phụ nữ

(HBĐT) - Cùng với các giải pháp về phát triển KT-XH của địa phương, cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Lạc Sơn đã triển khai nhiều chính sách đối với phụ nữ về lao động, việc làm, chăm sóc sức khỏe, văn hóa - thể thao, gia đình, sự tham gia vào bộ máy lãnh đạo... Từ đó, tăng cường bình đẳng giới (BĐG) và có được kết quả nổi bật trong thực hiện các mục tiêu về quyền bình đẳng của phụ nữ.

Toàn tỉnh có 287 HTX nông nghiệp

(HBĐT) - Theo thống kê của Sở NN&PTNT, đến nay, toàn tỉnh có 287 HTX nông nghiệp, trong đó có 19 HTX ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Số HTX đủ tiêu chuẩn xếp loại là 206 HTX, gồm: 33 HTX xếp loại tốt, chiếm 16%; 68 HTX xếp loại khá, chiếm 33%; 91 HTX xếp loại trung bình, chiếm 44%; 14 HTX yếu, chiếm 7%. 81 HTX còn lại là các HTX ngừng hoạt động, mới thành lập chưa tiến hành xếp loại.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục