Khu công nghiệp Lương Sơn đã cơ bản hoàn thành các hạng mục hạ tầng kỹ thuật, tỷ lệ lấp đầy đạt 100% diện tích.
Theo định hướng của tỉnh, những năm gần đây, VĐL tập trung thu hút các dự án đầu tư gồm: công nghiệp chế biến, sản xuất linh kiện điện tử, thấu kính, may mặc, công nghiệp khai thác và sản xuất vật liệu xây dựng... Trong vùng cũng tập trung khá nhiều dự án phát triển dịch vụ, du lịch, đầu tư khu nghỉ dưỡng. Theo đánh giá của UBND tỉnh, VĐL là nơi tập trung nhiều nhất các dự án, doanh nghiệp (DN), tổ chức kinh doanh. Từ năm 2018 đến nay, toàn vùng có trên 750 DN đăng ký thành lập mới, nâng tổng số DN trong vùng lên hơn 2.920, bằng 80,7% DN trên toàn tỉnh. Hoạt động xúc tiến đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được các địa phương đẩy mạnh. Trong vùng có 107 dự án được quyết định chủ trương đầu tư, trong đó có 9 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài. Lũy kế đến nay, toàn VĐL có 418 dự án, chiếm 70,7% tổng số dự án đầu tư trên toàn tỉnh; trong đó có 37 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, với số vốn đăng ký trên 574 triệu USD và 381 dự án đầu tư trong nước, vốn đăng ký hơn 73.259 tỷ đồng.
Cùng với TP Hòa Bình và huyện Lương Sơn, các xã, thị trấn phía Bắc huyện Lạc Thủy nằm trong VĐL của tỉnh. Bám sát chủ trương của tỉnh, Đảng bộ huyện Lạc Thuỷ xác định, muốn thúc đẩy KT-XH phát triển nhanh và bền vững, một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH, tích cực kêu gọi đầu tư vào địa bàn. Đồng chí Bùi Văn Trường, Bí thư Huyện ủy cho biết: Qua 5 năm triển khai quyết liệt, hiệu quả các nhóm giải pháp về đầu tư phát triển hạ tầng đồng bộ, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các lĩnh vực lợi thế, Lạc Thủy đã tạo được nhiều chuyển biến tích cực, làm thay đổi căn bản diện mạo đô thị, nông thôn. Hiện, toàn huyện có 53 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, tổng vốn đăng ký trên 18.000 tỷ đồng, trong đó có những dự án lớn, giải quyết việc làm cho lao động địa phương, mang lại nguồn thu ngân sách cho tỉnh và huyện.
Nói về VĐL không thể không nói tới sự phát triển của TP Hòa Bình trong vấn đề thu hút đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh. Giai đoạn 2015 - 2019, trên địa bàn thành phố có 38 dự án được cấp phép đầu tư, nâng tổng số dự án được cấp phép lên 102. Nhiều dự án đầu tư đã phát huy hiệu quả, làm thay đổi diện mạo đô thị, tạo tiền đề cơ bản xây dựng TP Hòa Bình trở thành đô thị loại II như: Quảng trường Hòa Bình, dự án Shophouse Vincom - phường Đồng Tiến, Trung tâm thương mại và khách sạn Hoàng Sơn Plaza, khu dịch vụ khách sạn và thương mại tổng hợp Định Nhuận... Đối với huyện Kỳ Sơn cũ, thu hút được 138 dự án đầu tư, tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp, du lịch, thương mại - dịch vụ, sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng… Kết quả này góp phần giúp TP Hòa Bình thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT - XH.
Song song với phát triển công nghiệp, dịch vụ, những năm qua, VĐL của tỉnh cũng khẳng định được thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp với các sản phẩm sạch, thân thiện môi trường, có năng suất, giá trị gia tăng cao như: cá, tôm sông Đà; cam, gà Lạc Thủy; quả lặc lày và rau hữu cơ Lương Sơn. Trong vùng bước đầu hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung như: rau an toàn Lương Sơn; cam, chè xanh Lạc Thủy. Nhiều sản phẩm nông nghiệp đạt chất lượng cao đã vươn ra thị trường trong nước và xuất khẩu như rau hữu cơ, chuối Viba...
Với việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách đặc thù, VĐL đã góp phần tích cực phát triển KT - XH, đóng góp khoảng 70% quy mô kinh tế và trở thành đầu tầu, lan tỏa cho sự phát triển kinh tế của tỉnh. Thu NSNN trên địa bàn VĐL tăng qua các năm, bình quân hằng năm tăng 15%; đến năm 2020 đạt khoảng 3.380 tỷ đồng, chiếm 67,6% thu NSNN toàn tỉnh. Kim ngạch xuất khẩu bình quân hàng năm tăng khoảng 26,3%, đến năm 2020 đạt 935 triệu USD, chiếm 90,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Giá trị sản xuất công nghiệp đến cuối năm 2020 ước đạt 38.000 tỷ đồng, chiếm 88,35% giá trị của cả tỉnh. VĐL có sự chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng công nghiệp khai thác, tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến, gắn phát triển CN-TTCN với quá trình CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn.
Thực tế cho thấy, kết quả phát triển và đóng góp của VĐL rất đáng ghi nhận, song, theo đánh giá của UBND tỉnh, vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần giải quyết trong thời gian tới, nhất là hệ thống kết cấu hạ tầng KT - XH chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. So với cả nước, trình độ phát triển của VĐL còn thấp, quy mô kinh tế và quy mô xuất nhập khẩu nhỏ. Nhiều xã trong vùng vẫn khó khăn, sản xuất nông - lâm nghiệp chiếm tỷ trọng lớn. VĐL phải cạnh tranh với các địa phương trong vùng Thủ đô về thu hút đầu tư...
Trao đổi về phát triển VĐL tại cuộc họp UBND tỉnh mới đây, đồng chí Trần Hồng Quang, Giám đốc Sở Ngoại vụ thẳng thắn đánh giá: Hiện nay, đóng góp của VĐL rất lớn, nhưng về cơ bản vùng mới phát triển theo cách tự nhiên, tức là dựa trên lợi thế về vị trí địa lý, còn những giải pháp, cơ chế, chính sách tác động cho vùng để tạo ra sự phát triển bền vững còn ít và chung chung. Trong VĐL, từng khu vực có đặc thù riêng, nhưng chưa được phân chia các khu chức năng để có sự đầu tư dài hạn. Vì vậy, cần thiết có quy hoạch chung cho VĐL, phân chia các khu chức năng cụ thể để các huyện, thành phố căn cứ vào đó, cùng với chiến lược đầu tư nguồn lực của tỉnh thì mới có cơ sở phát triển. Ngoài ra, việc xây dựng cơ chế cho VĐL là hết sức quan trọng, nếu có cơ chế tốt thì vùng sẽ tận dụng được lợi thế tự nhiên để phát triển. Song, cơ chế của VĐL phải do vùng đề xuất, bởi vùng trực tiếp chịu tác động của các cơ chế, chính sách và gánh sứ mệnh tạo sức lan tỏa ra các vùng xung quanh. Do vậy, bản thân VĐL phải tự xây dựng cơ chế, chính sách mới phù hợp, sát nhu cầu thực tiễn.
Để VĐL phát triển nhanh, toàn diện, đồng chí Nguyễn Văn Danh, Chủ tịch UBND huyện Lương Sơn cho rằng, tỉnh nên có ban chỉ đạo, tổ công tác giúp đỡ các địa phương trong vùng tổ chức thực hiện các chương trình trọng điểm của BCH Đảng bộ tỉnh để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển VĐL, từ đó kéo theo các huyện trong tỉnh phát triển.
Hoàng Nga