Hội viên phụ nữ khu 1, thị trấn Cao Phong (Cao Phong) trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP đem lại thu nhập cao.
Ngay từ đầu năm, Hội chỉ đạo các cơ sở tổ chức rà soát, đăng ký giúp đỡ hộ nghèo, mỗi cơ sở Hội giúp đỡ 1-2 hội viên thoát nghèo. Đến nay, đã có gần 2.000 lượt hội viên tham gia và đã giúp đỡ được trên 86 triệu đồng cùng hàng trăm công lao động cho 119 hội viên. Ngoài ra, Hội hỗ trợ phụ nữ nghèo, hoàn cảnh khó khăn sửa chữa nhà ở, mua sắm vật dụng thiết yếu trong gia đình, xây dựng công trình vệ sinh, vay vốn xoay vòng với lãi suất thấp hoặc không lấy lãi.
Hội tiếp tục phối hợp các ngành chức năng tổ chức tập huấn kiến thức, đào tạo, dạy nghề nhằm giúp hội viên tự tạo việc làm và cải thiện thu nhập. Từ đầu năm đến nay, Hội phối hợp Phòng NN&PTNT huyện tổ chức 2 lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức Chương trình OCOP cho 125 học viên; phối hợp mở 1 lớp tập huấn kỹ năng trồng keo cho 63 cán bộ, hội viên phụ nữ và Nhân dân xóm Nếp, xã Tây Phong; tổ chức 5 lớp tập huấn sử dụng phân bón hữu cơ cho 215 hội viên; tổ chức 10 cuộc tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi cho 971 người. Hội cũng phối hợp Huyện Đoàn Cao Phong, Tỉnh Đoàn Hòa Bình, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức phiên giao dịch việc làm tại trường THPT Cao Phong thu hút 400 học sinh, đoàn viên, thanh niên, hội viên phụ nữ tham gia...
Tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án số 939 "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025, Hội đã lựa chọn 3 dự án tham gia ý tưởng khởi nghiệp do T.Ư Hội LHPN Viêt Nam tổ chức. Trong đó, dự án "Du lịch trải nghiệm - Cây cam nhà tôi” của hội viên Vũ Thị Lệ Thủy đã qua vòng sơ khảo vào vòng cấp vùng, được tham gia tập huấn do T.Ư Hội tổ chức. Để hội viên phụ nữ được tiếp cận với các nguồn vốn vay, từng bước vươn lên làm chủ kinh tế, Hội chủ động khai thác các nguồn vốn cho hội viên vay đi đôi với quản lý, sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả, không để nợ quá hạn. Hiện, Hội khai thác và quản lý tổng dư nợ của Ngân hàng CSXH gần 72 tỷ đồng với trên 2.100 thành viên; quản lý vốn quốc tế, tài chính vi mô, DEVEAID, Macdi với tổng dư nợ trên 8,6 tỷ đồng, trên 1.300 thành viên vay vốn.
Từ các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, khởi nghiệp, xóa đói, giảm nghèo, nhiều chị em hội viên đã tích cực áp dụng KHKT vào sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2020, toàn huyện có trên 1.300 hộ hội viên thu nhập từ 100 triệu - trên 1 tỷ đồng. Tiêu biểu như các hội viên: Vũ Thị Lệ Thủy, Tô Bích Ngọc (thị trấn Cao Phong), Bùi Thị Hạnh (xã Hợp Phong), Hoàng Thị Nhinh (xã Nam Phong)… Nhiều hộ hội viên không chỉ nâng cao thu nhập cho gia đình, mà còn tạo việc làm ổn định cho lao động địa phương với mức thu nhập từ 4-5 triệu đồng/người/tháng.
Đồng chí Vi Thị Hạnh, Chủ tịch Hội LHPN huyện cho biết: Để tiếp tục duy trì, nhân rộng phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, thời gian tới, Hội tích cực phát huy vai trò cầu nối hỗ trợ hiệu quả giúp hội viên phát triển kinh tế gia đình, xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Các cấp Hội sẽ thường xuyên tổ chức định hướng SX-KD, tập huấn, tư vấn kiến thức, giúp hội viên mở rộng các mô hình SX-KD phù hợp. Qua đó, giúp chị em vươn lên thoát nghèo bền vững, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương. Góp phần vào thực hiện thành công các chương trình, dự án giảm nghèo và xây dựng NTM của huyện.
Thu Hằng