Nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công đường nối quốc lộ 6 với đường Chi Lăng (TP Hòa Bình).
Nhiều năm nay, tỉnh đã huy động các nguồn lực ưu tiên đầu tư những dự án giao thông quan trọng. Theo đó, nhiều tuyến đường giao thông trọng điểm được đầu tư và đưa vào khai thác mang lại hiệu quả cao. Đặc biệt tuyến đường Hòa Lạc - TP Hòa Bình đưa vào khai thác năm 2018 đã tạo sức nóng về thu hút các dự án đô thị, công nghiệp, dịch vụ. Công trình cải tạo, nâng cấp đường 435 có vai trò đặc biệt quan trọng thu hút đầu tư phát triển du lịch khu vực hồ Hòa Bình. Nhiều công trình trọng điểm về hạ tầng giao thông đã đầu tư hoàn thành, đưa vào sử dụng.
Đồng chí Bùi Đức Hậu, Giám đốc Sở GTVT cho biết thêm: Sở GTVT tham mưu cho tỉnh rà soát, điều chỉnh, bổ sung các nội dung quy hoạch phát triển GTVT tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để đưa vào quy hoạch mạng lưới đường bộ quốc gia, quy hoạch vùng và tích hợp chung vào quy hoạch tỉnh Hòa Bình. Tập trung đầu tư phát triển GTVT hiện đại, đồng bộ, tạo thành mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, có khả năng kết nối thuận lợi với các tỉnh, thành phố, đặc biệt kết nối các tỉnh Tây Bắc với Hà Nội, các trục đường vệ tinh phát triển TP Hòa Bình, phát triển các trục đường nâng cao năng lực vận tải luồng hàng hóa từ phía Nam, các tỉnh ven biển Bắc Bộ với khu vực Tây Bắc và ngược lại. Trong đó, xác định thứ tự ưu tiên xây dựng các công trình giao thông quan trọng mang tính đột phá trong phát triển KT-XH. Trên cơ sở kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 triển khai nâng cấp các tuyến đường quan trọng, huyết mạch: cầu Chum; ĐT.446; ĐT.440; ĐT.450; đường nối từ đường QH8 với đường An Dương Vương (TP Hòa Bình); đường từ quốc lộ (QL) 6 đi Độc Lập - Đú Sáng - QL 12B...
Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành một số dự án, công trình giao thông trọng điểm để từng bước hoàn chỉnh mạng lưới hạ tầng giao thông theo quy hoạch: cầu Hòa Bình 2, đường nối từ QL 6 với đường Chi Lăng (TP Hòa Bình), đường kết nối đường Hồ Chí Minh với QL 12B đi QL 1; đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng công trình sớm đưa vào khai thác, sử dụng, đặc biệt đối với các tuyến: ĐT.433, ĐT.435 (giai đoạn 1), ĐT.438, đường liên huyện vùng cao Lạc Sơn - Tân Lạc... Tập trung nguồn lực (cả trong và ngoài nước) để ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình giao thông quan trọng như đầu tư các tuyến cao tốc: Hòa Lạc - Hòa Bình, Hòa Bình - Mộc Châu, Hồ Chí Minh - vành đai 5 Hà Nội (đoạn qua địa phận tỉnh Hòa Bình); xây dựng tuyến tránh qua các khu vực đông dân cư như: QL 6 đoạn qua TP Hòa Bình, thị trấn Lương Sơn, thị trấn Cao Phong và thị trấn Mường Khến; tuyến tránh QL 21 đoạn qua thị trấn Chi Nê, tuyến tránh QL 12B đoạn qua thị trấn Vụ Bản...
Bên cạnh đó, sử dụng hiệu quả các nguồn ngân sách hỗ trợ từ T.Ư, bộ, ngành, phát huy nội lực địa phương để đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm như: Cầu Hòa Bình 4, đường nối đường Trần Hưng Đạo đi phường Dân Chủ kết nối với QL 6, các tuyến đường kết nối khu du lịch hồ Hòa Bình đến khu du lịch Đồng Tâm, khu du lịch Tam Chúc (Hà Nam) nhằm kết nối các tour, tuyến du lịch giữa tỉnh Hòa Bình với TP Hà Nội và các tỉnh Hà Nam, Ninh Bình theo chỉ đạo của BTV Tỉnh ủy; các tuyến đường trục ngang kết nối với đường Hòa Lạc - TP Hòa Bình... Tiếp tục phát triển giao thông nông thôn, tham mưu, đề xuất xây dựng và tổ chức thực hiện đề án cứng hóa giao thông nông thôn giai đoạn 2021 - 2025; đồng thời tiếp tục tham mưu triển khai thực hiện dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (LRAMP).
Lê Chung