Đến nay, xã đã huy động nguồn lực trên 254.340 triệu đồng. Trong đó, ngoài vốn trực tiếp từ chương trình XDNTM, ngân sách tỉnh, huyện, xã, vốn tín dụng huy động 75 tỷ đồng; vốn lồng ghép các chương trình, dự án gần 76.900 triệu đồng; vốn doanh nghiệp, tổ chức trên 37 triệu đồng; vốn Nhân dân đóng góp gần 7.830 triệu đồng. Từ các nguồn lực này, hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư xây dựng ngày càng khang trang, ưu tiên đầu tư phát triển giao thông, thủy lợi, điện, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, tạo đòn bẩy phát triển KT - XH. Hiện, toàn xã có 33,5/33,5 km đường trục xã, liên xã được nhựa hóa, bê tông hóa; 100% đường ngõ xóm sạch, không lầy lội vào mùa mưa; gần 52% đường trục chính nội đồng được cứng hóa, xe cơ giới đi lại thuận tiện. Hệ thống công trình thủy lợi đáp ứng nhu cầu tưới tiêu phục vụ sản xuất và dân sinh; 76% diện tích đất nông nghiệp được tưới tiêu nước chủ động.
Hệ thống điện được sửa chữa, nâng cấp, gần 96% hộ được sử dụng điện thường xuyên, an toàn. Xã có 4/6 trường học cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia. Diện tích đất quy hoạch xây dựng khu hội trường nhà văn hóa đa năng, sân vận động xã đạt yêu cầu tiêu chí. 100% thôn có nhà văn hóa, khu thể thao. Xã có điểm vui chơi giải trí, thể thao cho trẻ em và người cao tuổi theo quy định.
Một trong những nỗ lực vượt khó của xã trên hành trình XDNTM là kết quả phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Đánh giá về vấn đề này, đồng chí Hoàng Thị Thu Hằng, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Cấp ủy, chính quyền xã Thống Nhất đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, tổ chức sản xuất. Cùng với sự năng động, cần cù trong lao động của người dân giúp xã có được những mô hình sản xuất hiệu quả. Nổi bật trên địa bàn đã hình thành vùng sản xuất cây ăn quả có múi tập trung, thu hút được dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
Những năm qua, Nhân dân xã Thống Nhất đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, chủ động nghiên cứu, tìm hiểu đưa những cây trồng, vật nuôi có giá trị vào sản xuất. Việc làm ăn nhỏ lẻ, manh mún dần xóa bỏ, thay vào đó là sản xuất theo quy mô hàng hóa. Trong xã xuất hiện những gia trại, trang trại về chăn nuôi, trồng rừng, trồng cây ăn quả, cây có múi, nuôi ong lấy mật... Một số mô hình được sản xuất theo hướng liên kết tiêu thụ sản phẩm. HTX giống cây trồng Tiến Thắng có mô hình liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả có múi với HTX nông sản, thực phẩm an toàn Lạc Thủy, làm ăn có hiệu quả. HTX có diện tích canh tác 8 ha, hàng năm cung cấp trên 820 kg bò giống sinh sản, khoảng 12.570 cây cam Vinh và các sản phẩm khác. Xã cũng nổi tiếng với sản phẩm cam trứng của anh Vũ Duy Tân, thôn Đồng Huống được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh... Với sự năng động, sáng tạo trong lao động sản xuất, tính đến tháng 8/2020, thu nhập bình quân của xã đạt 41,2 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 11,25%; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt 99,2%.
Kinh tế phát triển kéo theo chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên. Toàn xã có 100% hộ sử dụng nước hợp vệ sinh, 52,4% hộ sử dụng nước sạch. Người dân tự nguyện tham gia BHYT. Chất thải rắn, nước thải được thu gom, xử lý theo quy định. Trên 75% hộ có chuồng trại chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường. Xã có 13/13 xóm đạt danh hiệu làng văn hóa; hệ thống chính trị vững mạnh, ANTT, an toàn xã hội được giữ vững... Nỗ lực vượt khó thực hiện chương trình XDNTM, xã được Hội đồng thẩm định tỉnh bỏ phiếu công nhận đạt chuẩn NTM năm 2020.
Thu Hiền