(HBĐT) - Vài năm trước, nhờ trồng cây ăn quả có múi (CAQCM), nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. Cam Cao Phong, bưởi đỏ Tân Lạc là những thương hiệu nổi tiếng, có uy tín tại thị trường trong nước. Hiệu quả kinh tế từ sản xuất đã tạo nên phong trào trồng CAQCM tại nhiều xã, thị trấn. Người dân ồ ạt trồng CAQCM không theo quy hoạch là nguyên nhân chính dẫn tới sản xuất đối diện với nhiều rủi ro về giá bán, thị trường tiêu thụ. Cùng với đó là tình trạng sâu bệnh gây hại trên CAQCM khó kiểm soát.


Người dân xã Tú Sơn (Kim Bôi) chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm bưởi Mường Động.

Ồ ạt trồng cây ăn quả có múi - nguy cơ rủi ro cao

Chỉ trong vòng 10 năm, diện tích CAQCM của tỉnh tăng hơn 10 lần. Năm 2010, toàn tỉnh có 1.005 ha CAQCM (diện tích kinh doanh 849 ha, sản lượng đạt 19.090 tấn). Đến nay, diện tích CAQCM đạt khoảng 11.500 ha, diện tích kinh doanh khoảng 7.400 ha, sản lượng ước đạt gần 160 nghìn tấn. Trong đó, cam, quýt khoảng 5.750 ha, diện tích kinh doanh 4.097 ha, sản lượng trên 94 nghìn tấn; bưởi 5.250 ha, diện tích kinh doanh 3.303 ha, sản lượng trên 56 nghìn tấn. Để nâng cao giá trị sản phẩm CAQCM, tỉnh quan tâm xây dựng thương hiệu và bảo hộ sản phẩm. Giai đoạn 2010-2013, sản phẩm CAQCM của tỉnh chủ yếu được tiêu thụ tại chỗ và các tỉnh lân cận, chưa có nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý, giá trị thu nhập bình quân năm 2010 chỉ đạt 100 - 120 triệu đồng/ha. Từ năm 2014 đến nay, sản phẩm cam Cao Phong được cấp chỉ dẫn địa lý. Các sản phẩm CAQCM được chứng nhận sở hữu trí tuệ như: Bưởi đỏ Tân Lạc, cam Lạc Thủy, cam, bưởi Mường Động (Kim Bôi), quýt Nam Sơn (Tân Lạc), bưởi Yên Thủy, cùng với việc sử dụng tem truy xuất nguồn gốc, bao bì, nhãn mác sản phẩm đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm CAQCM. Năm 2019, giá trị thu nhập bình quân đạt trên 350 triệu đồng/ha.

Nhờ trồng CAQCM, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh trở thành tỷ phú. Lợi nhuận cao nên người dân ồ ạt, đua nhau phát triển CAQCM. Người dân trong tỉnh, thậm chí cả các tỉnh lân cận tới mua đất tự ý san ủi đất rừng, đất đồi để trồng CAQCM phá vỡ quy hoạch của địa phương. Tại nhiều huyện, thành phố, những quả đồi được phủ xanh không phải bằng keo, bạch đàn mà bằng cam, bưởi. Người dân cứ có đất là trồng CAQCM, không quan tâm tới thổ nhưỡng có phù hợp cho các loại CAQCM sinh trưởng, phát triển hay không. Sự phát triển "nóng” CAQCM không nằm trong quy hoạch đã được phê duyệt khiến người trồng CAQCM đang phải đối mặt với giá bán giảm, thị trường tiêu thụ khó, cây bị nhiều sâu bệnh.

Ông Trần Ngọc Long, xóm Tân Thành, xã Cao Dương (Lương Sơn) chia sẻ: Khoảng 6 năm trước, diện tích trồng CAQCM trên địa bàn xã rất ít, số lượng nhà vườn chỉ đếm trên đầu ngón tay, đến nay, toàn xã có khoảng 201 ha cây có múi. Hầu như nhà nào cũng trồng cam, bưởi, chanh. Không riêng người dân địa phương mà người dân từ các tỉnh, thành phố lân cận tới mua đất, thuê đất để trồng bưởi, trồng cam rất nhiều. Diện tích CAQCM khá lớn, tuy nhiên, quy mô nhỏ lẻ, manh mún, phân tán, tuổi cây khác nhau khiến chất lượng không đều, sản phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu của hợp đồng tiêu thụ. Một trong những khó khăn đối với nông dân là sâu bệnh phá hoại, các loại côn trùng như nhện đỏ, nhện trắng, sâu vẽ bùa, nhất là ruồi vàng đục quả làm rụng quả. Một số vườn cây có hiện tượng thoái hóa giống. Sản lượng ngày càng tăng khiến thị trường tiêu thụ gặp nhiều khó khăn. Đối với những HTX sản suất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ ký hợp đồng tiêu thụ với các công ty, doanh nghiệp lớn giá bán còn ổn định. Đối với người dân trồng quy mô nhỏ luôn bị tư thương ép giá, nhiều hộ phải mang ra chợ ngồi bán lẻ.

Tại thủ phủ cam Cao Phong, sản lượng, diện tích trồng CAQCM của huyện tăng từng năm. Hiện, diện tích trồng CAQCM của huyện trên 3.000 ha, trong đó, diện tích kinh doanh khoảng trên 1.700 ha, thời kỳ kiến thiết cơ bản trên 1.200 ha. Sản lượng niên vụ 2020 - 2021 dự kiến trên 38.000 tấn. Từ năm 2015 đến nay, để giữ gìn, phát triển thương hiệu cam Cao Phong, UBND huyện đã hỗ trợ người dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP diện tích 1.018,34 ha, 759 hộ tham gia. Diện tích cam được chứng nhận đảm bảo an toàn thực phẩm 1.147 ha. Hàng năm, huyện duy trì tổ chức lễ hội cam Cao Phong để quảng bá thương hiệu cam đến với du khách thập phương, cùng nhiều hoạt động xúc tiến thương mại.

Đồng chí Bùi Văn Dán, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cao Phong trăn trở: Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực từ phát triển CAQCM, tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, một vài năm gần đây việc quản lý, sử dụng Chỉ dẫn địa lý cam Cao Phong còn nhiều khó khăn, chưa đạt kết quả cao. Tình trạng người dân tự ý trồng cam ngoài vùng quy hoạch vẫn diễn ra, dịch bệnh đối với cây cam ngày càng gia tăng, nhiều vườn cam phải phá bỏ vì sâu bệnh. Giá bán các loại cam, quýt xuống thấp. Niên vụ 2019 - 2020, có thời điểm cam xuống tới 9.000 đồng/kg. Diện tích, sản lượng tăng, trong khi việc tiêu thụ sản phẩm chủ yếu là bán quả để ăn tươi, chưa có nhiều tổ chức, cá nhân tham gia chế biến. Hiện, chưa có doanh nghiệp nào đứng ra phân phối sản phẩm cam quả, chủ yếu do tư thương tới mua nên giá bán không ổn định.

Vài năm trước cam vào mùa thu hoạch, tư thương khắp nơi tìm về Cao Phong tìm mua, xe ô tô tải nối đuôi nhau vào vườn, người dân ai cũng phấn khởi. Tuy nhiên, niên vụ 2019 - 2020, các hộ trồng cam quy mô nhỏ đã phải mang cam ra chợ bán. Tại chợ Bóp, thị trấn Cao Phong, hàng dài người dân ngồi bán cam chờ khách lẻ và lái buôn tới mua. Hiện nay, cam lòng vàng tại Cao Phong được bán với giá từ 15.000 - 20.000 đồng/kg đối với cam loại 1. Nhiều hộ trồng CAQCM với giấc mơ làm giàu đã phải phá bỏ trồng cây khác do cây bị sâu bệnh. Nhiều gia đình phải vay ngân hàng để đầu tư giờ trắng tay.

Không chỉ riêng ở thủ phủ cam Cao Phong, mà ở các địa phương khác, việc sản xuất CAQCM đang đối diện nhiều rủi ro. Tại những địa phương mới phát triển CAQCM, nông dân còn thiếu kiến thức, kinh nghiệm canh tác, phòng trừ sâu bệnh. Những nơi đã trồng CAQCM lâu năm nông dân gặp khó khăn, lúng túng đối với những diện tích trồng tái canh do thiếu kiến thức, kinh nghiệm trong phát hiện, xử lý các loại sâu bệnh gây hại trong đất và hại rễ cây.


Để thúc đẩy sự phát triển bền vững cây ăn quả có múi, hàng năm, tỉnh tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệusản phẩm nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ. Ảnh chụp tại Hội chợ Nông nghiệp và triển lãm sản phẩm OCOP vùng Trung du, miền núi phía Bắc - Tuần lễ cam Cao Phong năm 2020.

Để cây ăn quả có múi phát triển bền vững

Đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Để giữ vững thương hiệu một số sản phẩm và phát triển bền vững CAQCM, tỉnh cần duy trì quy mô diện tích đến năm 2025 khoảng 14 nghìn ha ở vùng trồng thích hợp, phù hợp thị trường tiêu thụ. Tăng cường chuyển giao KH-KT từ khâu giống, thâm canh và phòng trừ sâu bệnh để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; ứng dụng công nghệ cao hình thành vùng chuyên canh. Xử lý nghiêm các hoạt động sản xuất, kinh doanh giống CAQCM vi phạm quy định của Luật Trồng trọt. Đẩy mạnh công tác chứng nhận an toàn thực phẩm, VietGAP, hữu cơ. Phấn đấu đến năm 2025, 100% diện tích áp dụng quy trình sản xuất, trên 50% diện tích được chứng nhận đảm bảo an toàn thực phẩm, VietGAP, hữu cơ.

Bên cạnh đó, tỉnh cần tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm trong và ngoài nước nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm cây ăn quả của tỉnh. Tiếp tục duy trì một số hoạt động như tổ chức lễ hội cam Cao Phong, lễ hội CAQCM tỉnh. Hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương kết nối thị trường xuất khẩu; cung cấp thông tin về thị hiếu người tiêu dùng ở các thị trường xuất khẩu tiềm năng. Đồng thời, cần đẩy mạnh kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là các dự án ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, dự án bảo quản, chế biến sản phẩm CAQCM, các dự án gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm CAQCM.

 Bám sát quy hoạch phát triển CAQCM, Sở NN&PTNT phối hợp các địa phương tiếp tục rà soát các vùng sản xuất CAQCM theo định hướng phát triển tập trung tại các vùng có điều kiện đầu tư thâm canh. Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân trồng các loại cây phù hợp thổ nhưỡng, không phá rừng trồng CAQCM dẫn tới phá vỡ quy hoạch của tỉnh. Kiên quyết xử lý những trường hợp phá rừng, chuyển đổi đất rừng để trồng CAQCM ở những nơi không có trong quy hoạch.

Thu Thủy

Nhóm ý kiến: 

Cần thiết thực hiện dự án tái canh vùng cam Cao Phong

Hiện nay, diện tích trồng CAQCM của huyện Cao Phong chiếm gần 30% tổng diện tích CAQCM toàn tỉnh. Nếu tính riêng cam thì Cao Phong chiếm 60% diện tích cam toàn tỉnh. Sự ổn định vùng cam Cao Phong giữ vai trò quan trọng, quyết định tới sự ổn định chung của CAQCM cả tỉnh. Sản phẩm cam Cao Phong được cấp chứng nhận Chỉ dẫn địa lý có ý nghĩa quan trọng tác động tới toàn bộ nhãn hiệu sản phẩm quả có múi của tỉnh. Do vậy, cần phải giữ được uy tín, thương hiệu cam Cao Phong.

Tuy nhiên, hiện nay, tại Cao Phong, quá trình canh tác lâu năm đã khiến nhiều diện tích đất bị chai cứng, mất kết cấu hệ vi sinh vật, đất nghèo nàn. Tình trạng trồng xen các giống trong cùng một vườn khá phổ biến; trồng nhiều giống trong cùng một lô, khu vực, gây khó khăn cho khâu chăm sóc, bảo vệ thực vật. Kỹ thuật áp dụng không đồng bộ, chất lượng sản phẩm không đồng đều. Liên kết giữa người sản xuất chưa chặt chẽ. Tỷ lệ diện tích, sản lượng được chứng nhận an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc vẫn còn thấp, gây cản trở việc nhận diện sản phẩm trên thị trường. Vì vậy, cần sớm thực hiện dự án tái canh vùng cam Cao Phong trên địa bàn toàn huyện Cao Phong, để khắc phục những khó khăn trong sản xuất CAQCM của huyện Cao Phong nói riêng và của toàn tỉnh.

 

Nguyễn Hồng Yến

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật


 

Mong muốn có nhiều cơ sở sơ chế, chế biến và liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm

Sản phẩm CAQCM của tỉnh hiện nay chủ yếu phục vụ ăn tươi, được tiêu thụ qua tư thương chiếm 60%. Trên địa bàn tỉnh bắt đầu có những doanh nghiệp, HTX, trang trại đầu tư nghiên cứu, tổ chức công đoạn bảo quản sản phẩm bằng kho lạnh và màng phủ, nhưng quy mô còn nhỏ; sơ chế, chế biến sản phẩm từ quả có múi thành sản phẩm như nước ép, rượu, xà phòng còn ít, mang tính thử nghiệm. Trong khi đó, diện tích trồng CAQCM ngày càng tăng, sản lượng tăng; thị trường tiêu thụ gặp khó khăn, giá bán có xu hướng giảm.

Trước thực tế đó, các HTX, nhà vườn trồng CAQCM như HTX trồng bưởi hữu cơ và DVNN Tân Đông mong muốn tỉnh xây dựng nhà máy chế biến hoa quả công suất lớn. Bên cạnh đó, các cấp, ngành quan tâm đầu tư xây dựng thêm nhiều cơ sở sơ chế, bảo quản, chế biến để giúp HTX, hộ gia đình tiêu thụ sản phẩm. Các HTX, hộ gia đình đẩy mạnh liên kết trong sản xuất, sản xuất theo quy trình, đảm bảo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ.

 

Trần Hồng Năng

Giám đốc HTX trồng bưởi hữu cơ và Dịch vụ nông nghiệp Tân Đông, xã Đông Lai (Tân Lạc)


 

Tăng cường quảng bá, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm

Hiện nay, diện tích, sản lượng trồng cam tại huyện Cao Phong tăng nhanh. Kinh phí để sản xuất cam quả theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ cao trong khi đó giá bán của cam mấy năm gần đây có xu hướng giảm; thị trường tiêu thụ khó khăn khiến người trồng cam tại Cao Phong gặp khó khăn. Hiện tại, gia đình tôi bán cam lòng vàng trồng theo tiêu chuẩn VietGAP tại vườn với giá 20.000 đồng/kg. Giá bán năm nay thấp hơn nhiều so với mấy năm trước. Vì vậy, tôi mong muốn các cấp, ngành quan tâm tổ chức nhiều hoạt động quảng bá, giới thiệu, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm cho người dân thông qua việc tổ chức các hội chợ, triển lãm sản phẩm trong và ngoài tỉnh. Cùng với đó, các HTX, hộ trồng cam khi tham gia quảng bá sản phẩm phải có ý thức lựa chọn những sản phẩm có chất lượng, bán đúng giá niêm yết, nghiêm chỉnh chấp hành quy định của ban tổ chức. Thông qua lễ hội, hội chợ, hội nghị xúc tiến thương mại sẽ giúp các HTX, hộ trồng cam quảng bá, giới thiệu và tìm kiếm đối tác uy tín để tiêu thụ sản phẩm qua hợp đồng lâu dài. Các cấp, ngành cần ưu tiên, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho các hộ trồng cam nằm trong vùng Chỉ dẫn địa lý, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ. Bên cạnh đó, các ngành chức năng cần xử lý nghiêm những trường hợp có hành vi gian lận thương mại như trộn cam ở các tỉnh khác hoặc cam Trung Quốc nhưng gắn mác cam Cao Phong.

Nguyễn Văn Hưng

Xóm Mới, xã Thu Phong (Cao Phong)


Các tin khác


Huyện Lương Sơn: Nhiều giải pháp thu ngân sách những tháng cuối năm

(HBĐT) - Tính đến hết tháng 10, tổng thu ngân sách trên địa bàn huyện Lương Sơn đạt khoảng 213 tỷ đồng, đạt trên 80% dự toán pháp lệnh, trong đó thu thuế và phí vượt kế hoạch đề ra. Hiện, huyện khẩn trương đôn đốc, tăng cường các biện pháp, đẩy mạnh công tác thu ngân sách những tháng cuối năm, đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu về thu NSNN đề ra.

Huyện Lạc Thủy: Khẩn trương sản xuất vụ đông

(HBĐT) - Vụ đông luôn được huyện Lạc Thủy xác định là vụ thứ ba trong năm cùng với 2 vụ lúa. Do vậy, việc quy hoạch vùng sản xuất, xây dựng cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống lúa đều có sự gắn kết cả 3 vụ. Thời điểm này, nông dân toàn huyện khẩn trương thu hoạch nốt diện tích cây màu vụ mùa, đồng thời, đẩy nhanh tiến độ gieo trồng cây vụ đông.

Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công năm 2020

(HBĐT) - Chiều 12/11, UBND tỉnh tổ chức hội nghị nghe báo cáo tình hình thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công (VĐTC) đến ngày 6/11/2020, bàn giải pháp thực hiện những tháng cuối năm. Đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố.

Kiểm tra tiến độ thực hiện các công trình giao thông trọng điểm ở thành phố Hòa Bình

(HBĐT) - Sáng 12/11, đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo một số sở, ngành đã làm việc về tiến độ thi công, công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng (GPMB) cầu Hòa Bình 2 và đường nối quốc lộ (QL) 6 với đường Chi Lăng (TP Hòa Bình).

Chủ động phòng, chống đói, rét cho gia súc trong mùa đông

(HBĐT) - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, năm nay, không khí lạnh có khả năng ảnh hưởng sớm, nền nhiệt trung bình có xu hướng thấp hơn năm ngoái. Do đó, các địa phương, hộ chăn nuôi cần chủ động áp dụng các biện pháp để phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi.

Quảng bá, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP

(HBĐT) - Năm 2019, toàn tỉnh có 27 sản phẩm của 21 chủ thể được UBND tỉnh công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP. Với mục tiêu xây dựng sản phẩm OCOP trở thành những thương hiệu mạnh, được đông đảo người tiêu dùng trong nước, quốc tế biết đến, năm 2020, tỉnh đã tham gia, tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh. Cùng với đó, các sở, ngành, địa phương triển khai mở cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục