(HBĐT) - Trong các năm 2013-2014, vì chọn sai giống thanh long, sản phẩm không đạt chất lượng, ông Bùi Văn Nhưng, nông dân xóm Thóng, xã Vũ Bình (Lạc Sơn) từng 2 lần phải phá bỏ cả vườn. Thất bại không làm ông nản chí mà càng khiến ông quyết tâm, kiên trì theo đuổi mô hình trồng thanh long ruột đỏ giống mới.  


Mô hình trồng thanh long ruột đỏ giống mới của ông Bùi Văn Nhưng, xóm Thóng, xã Vũ Bình (Lạc Sơn) cho giá trị kinh tế cao.

Chúng tôi đến thăm mô hình của nông dân Bùi Văn Nhưng khi lứa thanh long ruột đỏ đang chín rộ. Nghe ông chia sẻ và tận mắt nhìn vườn thanh long hàng nghìn gốc sai trĩu trịt, quả nào, quả nấy căng tròn, đều tắp mới thấy công sức ông đổ vào đây nhiều đến thế nào. Ông Nhưng hồ hởi cho biết: Mấy năm nay, sản phẩm làm ra được thị trường biết đến, điều kiện cuộc sống đã khá hơn. Quan trọng hơn cả là từ những khởi đầu thất bại, tôi đã chứng minh được hiệu quả, giá trị của mô hình, hài lòng với con đường mình đã quyết tâm theo đuổi.

 Sinh ra và lớn lên tại vùng nông thôn, ông Nhưng từng tham gia quân ngũ và trở về địa phương từ năm 1985 đến nay. Cũng như các hộ dân trong xóm, gia đình ông duy trì nghề nông, thu nhập chính từ trồng lúa, hoa màu, chăn nuôi con lợn, con gà. Điều kiện kinh tế gia đình chỉ thực sự vươn lên từ khi thực hiện mô hình trồng thanh long ruột đỏ kết hợp nuôi cá ao, trên diện tích 1 ha đất vườn và 1.500 m2 ao liền kề sẵn có của gia đình.

Theo ông Nhưng tâm sự, khi bắt tay vào thực hiện mô hình, thuận lợi là khu đất đảm bảo nguồn nước, thổ nhưỡng phù hợp với cây thanh long. Tuy nhiên, khó khăn lại chiếm phần nhiều: Gia đình chưa có kinh nghiệm trồng, trong khi các địa phương lân cận cũng chưa có mô hình trồng thanh long hiệu quả để có dịp học hỏi. Do kinh tế chỉ ở mức đủ ăn nên không có nguồn vốn đầu tư. Giao thông trên địa bàn khó khăn, thị trường tiêu thụ bấp bênh, sản phẩm còn mới mẻ.

Nhiều người bảo ông liều lĩnh khi thực hiện mô hình mới, chưa kể còn gặp thất bại đến 2 lần. Những lần trước, ông dùng vốn vay từ ngân hàng và huy động một phần từ anh em, họ hàng nội ngoại để mua giống, đầu tư hệ thống tưới tiêu, thuê nhân công lao động. Đến lần thứ 3, ông chỉ còn cách tự xoay sở vốn để làm lại từ đầu. Việc phải làm trước tiên là ông tìm về tận nơi có cây giống chuẩn để mua giống. Thay vì giống Đài Loan và giống Long Định 15 từng phải phá bỏ trước đây, ông lặn lội vào miền Nam để lấy giống rải vụ Long Định 5, với ưu điểm vượt trội là màu da sáng đẹp, ruột tím hồng, cho nhiều quả.

Thấm thoắt 5 năm nay, vườn thanh long ruột đỏ của ông Nhưng cho sản lượng đều đặn, từ 20 - 25 tấn/vụ. Nhờ giá cả, thị trường tiêu thụ khá ổn định, với trên 1.000 gốc, tương đương 1 ha diện tích, gia đình ông có thu nhập bình quân trên 500 triệu đồng/năm. Cũng với giống Long Định chất lượng cao, ông trở thành người cung ứng giống uy tín và chia sẻ kỹ thuật, kinh nghiệm cho người dân vùng Lạc Sơn, Tân Lạc và địa phương tỉnh bạn như huyện Thạch Thành (Thanh Hóa). Bình quân, mỗi năm ông cấp được 4 ha giống cho các hộ có nhu cầu.

Hiện nay, mô hình sản xuất của ông Nhưng đang được Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản hướng dẫn các thủ tục để được chứng nhận VietGAP, nhằm khẳng định chất lượng, thương hiệu riêng cho sản phẩm, giúp mô hình thành công bền vững, đảm bảo hơn về đầu ra cho sản phẩm. Quá trình sản xuất, ông đã tạo việc làm cho 5 lao động thường xuyên, 5 lao động thời vụ với thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng. Không chỉ xây dựng mô hình cho cá nhân mình, ông còn tích cực, nhiệt tình hỗ trợ hàng chục hộ dân trong xóm và vùng lân cận về giống, kỹ thuật để hiệu quả mô hình ngày càng được nhân rộng. 

Bùi Minh

Các tin khác


Huyện Lạc Sơn: Vượt khó thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

Phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2023, ngay từ quý I/2024, huyện Lạc Sơn tiếp tục nỗ lực vượt khó, quyết tâm thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội (KT-XH) quan trọng.

Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản

Căn cứ Quyết định số 482/QĐ-UBND, ngày 28/3/2024 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch hành động đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản tỉnh Hòa Bình năm 2024, Sở NN&PTNT ban hành Kế hoạch hành động số 262/KH-SNN, ngày 15/4/2024 về đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản năm 2024.

Tín hiệu kinh tế khởi sắc ở huyện Cao Phong

Những ngày trung tuần tháng 4, trên các vườn mía xã Hợp Phong (Cao Phong), nông dân tập trung thu hoạch mía bán cho tiểu thương. Anh Bùi Văn Biện cùng một vài người dân vác từng bó mía từ vườn ra trục đường lớn. Mồ hôi nhễ nhại nhưng trên gương mặt anh toát lên tinh thần lao động hăng say. Anh Biện cho biết, vụ mía năm nay giá bán thấp hơn cuối năm trước từ 2.500 - 3.000 đồng/cây. Tuy nhiên, cây mía phát triển tốt nên được tiểu thương đánh giá cao về chất lượng và tiêu thụ nhanh.

Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Mai Hạ

Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, thời gian qua, xã Mai Hạ (Mai Châu) khuyến khích nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ cây lương thực kém hiệu quả, vùng canh tác không chủ động nước tưới sang trồng các loại cây chịu hạn, cây có hiệu quả kinh tế cao nhằm nâng cao giá trị sử dụng đất.

Quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,5% so với cùng kỳ

Trong quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh ước tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục