Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean (VitaJean) cho biết, kết thúc tháng 9-2020, trong khi nhiều DN cùng ngành còn đang "loay hoay” tìm lối thoát thì VitaJean ghi nhận doanh thu cả nội địa và xuất khẩu xấp xỉ 2019. Đặc biệt, VitaJean còn chốt xong các đơn hàng đến năm 2021. Có được kết quả này, ngay bùng phát dịch Covid1-19, VitaJean đã chuyển qua may khẩu trang vải kháng khuẩn để xuất khẩu qua châu Âu, Mỹ. Ở mảng nội địa, VitaJean đã đẩy mạnh bán online với nhiều chương trình giảm giá, khuyến mại để thu hút người tiêu dùng. Sự đầu tư mạnh mẽ cho khoa học công nghệ suốt nhiều năm qua đã giúp DN vượt qua khó khăn và giữ nhịp tăng trưởng.
Đầu năm 2020, Samsung đã chính thức công bố việc xây dựng Trung tâm R&D mới tại Việt Nam. Đây là trung tâm R&D lớn nhất của Samsung tại khu vực Đông Nam Á, được xây dựng với vốn đầu tư 220 triệu USD, quy mô một tòa nhà 16 tầng nổi, 3 tầng hầm, diện tích sàn 79.511 m2.
Theo kế hoạch, Trung tâm sẽ hoàn thành vào cuối năm 2022, thu hút 3.000 kỹ sư tới làm việc và sẽ không chỉ tập trung vào việc nghiên cứu, phát triển sản phẩm, mà còn ở các lĩnh vực đang là xu hướng của thế giới như trí tuệ nhân tạo (AI), vạn vật kết nối (IoT), dữ liệu lớn (Big Data), mạng 5G…
Theo TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn của Chính phủ, xét trên phương diện quốc gia, một nền kinh tế độc lập tự chủ thì phải làm chủ được khoa học công nghệ, làm chủ nghiên cứu phát triển, kể cả việc nhập khẩu công nghệ và phát triển nó. Có như vậy chúng ta mới thoát khỏi kinh tế gia công và hội nhập hiệu quả được với các FTA thế hệ mới mà Việt Nam đã tham gia gần đây. Bởi khi đầu tư cho R&D, DN sẽ có nhiều lợi thế như có sản phẩm độc lập không chịu phận gia công và tăng được năng suất lao động, giúp sản phẩm tăng sức cạnh tranh hơn.
Hiện ở Việt Nam một số DN có đầu tư mạnh R&D có thể kể tới như Thaco, VinGroup và một số DN trong ngành dệt may, da giày, nông nghiệp… Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group chia sẻ, dù là công ty nông nghiệp nhưng Phúc Sinh vẫn mạnh tay đầu tư cho công nghệ bằng việc ra mắt app bán hàng trên di động để tiếp cận nội địa và đưa ra thị trường những sản phẩm mới phù hợp với xu hướng tiêu dùng thế giới. Các nước Châu Âu, châu Mỹ không trồng được tiêu và họ chỉ có tiêu sấy khô, sấy ướt. Do đó, Phúc Sinh đã nghiên cứu tạo riêng biệt bằng ra mắt sản phẩm tiêu sấy lạnh, giúp giá bán tăng gấp 6 lần so với bình thường và đơn hàng vẫn đều đặn xuất khẩu dù dịch chưa được kiểm soát.
Hoặc, trong lĩnh vực xe điện, Vinsfast mua bản quyền sản xuất công nghệ pin lithium của LG. Nhờ đó, VinGroup sẽ có dây chuyền sản xuất pin lithium riêng, có được nhiều chuyên gia hàng đầu, đào tạo được lớp nhân lực mới phù hợp với công nghệ phát triển để sẵn sàng cho bước chuyển sản xuất các sản phẩm R&D của mình.
Hay hệ sản phẩm của Vinsmart đều dựa trên nền tảng nhập ngoại, hoàn thành chuối công nghiệp hỗ trợ của riêng VinGroup, từ đó thúc đẩy R&D. Quá trình này của VinGroup mới chỉ diễn ra trong vòng ba năm và đang chỉ ở mức bắt đầu nghiên cứu. Để VinGroup có thể có một sản phẩm R&D của riêng mình vẫn còn phải mất thêm nhiều thời gian nữa. Nhưng đó là con đường quan trọng để phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam nếu muốn trở thành một trung tâm R&D.
Con đường tất yếu
Đầu tư R&D được coi là hoạt động đầu tư thượng nguồn. Không chỉ Việt Nam, mà nhiều quốc gia khác trên toàn cầu cũng mong muốn thu hút đầu tư trong lĩnh vực này. Nhiều chuyên gia nhận định, xu hướng trong khu vực cũng cho thấy Thái Lan hay Malaysia thiên về ngành sản xuất công nghệ cao hơn là muốn trở thành công xưởng giá rẻ của thế giới. Chỉ có hoạt động R&D mạnh mẽ mới giúp Việt Nam cạnh tranh trong vai trò trở thành nước sản xuất công nghệ cao hơn là thay thế vai trò công xưởng giá rẻ từ Trung Quốc.
Tuy nhiên để đạt được điều này cần một hành trình dài thay đổi tư duy kinh doanh và phát triển từng cấp độ nghiên cứu của các doanh nghiệp nội. Mô hình điển hình nhất của phát triển công nghiệp hỗ trợ tiến tới R&D tại Việt Nam là VinGroup với hai dòng sản phẩm xe Vinfast và điện thoại VinSmart.
Đánh giá cao những nỗ lực của DN Việt thời gian quan nhưng TS Trần Du Lịch nhấn mạnh, những DN làm được như vậy chưa thực sự chiếm tỷ lệ cao và ta cần có cơ chế để thúc đẩy ngày một nhiều hơn các thành phần kinh tế tham gia vào hình thức này. Bởi lẽ những năm tới nền kinh tế hội nhập sâu rộng hơn thì sự thanh lọc sẽ càng nghiệt ngã hơn, sẽ không có đất cho những DN có năng suất thấp, chất lượng kém…
Nhiều ý kiến cho rằng, tại Việt Nam tất cả các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển R&D đều đã có. Chẳng hạn chúng ta ngoài luật lệ chung có luật hỗ trợ DNVVN. Hoặc Luật thuế thu nhập DN có ưu đãi nếu đầu tư vào R&D… Tuy vậy tất cả chính sách này lại không đồng bộ, không tập trung, dẫn tới hiệu quả chưa cao. Trong khi đó với các DNVVN cái lớn nhất họ thiếu là công nghệ. Vì thế cần phải có chính sách liên kết giữa các Trường đại học, Viện nghiên cứu với DN trong vấn đề chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực. Cụ thể là giúp công nghệ cho họ chứ không hỗ trợ bằng cách đưa tiền như trước đây. Thêm vào đó cũng phải có ràng buộc là trừ nghiên cứu cơ bản, còn các nghiên cứu ứng dụng phải có sản phẩm, có ứng dụng được mới nhận được tiền hỗ trợ.
"Nếu chúng ta muốn khai thác lợi thế của những FTA như Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA)… thì DN trong nước, đặc biệt là DNVVN phải tham gia được vào chuỗi giá trị qua đầu tư công nghệ. Thậm chí những DN không tham gia xuất khẩu, chỉ làm nội địa cũng phải thay đổi mới tồn tại được”, TS Trần Du Lịch nhấn mạnh.