Với việc hỗ trợ tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, sản phẩm cam hữu cơ của hợp tác xã 3T farm đạt chất lượng tốt, được khách hàng ưa chuộng.
Nghị quyết số 14 của BTV Tỉnh ủy về cơ chế tiêu thụ nông sản hàng hóa, góp phần xây dựng thành công nhiều dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với sự tham gia của các doanh nghiệp, HTX, người sản xuất, tạo ra chuỗi khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ hàng hóa.
Theo đồng chí Bùi Văn Dán, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cao Phong, từ Nghị quyết số 14 về cơ chế tiêu thụ nông sản hàng hóa, huyện đã cụ thể hóa bằng 4 chương trình phù hợp điều kiện của huyện. Đó là công tác tuyên truyền; công tác chỉ đạo quy hoạch, định hướng phát triển sản xuất hàng hóa, xác định các sản phẩm hàng hóa chủ lực, thế mạnh của địa phương; công tác chuyển giao tiến bộ, khoa học kỹ thuật, công nghệ, giới thiệu, định hướng các giống cây trồng năng suất cao, các hoạt động liên kết "4 nhà" và công tác xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại.
Hiện nay, tỷ trọng nông - lâm - ngư nghiệp của huyện đạt 44,2%, ổn định diện tích cây ăn quả có múi 2.851 ha, sản lượng trên 33 nghìn tấn. Tiếp tục phát triển hàng hóa nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn kết chặt chẽ với công nghiệp chế biến, bảo quản và thị trường tiêu thụ. Huyện đã triển khai có hiệu quả việc giới thiệu, hỗ trợ giống cây trồng có năng suất cao, phẩm chất tốt nhằm nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp. Trong 5 năm qua đã có 4 đề tài, dự án được triển khai nghiên cứu phục vụ sản xuất nông nghiệp. Thực hiện khảo nghiệm, sản xuất thử, mô hình trình diễn nhiều loại giống cây trồng để đánh giá độ thích nghi, phù hợp các vùng trên địa bàn huyện. Qua nghiên cứu, trồng khảo nghiệm, sản xuất thử đã lựa chọn được các giống cây trồng, vật nuôi thế mạnh, năng suất cao, chất lượng tốt, khả năng chống chịu sâu bệnh, phù hợp sinh thái của huyện như: Giống lúa Kim Cương 111 (xã Thạch Yên), j01, j02, j03 (xã Hợp Phong), giống cam CS1, cam canh, cam Xã Đoài, cam V2... cho thu hoạch giải vụ từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau.
Cùng với nâng cao chất lượng về giống, huyện thực hiện công tác xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại để tiêu thụ nông sản. Với mục tiêu đưa nông sản lên sàn giao dịch, hướng đến các thị trường lớn như Hà Nội và các tỉnh lân cận, huyện đã tham gia giới thiệu hàng hóa ở nhiều hội chợ nông sản lớn như: "Tuần lễ cam Cao Phong - Hòa Bình" tại Hà Nội; phiên chợ "Nông sản, thực phẩm an toàn và vật tư nông nghiệp", tuần lễ giới thiệu nông sản an toàn, tuần lễ nhận diện nông sản thực phẩm an toàn Việt... Trong 5 năm qua, huyện đã tham gia trên 10 hội nghị kết nối cung cầu tại TP Hà Nội và các tỉnh khác. Với các hoạt động hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm đã góp phần tích cực đưa sản phẩm cam Cao Phong lên sạp hàng của các đại lý phân phối lớn như hệ thống siêu thị Big C, lượng tiêu thụ trung bình khoảng 3 tấn/tháng; hệ thống siêu thị Fivimart, mức tiêu thụ các sản phẩm từ cây có múi trên địa bàn huyện khoảng 10 tấn/tháng...
Cũng theo đồng chí Bùi Văn Dán, từ năm 2019 đến nay, huyện đã giải ngân gần 1,5 tỷ đồng kinh phí thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, trong đó có hỗ trợ tiêu thụ nông sản hàng hóa và các chính sách về hỗ trợ trong lĩnh vực trồng trọt, khuyến khích phát triển nuôi cá lồng lòng hồ. Huyện đã lồng ghép chính sách về hỗ trợ cải tạo vườn tạp để giúp người dân chuẩn bị vật tư cho sản xuất; hỗ trợ chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng ngô... Với những chính sách cụ thể, thiết thực, Nghị quyết số 14 của BTV Tỉnh ủy đã được huyện triển khai, thực hiện một cách hiệu quả, các doanh nghiệp, HTX và các hộ cá thể trên địa bàn đồng tình, tham gia. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp của huyện trên thị trường.
Phương Linh