(HBĐT) - Trong nhiều năm qua, lãnh đạo tỉnh và các sở, ban, ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo việc thúc đẩy năng lực cạnh tranh của tỉnh. Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) tỉnh đã tham gia tích cực vào vấn đề này. Do vậy, việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh có sự tiến bộ liên tục, điểm số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tăng dần trong 4 năm liên tiếp, năm 2019 nằm trong nhóm điều hành khá. Tuy nhiên, trong bức tranh chung về năng lực cạnh tranh của cả nước, thứ hạng của tỉnh vẫn còn khá thấp (đứng thứ 48/63 tỉnh, thành phố), trong khi tiềm năng, không gian cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh còn rất lớn. 
Bài 1 - Cơ hội đón nhận làn sóng đầu tư mới


Công ty may Esquel tại khu công nghiệp Lương Sơn (Lương Sơn) sản xuất - kinh doanh hiệu quả, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động.

"Trong sự nghiệp phát triển, tỉnh Hòa Bình có địa chính trị, địa kinh tế thuận lợi, đặc biệt là vị trí quan trọng tiếp giáp Thủ đô Hà Nội, thuận lợi kết nối với vùng trọng điểm kinh tế phía Bắc. Tỉnh có tiềm năng rất lớn về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ với các đặc sản có tiếng. Cùng với đó là không gian phát triển du lịch, dịch vụ lý tưởng, Hòa Bình hoàn toàn có thể trở thành "bếp ăn” của Thủ đô, nhất là điểm đến cuối tuần của người dân Hà Nội và các trung tâm kinh tế phía Bắc. Song song với đó là tiềm năng phát triển công nghiệp, trong bối cảnh dịch chuyển rất lớn của dòng vốn đầu tư từ các địa phương khác do quá tải về môi trường, không gian phát triển. Do vậy, Hòa Bình có cơ hội rất lớn đón nhận làn sóng đầu tư mới để trở thành trung tâm phát triển trong khu vực, có thể trở thành cơ sở hậu cần, nghỉ dưỡng quan trọng đối với phát triển kinh tế. Có thể nói, Hòa Bình có lợi thế lớn, đang đứng trước yêu cầu có sự phát triển đột phá hơn về năng lực cạnh tranh, môi trường kinh doanh để thu hút dòng vốn đầu tư mới". Đó là khẳng định của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khi đánh giá về tiềm năng, cơ hội phát triển của tỉnh.

Tiềm năng, lợi thế của tỉnh cũng được thể hiện qua các con số phân tích: Tài nguyên rừng phong phú với diện tích đất lâm nghiệp chiếm 54,7%. Nhiều loại khoáng sản phục vụ cho ngành công nghiệp, xây dựng. Tỉnh nằm trong khu vực của 3 hệ thống sông chính là: Sông Đà, sông Mã, sông Đáy, với khoảng 400 con suối lớn, nhỏ. Tỉnh được đánh giá đứng đầu cả nước về trữ lượng nước khoáng, trong top đầu về các loại khoáng sản xây dựng. Ngoài ra, qua phân tích của ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, VCCI, Giám đốc Dự án PCI, Hòa Bình được đánh giá có hạ tầng phát triển ở mức khá so với toàn quốc, đứng thứ 5 so với các tỉnh trong cùng vùng miền núi phía Bắc. Điều này được thể hiện qua chất lượng một số hạ tầng cơ bản như: Điểm số khu, cụm công nghiệp đạt 11,5 điểm (trung bình cả nước 12,63), đường bộ 18,85 (trung bình cả nước 19), điện/điện thoại 17,34 (trung bình cả nước 16,23), mạng internet 21,88 (trung bình cả nước 20,98). Cơ cấu kinh tế của tỉnh khá cân đối giữa các ngành công nghiệp - xây dựng, dịch vụ và nông, lâm nghiệp.

Để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo thể chế hóa các chính sách, pháp luật phù hợp điều kiện thực tế của tỉnh theo hướng hiện đại, đồng bộ, hội nhập, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch, thuận lợi. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính. Ngay từ đầu năm 2020, UBND tỉnh đã có Quyết định số 97/QĐ-UBND, ngày 16/1/2020 ban hành Kế hoạch tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Hòa Bình năm 2020, định hướng đến năm 2021, trong đó, giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan có liên quan thực hiện các giải pháp để nâng cao chỉ số PCI theo lĩnh vực do ngành mình quản lý.

Đồng chí Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết: Thực hiện Quyết định số 97/QĐ-UBND, cơ bản các cơ quan, địa phương đã ban hành kế hoạch cụ thể để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được giao. Các cơ quan đã quan tâm chỉ đạo thực hiện để nâng cao chỉ số được phân công. Thực thi đầy đủ điều kiện kinh doanh bị bãi bỏ, không cơ quan nào tự ý đặt thêm điều kiện kinh doanh trái quy định. Thực hiện cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính theo yêu cầu. Tỉnh quan tâm bố trí kinh phí để các huyện, thành phố lập quy hoạch xây dựng, quy hoạch đất đai, bản đồ địa chính.

Xác định công tác quy hoạch là "chìa khóa" để thu hút đầu tư, UBND tỉnh và đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh coi trọng chỉ đạo rốt ráo vấn đề này. Sở KH&ĐT đã đề xuất bố trí mỗi huyện, thành phố 500 triệu đồng từ nguồn vốn đầu tư công để lập quy hoạch đất đai. Sở Tài chính tham mưu, đề xuất bố trí 20,5 tỷ đồng để các huyện, thành phố lập quy hoạch chung, điều chỉnh quy hoạch chung thị trấn và lập quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000, quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đối với các khu đất có giá trị thương mại cao. Tạm ứng ngân sách tỉnh 5 tỷ đồng cho các huyện, thành phố thực hiện công tác lập quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2030 cấp huyện. Đến hết tháng 10/2020, đã tham mưu bố trí cho Sở TN&MT từ nguồn thu sử dụng đất 30 tỷ đồng để thực hiện nhiệm vụ đo đạc lập bản đồ địa chính gắn với đăng ký, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai các huyện, thành phố.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự vào cuộc có trách nhiệm của nhiều sở, ngành, địa phương, việc cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư vào tỉnh đã có sự chuyển biến. Trong 10 tháng năm 2020, Sở KH&ĐT đã cấp 290 giấy chứng nhận đăng ký DN, trong đó, trên 50% được thực hiện qua mạng (25% ở cấp độ 4). Tính đến ngày 31/10/2020, toàn tỉnh có 3.718 DN đăng ký thành lập.

Bên cạnh đó, tỉnh đã thu hút được 38 dự án đầu tư, trong đó có 2 dự án đầu tư FDI. Lũy kế đến đầu tháng 11/2020, toàn tỉnh có 549 dự án đầu tư trong nước đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư, với tổng vốn đăng ký 87.193 tỷ đồng, khoảng 52,2% đã đi vào hoạt động sản xuất - kinh doanh. Có 41 dự án FDI đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, tổng vốn đăng ký 586,587 triệu USD (tương đương khoảng 13.591 tỷ đồng).

(Còn nữa)


Hoàng Nga

Các tin khác


Huyện Lương Sơn: Hiệu quả bước đầu từ mô hình trồng cỏ ngọt

Được triển khai thực hiện tháng 9/2023 với quy mô diện tích khoảng 2ha tại xóm Trại Hòa, xã Cao Sơn (Lương Sơn), đến nay, mô hình trồng cây cỏ ngọt bước đầu cho thấy hiệu quả. Cây cỏ ngọt sinh trưởng, phát triển tốt, phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, được kỳ vọng là loại cây trồng giúp nhiều nông dân phát triển kinh tế hiệu quả.

Xây dựng thương hiệu gà Quyết Thắng

Là một trong những "thủ phủ” chăn nuôi gà ri lớn nhất của huyện Lạc Sơn, xã Quyết Thắng quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm xây dựng gà ri trở thành sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương, đưa chăn nuôi gà ri thành ngành kinh tế mũi nhọn, giúp người dân cải thiện thu nhập, giảm nghèo bền vững. Đồng thời giải quyết việc làm cho lao động địa phương, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Quý I, tổng Quỹ Hỗ trợ nông dân đạt trên 63,5 tỷ đồng

Trong quý I/2024, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh tích cực phối hợp với Hội Nông dân các huyện, thành phố tổ chức giải ngân vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân từ nguồn ngân sách của tỉnh cấp năm 2024.

3 tháng, thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.306 tỷ đồng

Theo số liệu báo cáo của UBND tỉnh, thu ngân sách Nhà nước của tỉnh ước thực hiện hết tháng 3/2024 đạt 1.306 tỷ đồng, bằng 32% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 23% so với chỉ tiêu Nghị quyết Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh và bằng 153% so với cùng kỳ.

Toàn tỉnh có gần 5 nghìn lồng nuôi cá

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, tình hình sản xuất thủy sản trong tỉnh ổn định. Hiện toàn tỉnh có diện tích nuôi cá ao, nuôi cá ruộng là 2.695 ha (nuôi kết hợp ở các hồ thủy lợi 1,2 nghìn ha); số lồng nuôi cá có 4.987 lồng. Trong 3 tháng đầu năm 2024, sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 2.472 tấn; các cơ sở sản xuất được 9 triệu con cá giống các loại phục vụ cho sản xuất.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục