HBĐT) - Với mục tiêu khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, sức sáng tạo, tạo cơ hội tốt nhất để phụ nữ vươn lên. Những năm qua, các cấp Hội LHPN trong tỉnh đã tích cực hỗ trợ hội viên khởi nghiệp trong sản xuất, kinh doanh, tiếp cận các nguồn vốn, xây dựng mô hình kinh tế; thực hiện hiệu quả đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” giai đoạn 2018-2020.
Dự án "Du lịch trải nghiệm - Cây cam nhà tôi” của chị Vũ Thị Lệ Thủy, HTX 3T nông sản Cao Phong (Cao Phong) vào vòng cấp vùng cuộc thi "Ngày phụ nữ khởi nghiệp 2020”. Ảnh: Du khách thăm quan,
trải nghiệm tại vườn cam của hộ thành viên HTX.
Hội LHPN các cấp đẩy mạnh huy động nguồn lực, hỗ trợ phụ nữ thông qua các hoạt động tư vấn, kết nối, tạo điều kiện giúp vươn lên phát triển kinh tế; quan tâm công tác đào tạo, dạy nghề, động viên, khích lệ sự mạnh dạn, tự tin khởi nghiệp ở chị em. Trong năm qua, các cấp Hội đã phối hợp mở 94 lớp dạy nghề mây tre đan, sản xuất rau an toàn, may công nghiệp, gà thả đồi... cho 2.717 phụ nữ; hỗ trợ thành lập mới 18 mô hình kinh tế tập thể. Ngoài ra, Hội tổ chức tập huấn khởi sự kinh doanh, tọa đàm "Chia sẻ kinh nghiệm trong thực hiện đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp”, tổ chức "Ngày hội phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo - Kết nối thành công”… để giới thiệu, tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm khởi nghiệp của hội viên.
Tạo điều kiện hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, các cấp Hội tuyên truyền, vận động tiết kiệm, huy động các nguồn vốn. Qua hoạt động phối hợp Ngân hàng CSXH, có 27.841 hộ hội viên được vay vốn, tổng dư nợ trên 900 tỷ đồng, tỷ lệ nợ quá hạn 0,08%. Các hoạt động tiết kiệm tại chi, tổ tiết kiệm tín dụng được mở rộng, gồm trên 2.600 tổ nhóm với trên 81.000 thành viên, tiết kiệm trên 32 tỷ đồng giúp hội viên vay phát triển kinh tế gia đình. Cùng với đó, phong trào "Giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”, "Mỗi chi hội đăng ký giúp đỡ 1 hội viên thoát nghèo bền vững” tiếp tục được duy trì, phát huy hiệu quả.
Thực hiện đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp" giai đoạn 2017-2025, Hội LHPN tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp, hoạt động đa dạng, thiết thực. Năm 2020, toàn tỉnh có 140 chị được hỗ trợ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh bằng hình thức hỗ trợ giống, vốn, tiền, tiếp cận vốn. Trong đó, 20 chị được hỗ trợ xây dựng kế hoạch, ý tưởng tham gia cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp cấp T.Ư năm 2020. Hội LHPN tỉnh cũng phối hợp tổ chức tập huấn nhằm nâng cao năng lực cho Ban quản lý, thành viên HTX, tổ hợp tác. Phối hợp Công ty Coca-Cola tổ chức hội thảo "Kỹ năng phát triển du lịch cộng đồng và du lịch bền vững” cho 50 cán bộ Hội, phụ nữ làm du lịch tại 10 huyện, thành phố. Tổ chức 3 lớp tập huấn cho 105 cán bộ Hội cơ sở, phụ nữ khởi nghiệp, chủ doanh nghiệp, HTX về kiến thức, kỹ năng hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp.
Đồng chí Hoàng Thị Duyên, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Cùng sự trợ lực của các cấp Hội, nhiều chị em đã tự tin, mạnh dạn khởi nghiệp với đam mê của mình, phát huy kiến thức, kinh nghiệm ứng dụng vào thực tế sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế. Hoạt động khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh của phụ nữ đã lan tỏa, tạo hiệu ứng mạnh mẽ. Điều phấn khởi không chỉ thể hiện qua việc sản phẩm khởi nghiệp của phụ nữ được hình thành, mà chính là sự thay đổi tư duy, nhận thức của chị em, giúp vượt qua tâm lý tự ti, an phận, chủ động hơn để tìm hiểu, nâng cao kiến thức, vươn lên phát triển kinh tế. Gần đây nhất, trong cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp cấp T.Ư năm 2020, tỉnh có 3 ý tưởng đạt giải. Trong đó, ý tưởng Chuỗi liên kết phát triển vùng nguyên liệu trồng và chế biến dầu Sachi omega 3.6.9 bằng công nghệ ép lạnh được vào thẳng chung kết, đạt giải triển vọng; 2 ý tưởng đạt giải tác động xã hội góp phần giảm nghèo bền vững được hỗ trợ vay vốn trên 600 triệu đồng.
Bằng nhiều hoạt động đa dạng, thiết thực, hiệu quả, các cấp Hội LHPN tỉnh đã, đang khơi nguồn cho hội viên phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Qua đó, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình, xã hội.
Thu Hằng
Khi môi trường lãi suất ở Mỹ và hầu hết các quốc gia trên thế giới đang ở mức rất thấp, các quỹ đầu tư tại đó sẽ xem xét chuyển hướng đầu tư vào các thị trường mới nổi, cận biên như Việt Nam để tăng hiệu quả về lợi nhuận.
Hiện nay, khu vực phía bắc đã có hơn 1.200 sản phẩm của Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đạt chất lượng ba sao, bốn sao và năm sao, chiếm 55,74% tổng số sản phẩm OCOP của cả nước. Đây được xem là một lợi thế để các tỉnh miền bắc đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế địa phương, từng bước đưa nông sản Việt Nam vươn tầm thế giới, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại khu vực nông thôn, đồng thời là giải pháp quan trọng để thực hiện tiêu chí về sản xuất, thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo trong xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao và NTM kiểu mẫu.
(HBĐT) - Tổng cục Thuế vừa tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác thuế năm 2020. Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng TT Chính phủ dự và chỉ đạo hội nghị.
(HBĐT) - Trước sự cạnh tranh của nhiều loại cam trên thị trường, cam Cao Phong vẫn luôn được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn, nhất là người dân Hà Nội. Hiện tại, cam lòng vàng giá bán tại vườn từ 15.000 - 20.000 đồng/kg, cam Canh từ 22.000 - 25.000 đồng/kg. So với cam của các địa phương, cam Cao Phong có mức giá tốt (cam Tuyên Quang khoảng 5.000 đồng/kg, cam Hà Giang từ 6.000 - 7.000 đồng/kg…).
(HBĐT) - Bộ KH&ĐT vừa tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ 5 năm 2016-2020, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2021. Đồng chí Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT chủ trì hội nghị. Tại điểm cầu tỉnh, dự hội nghị có các đồng chí: Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Đăng Ninh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh.
(HBĐT) - Từ lâu, huyện Tân Lạc được biết đến là một trong những cái nôi của người Mường, với nền văn hoá Hoà Bình nổi tiếng, mà Mường Bi là địa danh tiêu biểu. Những năm gần đây, với sự năng động, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và sự chung sức, đồng lòng của Nhân dân, huyện được biết đến là vùng đất có nhiều đổi mới trong phát triển KT-XH, điểm đến tin cậy của doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư (NĐT).