(HBĐT) - Từ một thị xã nghèo, "núp bóng” nhà máy thủy điện Hòa Bình năm nào, TP Hòa Bình đang vươn lên thay đổi mạnh mẽ trong tư duy, hành động, diện mạo, vươn tới những giá trị to lớn hơn, hiện đại, mang bản sắc riêng có, xứng đáng với trung tâm đô thị lớn của tỉnh và vùng Tây Bắc.
Các dự án hạ tầng khu vực trung tâm Quỳnh Lâm (TP Hòa Bình) đang được gấp rút triển khai.
Những công dân có tuổi của thành phố đều cảm nhận sâu sắc sự thay đổi của TP Hòa Bình. Ông Nguyễn Hùng Tiến, từng là cán bộ trong cơ quan hành chính của tỉnh, nay đã ngoài 70 tuổi ngồi nhâm nhi tách cafe bên quán nước ven đường Chi Lăng nhớ lại những kỷ niệm khó quên từ thời còn là thị xã. Ông chia sẻ: Chẳng ai có thể nghĩ khu Quỳnh Lâm nay đã là quảng trường rộng lớn, các dự án đô thị, nhà ở dân cư, trụ sở cơ quan hành chính, hạ tầng được quy hoạch đồng bộ, có hồ nước, không gian xanh, trở thành những khu "đất vàng” đáng sống bậc nhất thành phố. Mấy chục năm trước, thời gian những năm đầu tách tỉnh, khi ấy thành phố còn lại thị xã, khu Quỳnh Lâm gắn liền với đê Quỳnh Lâm ám ảnh những mùa nước nổi mênh mang, trắng xóa. Khu Quỳnh Lâm là khu đầm lau, sậy, rừng già âm u, hoang sơ như thôn quê vậy. Người dân địa phương thường ra đầm đánh cá, bắt ốc, mò chai, nhiều người bắt được những con trăn nước dài tới vài mét, bắt được cả rùa nặng tới mấy tạ… Đến khi khởi công nhà máy thủy điện Hòa Bình, thị xã Hòa Bình chỉ bó gọn trong tuyến đường phố Lau, phố Nghĩa (nay là đường Cù Chính Lan), cơ sở vật chất hầu như chẳng có gì, nhà cửa cấp 4, dân cư thưa thớt. Thị xã Hòa Bình được biết đến khá mờ nhạt như là phía sau nhà máy thủy điện Hòa Bình. Đời sống người dân còn rất nghèo, hiếm thấy ai có xe máy, phương tiện đi lại chủ yếu là xe đạp và đi bộ, một số cơ quan Nhà nước có ô tô, nhưng chủ yếu là xe u oát, lada. Cơ quan hành chính chưa có trụ sở phải ở tạm khu chuyên gia. Điểm kết nối duy nhất giữa hai bờ thị xã là chiếc cầu phao dân sinh chập chờn sóng nước, đi lại rất vất vả… Mùa nước nổi, nhiều khi phải nghỉ việc hoặc phải đi vòng rất xa qua hầm nhà máy.
Những ngày gian khổ, nghèo khó trước đây giờ chỉ còn là những kỷ niệm bâng khuâng trong lòng người dân. TP Hòa Bình nay đổi khác rất nhiều. Có thể thấy được sự biến đổi nhanh đến ngỡ ngàng trong diện mạo, kết cấu hạ tầng. Cầu phao trắc trở khi trước được thay bằng chiếc cầu bê tông vững chãi, rồi liên tiếp các cây cầu đã, đang được bắc qua tạo sự thông thương, kết nối, mở ra không gian phát triển đô thị rộng lớn. Trong quy hoạch TP Hòa Bình sẽ có 4 - 5 cây cầu vượt sông Đà. Thực tế đến nay, thành phố đã đưa vào khai thác cầu Hòa Bình 3, cầu Hòa Bình 2 vào cuối năm 2021. Dự án đường kết nối quốc lộ 6 với đường Chi Lăng cũng sẽ hoàn thành trong năm nay. Cùng với đó là hàng loạt dự án, công trình đầu tư hạ tầng, chỉnh trang đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đô thị, thương mại… đang được tập trung nguồn lực triển khai, tạo sức bật mới phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ cho thành phố.
TP Hòa Bình trở nên cân đối, hài hòa bên dòng sông Đà thơ mộng. Bờ phải sông Đà, không gian đô thị phát triển mạnh, rộng khắp khu vực đầm Quỳnh Lâm xưa, hệ thống giao thông, các khu đô thị kết nối đồng bộ tới phường Dân Chủ, Thống Nhất, nối tới đường tránh quốc lộ 6. Bờ trái sông Đà, các dự án đô thị, thương mại đang được quy hoạch, lấp đầy, vươn tới các khu vực Thịnh Minh, Thịnh Lang, Tân Hòa, kéo về xã Yên Mông… Nhiều xã được nâng cấp lên phường. Nhiều tuyến đường, khu phố văn minh hình thành, hướng tới đô thị văn minh, sạch đẹp hơn… Các trung tâm thương mại, khu phố sầm uất, nhộn nhịp cả khi đêm về. Người dân được tiếp cận và hưởng lợi thành quả đổi mới. Nhà ở dân cư hiện đại nhiều hơn. Nhìn vào mức sinh hoạt, tiêu dùng trong mỗi gia đình cũng cho thấy chất lượng sống của người dân đi lên mạnh mẽ. Người dân được hưởng thụ các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe, văn hóa, giáo dục chất lượng cao. Trẻ con, học sinh được chăm lo chu đáo, học tập trong môi trường giáo dục thân thiện, an toàn; có điều kiện tiếp cận các cơ sở giáo dục tư thục được trang bị hiện đại, có đội ngũ giáo viên nước ngoài, giáo viên trình độ cao giảng dạy.
Năm 2020, TP Hòa Bình thực hiện thành công việc sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức Đại hội Đảng bộ thành lần thứ II, nhiệm kỳ 2020 - 2025, mở ra cơ hội bứt phá vươn lên mạnh mẽ. Diện tích mở rộng, quy mô dân số được nâng lên. Thành phố mới tiếp giáp với Thủ đô và hưởng lợi trực tiếp từ hạ tầng đồng bộ, kết nối, các vùng quy hoạch kinh tế năng động của Thủ đô. Đội ngũ cán bộ trẻ, năng động, chuẩn hóa, trách nhiệm trước sự phát triển của thành phố. Trung tâm TP Hòa Bình chỉ còn cách Thủ đô Hà Nội tầm 1 giờ xe chạy trên tuyến đường Hòa Lạc - TP Hòa Bình đang tạo sức nóng thu hút các dự án đầu tư đô thị, sinh thái, công nghiệp, với số vốn đăng ký lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, có đồng bằng, núi non hùng vĩ, đất đai màu mỡ, hạ tầng giao thông kết nối, gồm cả đường thủy và đường bộ, được xác định là vùng trọng điểm kinh tế của tỉnh. Nhiều lĩnh vực của thành phố nằm trong tốp đầu của tỉnh. Các chỉ tiêu về tăng trưởng giá trị sản xuất, thu hút đầu tư, thu ngân sách Nhà nước, giảm nghèo nằm trong tốp đầu của tỉnh. Người dân tự hào là công dân TP Hòa Bình.
Đồng chí Ngô Ngọc Đức, Bí thư Thành ủy cho biết: Đảng bộ thành phố đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo các nhiệm vụ chính trị, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ II, xây dựng thành phố đạt tiêu chí đô thị loại II trước năm 2025. Thành phố đang phối hợp xây dựng quy hoạch có chất lượng, tầm nhìn dài hạn, tăng cường quản lý quy hoạch, quyết liệt chỉ đạo cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, hỗ trợ các dự án trọng điểm triển khai, phát huy hiệu quả, huy động tốt các nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng; nâng cao chất lượng xây dựng NTM, phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội gắn với giải quyết tốt các vấn đề đặt ra trong quá trình phát triển… Đảng bộ TP Hòa Bình đề cao trách nhiệm xây dựng thành phố hiện đại, văn minh, bản sắc riêng có để người dân hưởng lợi thành quả của đổi mới. Đó là sức sống mới của thành phố bên sông Đà.
Lê Chung
(HBĐT) - Trong những năm qua, phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” được Hội Nông dân (HND) thị trấn Ba Hàng Đồi (Lạc Thủy) triển khai có hiệu quả. Qua đó, giúp hội viên phát triển kinh tế, góp phần làm thay đổi diện mạo địa phương.
(HBĐT) - Những tháng đầu năm 2020, dịch bệnh Covid – 19 bùng phát đã ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường hàng hóa. Tuy nhiên, nhờ những chính sách kích cầu tiêu dùng và du lịch nội địa, các gói hỗ trợ của Chính phủ cũng như các chương trình khuyến mại, giảm giá đã giúp hoạt động thương mại, dịch vụ trong tỉnh tăng trở lại.
(HBĐT) - Ngày 18/1, Hội Nông dân huyện Lạc Thủy tổ chức hội nghị tổng kết công tác Hội và phong trào nông dân năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021.
(HBĐT) - Ngày 18/1, Ban Chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể (KTTT) tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021. Đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ chủ trì hội nghị.
(HBĐT) - Với lợi thế mặt nước hồ thủy điện Hòa Bình, thời gian qua, tỉnh chú trọng phát triển nuôi cá lồng vùng hồ. Đến nay, đã có 4,7 nghìn lồng, sản lượng trên 4 nghìn tấn, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho trên 2.000 lao động. Phát triển nuôi trồng thủy sản lòng hồ góp phần đưa sản lượng thủy sản toàn tỉnh đạt 11,15 nghìn tấn. Các doanh nghiệp, HTX nuôi cá lồng đầu tư nuôi theo công nghệ tiên tiến, thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi tạo giá trị gia tăng, hướng tới có nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP.
Thời gian qua, các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn do tác động của dịch Covid-19 đã được các ngân hàng thương mại (NHTM) triển khai thực hiện khá kịp thời. Trong tình hình dịch còn diễn biến khó lường, nguồn vốn vẫn là một trợ lực quan trọng giúp DN khôi phục nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh.