(HBĐT) - Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nguy hiểm, khiến hoạt động thương mại và đầu tư thế giới suy giảm, các nước nhập khẩu ngày càng siết chặt hàng rào phi thuế quan, làm đứt gãy thương mại quốc tế. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, trong đó có tỉnh ta vẫn giữ được mức tăng trưởng khá. Năm 2020, lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu của tỉnh ta vượt mốc 1 tỷ USD. Con số ấn tượng này kỳ vọng sẽ tạo đà bứt phá cho công tác xuất khẩu trong giai đoạn tới.
Nhờ kịp thời điều chỉnh chính sách sản xuất - kinh doanh, năm 2020, Nhà máy may Hồ Gươm (Tân Lạc) đạt kim ngạch xuất khẩu gần 5 triệu USD.
Mặc dù mới đi vào hoạt động từ cuối năm 2018, nhưng dự án Nhà máy may Hồ Gươm trên địa bàn xã Phong Phú (Tân Lạc) đã trở thành điểm sáng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh (SX-KD). Ông Phí Ngọc Trịnh, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hồ Gươm chia sẻ: Trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, may mặc là ngành sử dụng nhiều lao động nên chịu tác động rất lớn. Để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng, ngay từ khi có dịch, Tập đoàn đã lập tức điều chỉnh các chính sách về đơn hàng, phát triển thị trường cũng như tiếp nhận nhiều đơn hàng nội địa, đơn hàng của thị trường mới để đảm bảo công việc cho người lao động. Trải qua năm 2020 nhiều gian khó, nhưng với sự nỗ lực của doanh nghiệp (DN), chúng tôi không để xảy ra tình trạng nợ lương tháng của người lao động. Đồng thời đảm bảo đầy đủ các chế độ, chính sách như tiền thăm quan nghỉ mát, tiền thưởng các ngày lễ, Tết. Trong năm, nhà máy đã sản xuất được gần 1 triệu sản phẩm quần, áo; giải quyết việc làm ổn định cho 200 lao động, mức lương từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng. Với kết quả này, nhà máy đạt kim ngạch xuất khẩu gần 5 triệu USD, thị trường chủ yếu là các nước: Mỹ, châu Âu, Nga.
Công ty COASIA CM Vina nằm ở KCN Lương Sơn, là nơi có nhiều lợi thế về vị trí địa lý, nhân lực dồi dào. Đây là những yếu tố giúp công ty hoạt động ổn định tại Hòa Bình từ năm 2014 đến nay. Nếu như khi bắt đầu đi vào hoạt động, công ty mới tuyển dụng được 200 nhân viên, thì đến cuối năm 2020, đã giải quyết việc làm cho hơn 2.000 lao động; bình quân mỗi tháng sản xuất khoảng 10 triệu sản phẩm là model camera dùng cho điện thoại thông minh Samsung. Mở rộng sản xuất đã giúp doanh thu của công ty tăng trưởng ổn định từ 665.000 USD năm 2014 lên 260 triệu USD năm 2020. Năm qua, kim ngạch xuất khẩu tăng hơn 40 triệu USD so với năm 2019. Ông Lee Oi Bok, Giám đốc điều hành khối hỗ trợ công ty cho biết: Năm 2021, trên đà phục hồi của nền kinh tế, COASIA CM Vina có kế hoạch phát triển hơn trước. Công ty dự kiến nâng cao kỹ thuật sản xuất và sản xuất đại trà những model đời cao, từ đó sản lượng sản xuất sẽ tăng cao. Trong tương lai, COASIA CM Vina cam kết sẽ không ngừng nỗ lực tăng trưởng sản xuất để đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh Hòa Bình.
Toàn tỉnh hiện có 40 DN có hoạt động xuất khẩu. Trong đó, KCN Lương Sơn được đầu tư hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh nên đã thu hút được nhiều DN xuất khẩu. Các DN có vốn đầu tư nước ngoài chủ yếu nằm ở KCN Lương Sơn, hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử, kết cấu thép, may mặc.
Theo đánh giá của ngành Công Thương, cuối năm 2019 và trong năm 2020, tình hình chiến tranh thương mại, dịch Covid-19 trên thế giới và khu vực tác động rất lớn đến nền kinh tế của cả nước nói chung, tỉnh Hòa Bình nói riêng, nhất là đối với lĩnh vực công nghiệp, xuất khẩu. Song, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành T.Ư, các gói hỗ trợ phục vụ sản xuất và sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, khó khăn từng bước được tháo gỡ. Cùng với sự chỉ đạo của tỉnh, ngành Công Thương đã phối hợp với các ngành cùng chia sẻ, tháo gỡ vướng mắc cho DN. Đặc biệt là cập nhật thông tin hàng ngày giúp DN xuất, nhập khẩu có định hướng SX-KD phù hợp. Bên cạnh đó, cũng phải nói đến sự nỗ lực rất lớn của cộng đồng DN, sau khi dịch bệnh được khống chế, các DN đã tập trung SX-KD để hoàn thành kế hoạch của năm.
Thực hiện chủ trương, định hướng của tỉnh, từ năm 2016 đến nay, tốc độ tăng trưởng bình quân kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 30%. Nếu như năm 2016 đạt 340 triệu USD; năm 2018 đạt 616,15 triệu USD, thì đến năm 2020 ước đạt 1.032 triệu USD. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của DN có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng chủ yếu trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả tỉnh (chiếm hơn 80%).
Đến năm 2020, nhóm hàng điện tử có 10 DN, giá trị xuất khẩu đạt 577,197 triệu USD, tăng 44,21% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm dệt may có 17 DN, giá trị xuất khẩu đạt 332 triệu USD, tăng 18,57% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm hàng kim loại có 1 DN, giá trị xuất khẩu ước đạt 43,1 USD. Nhóm hàng nông sản 7 DN, giá trị xuất khẩu ước đạt 9,7 triệu USD và nhóm hàng hóa khác 14 DN, giá trị xuất khẩu ước đạt 25 triệu USD.
Nhóm hàng điện tử, dệt may đóng góp chính vào tổng kim ngạch xuất khẩu cả tỉnh. Thị trường xuất khẩu tập trung chủ yếu vào những thị trường truyền thống như: Mỹ, Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc... Hiện nay đã mở rộng thêm một số thị trường mới mà Việt Nam tham gia hiệp định thương mại tự do như: Thị trường các nước thành viên của Hiệp định CPTPP; Hiệp định EU, thị trường Canada, Ấn Độ... Năm 2019, Việt Nam bắt đầu thực thi Hiệp định CPTPP, năm 2020 Hiệp định EVFTA được ký kết, cho phép các DN Việt Nam nói chung và DN trên địa bàn tỉnh nói riêng tham gia vào các chuỗi giá trị sản xuất, góp phần mở rộng thị trường xuất, nhập khẩu trong thời gian tới.
Hoàng Nga
(HBĐT) - Năm 2020, những kết quả đạt được trong phát triển KT-XH đã đặt nền móng cho bước đi vững chắc hơn trên chặng đường mới 2021 của xã Đồng Tâm. Điểm nhấn trong lãnh đạo phát triển KT-XH, xã chú trọng đưa tỷ trọng cơ cấu kinh tế đi đúng hướng, với nông, lâm, thủy sản chiếm 19%; tiểu thủ công nghiệp - xây dựng chiếm 30%; dịch vụ, du lịch và thu nhập khác 51%.
(HBĐT) - Ngày 19/1, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh (Ban QLDA) tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021. Đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự và chỉ đạo hội nghị.
(HBĐT) - Năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát, diễn biến phức tạp ở trong nước và trên thế giới đã ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng đến các lĩnh vực KT-XH. Hoạt động của các khu công nghiệp (KCN) trong tỉnh cũng chịu tác động nặng nề của dịch bệnh, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác thu hút đầu tư, tiến độ đầu tư hạ tầng, hoạt động SX-KD của các doanh nghiệp (DN). Một số DN không có nguyên, vật liệu để sản xuất, hoặc sản xuất ra không thể xuất khẩu, dẫn đến tình trạng phải cắt giảm, cho lao động nghỉ luân phiên, hay phải chuyển đổi sang sản xuất mặt hàng khác, nhằm duy trì hoạt động. Thậm chí có DN phải đóng cửa, tạm dừng SX-KD.
(HBĐT) - Trong những năm qua, phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” được Hội Nông dân (HND) thị trấn Ba Hàng Đồi (Lạc Thủy) triển khai có hiệu quả. Qua đó, giúp hội viên phát triển kinh tế, góp phần làm thay đổi diện mạo địa phương.
(HBĐT) - Những tháng đầu năm 2020, dịch bệnh Covid – 19 bùng phát đã ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường hàng hóa. Tuy nhiên, nhờ những chính sách kích cầu tiêu dùng và du lịch nội địa, các gói hỗ trợ của Chính phủ cũng như các chương trình khuyến mại, giảm giá đã giúp hoạt động thương mại, dịch vụ trong tỉnh tăng trở lại.
(HBĐT) - Ngày 18/1, Hội Nông dân huyện Lạc Thủy tổ chức hội nghị tổng kết công tác Hội và phong trào nông dân năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021.