Người dân xã Yên Nghiệp (Lạc Sơn) phát triển nghề dệt thổ cẩm, góp phần nâng cao thu nhập và bảo tồn, phát huy các ngành nghề truyền thống của dân tộc.
Đồng chí Bùi Văn Mựn, Trưởng phòng Dân tộc huyện cho biết: Toàn huyện hiện có 252 thôn, xóm, phố thuộc 24 xã, thị trấn được công nhận là vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN). Trong đó có 128 xóm đặc biệt khó khăn, 13 xã khu vực III, thu nhập, đời sống của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Những năm qua, việc thực hiện các chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước đối với vùng đồng bào DTTS luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng, chính quyền, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển KT-XH, giữ vững ANTT trên địa bàn.
Để mở mang giao thương, tạo thuận lợi trong sản xuất, tiêu thụ nông, lâm sản, những năm qua, huyện Lạc Sơn đã sử dụng, lồng ghép hiệu quả nguồn vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững với nguồn vốn ODA. Đồng thời, thực hiện tốt phương châm "Nhà nước và Nhân dân cùng làm” để đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống đường giao thông. Cuối năm 2020, tuyến đường liên xã Ngọc Lâu - Tự Do hoàn thành, đưa vào sử dụng. Với kết quả đó, đến nay, 100% xã có đường nhựa và đường bê tông đến trung tâm xã. Nhằm đảm bảo các công trình đã đầu tư xây dựng phát huy hiệu quả lâu dài, năm 2020, 57 công trình cơ sở hạ tầng của 16 xã vùng 135 được đầu tư trên 1,4 tỷ đồng để duy tu, bảo dưỡng.
Giúp đồng bào DTTS tiếp cận, ứng dụng hiệu quả các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát huy tiềm năng, thế mạnh từng vùng, miền trong quá trình phát triển..., đội ngũ cán bộ Phòng Dân tộc huyện luôn bám sát cơ sở, phối hợp, hướng dẫn UBND các xã rà soát danh mục hỗ trợ phát triển sản xuất để điều chỉnh phù hợp tình hình thực tế, nhằm đa dạng hóa sinh kế cho người dân. Theo đó, đến tháng 9/2020, các xã đã hoàn thành hỗ trợ giống, vật tư nông nghiệp cho hộ nghèo, với 9 con trâu giống, 101 con bò giống, 64 con lợn, 4.300 con gà, 92 máy cắt cỏ, 115 máy bơm mini và 12 bộ máy cày bừa.
Cùng với đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển kinh tế, việc chăm lo, nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào DTTS luôn được huyện chú trọng. Những năm qua, 252 thôn, xóm, phố vùng DTTS&MN trên địa bàn xây dựng, duy trì nề nếp hoạt động của đội văn nghệ. Trong đó, nhiều xã thành lập được các câu lạc bộ mo Mường, cồng chiêng. Các lễ hội: Đình Cổi (xã Vũ Bình), rước Bụt hang Khụ Dúng (xã Nhân Nghĩa), xuống đồng (xã Yên Phú) chay đất, chay Mường (xã Ngọc Lâu)... được phục dựng, bảo tồn và phát triển, góp phần giữ gìn, phát huy những bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Bên cạnh đó, việc nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ cơ sở, phát huy vai trò người có uy tín trong cộng đồng DTTS được quan tâm. Năm 2020, huyện đã mở lớp tập huấn và tổ chức cho 192 người có uy tín đi thăm quan học tập kinh nghiệm tại tỉnh Nghệ An; thăm hỏi, tặng quà 242 người có uy tín tại các xã, thị trấn; mở 23 lớp tập huấn cho 1.066 học viên là trưởng xóm, bí thư chi bộ, cán bộ làm công tác dân tộc, hộ SX-KD giỏi của các xã đặc biệt khó khăn; đặt mua, cấp đầy đủ 17 đầu báo đảm bảo đúng đối tượng, phục vụ tốt việc cập nhật thông tin về chính sách mới của Đảng, Nhà nước, các tiến bộ KHKT để áp dụng trong lao động sản xuất...
Với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự nỗ lực của đồng bào DTTS. Đến nay, huyện có 7/23 xã đạt chuẩn nông thôn mới, thu nhập bình quân đạt 45,3 triệu đồng/người/năm. Kết quả đó càng thêm khẳng định niềm tin của đồng bào DTTS với Đảng, Nhà nước ngày càng được củng cố vững chắc, là nền tảng để Nhân dân các dân tộc trong huyện vững bước trong sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.
Đức Phượng