Bộ mặt đô thị trung tâm bờ trái sông Đà (TP Hòa Bình) ngày một phát triển.
Thành phố Hòa Bình - trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa của tỉnh đang đổi thay mạnh mẽ để hòa vào dòng chảy đổi mới, với sự bứt tốc trong phát triển đô thị. Các khu đô thị mới, trung tâm thương mại ngày càng xuất hiện nhiều hơn. Theo lãnh đạo TP Hòa Bình, những năm qua, thành phố đã tập trung lựa chọn các khâu đột phá, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để phát triển đô thị. Nhờ đó, đến nay, tỷ lệ ĐTH của thành phố đã đạt 73%, tăng 13% so với năm 2015, đạt 85% chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội (NQĐH) Đảng bộ thành phố lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2015-2020. Từ năm 2016 - 2020, tổng vốn đầu tư phát triển xã hội trên địa bàn ước đạt gần 11.000 tỷ đồng. Nhiều công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng, góp phần làm thay đổi diện mạo đô thị thành phố như: Quảng trường Hòa Bình, Công viên Tuổi trẻ, khu dân cư Bắc Trần Hưng Đạo, nhà phố thương mại Vincom Shophouse Hòa Bình, khu đô thị Zen Village...
Quá trình ĐTH trên địa bàn toàn tỉnh có thể nhận thấy người dân đang được thụ hưởng thành quả của sự phát triển. Nhiều khu đô thị, dân cư mới, nhiều tuyến giao thông trọng điểm, hạ tầng đô thị, khu, cụm công nghiệp, hệ thống lưới điện, hạ tầng công nghệ thông tin, trường học, bệnh viện, hạ tầng du lịch đã, đang được đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, cải thiện dân sinh. Năm 2015, tỷ lệ ĐTH của tỉnh đạt 14,53%, đến tháng 6/2020 đã đạt 28,69%, tăng thêm so với đầu nhiệm kỳ 14,16%, hoàn thành và vượt 114,76% chỉ tiêu NQĐH Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020. Đến nay, toàn tỉnh có 12 đô thị, trong đó, TP Hòa Bình là đô thị loại III, thị trấn Lương Sơn và khu vực mở rộng đạt tiêu chí đô thị loại IV.
Quá trình đô thị hoá đã mang lại những tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - văn hoá, thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - thương mại - dịch vụ, tạo sức hút các nhà đầu tư trên quỹ đất đô thị mở rộng của tỉnh.
Để thúc đẩy ĐTH ngày một phát triển, tỉnh đang thực hiện việc lập chương trình phát triển đô thị và đề án nâng cấp đô thị. Theo đó, tập trung triển khai chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2035 trên cơ sở quy hoạch tỉnh đến năm 2050 được phê duyệt. Những nhiệm vụ bao trùm là tiếp tục với các chương trình, kế hoạch phát triển đô thị các địa bàn: TP Hòa Bình, Lương Sơn, Đà Bắc, Bo, Ba Hàng Đồi, Chi Nê, Vụ Bản, thị trấn Mai Châu, Mãn Đức, Phong Phú, Hàng Trạm...
Trong đó, đầu tư mạnh mẽ tại các đô thị, phấn đấu nâng cấp đô thị TP Hòa Bình đạt tiêu chí loại II, huyện Lương Sơn đạt các tiêu chí cấp hành chính thị xã Lương Sơn, thị trấn Mai Châu và các xã phụ cận đạt tiêu chí đô thị loại IV, thị trấn Mãn Đức đạt tiêu chí đô thị loại IV, thành lập thị trấn Phong Phú đô thị loại V, các thị trấn được mở rộng đạt tiêu chí đô thị loại V.
Đặc biệt, đối với huyện Mai Châu sẽ được thúc đẩy phát triển đô thị đúng với tính chất, chức năng và phân vùng kinh tế của tỉnh; nâng cao tỷ lệ đô thị hóa trên địa bàn; từng bước hoàn chỉnh mạng lưới hạ tầng đô thị phù hợp với các giai đoạn phát triển, giữ đúng vai trò là trung tâm hành chính, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học kỹ thuật; trung tâm dịch vụ thương mại, dịch vụ tiểu vùng phía Tây của tỉnh; là đầu mối giao thương của huyện và là cửa ngõ phía Tây của tỉnh; trung tâm dịch vụ đa lĩnh vực của huyện Mai Châu.
Theo đồng chí Trần Hải Lâm, Giám đốc Sở Xây dựng, thời gian qua, nhiều đồ án quy hoạch có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh đã được triển khai thực hiện, góp phần phát triển nhanh mạng lưới cơ sở hạ tầng, các công trình đô thị, nhà ở và công sở, tạo bước đổi thay mạnh mẽ theo hướng hiện đại cho đô thị.
Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục ưu tiên bố trí vốn đầu tư từ ngân sách, tăng cường thu hút các nguồn vốn trong và ngoài nước, theo hình thức đối tác công tư và các nguồn lực trong Nhân dân, để đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH, hạ tầng đô thị.
Tập trung đẩy mạnh hình thức đầu tư PPP để phát triển đô thị, nhất là đô thị thông minh; phát triển, điều hành tốt thị trường bất động sản, coi thị trường bất động sản là đòn bẩy thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua các biện pháp kích thích vào đất đai, tạo lập các công trình, nhà xưởng, vật kiến trúc.
Khuyến khích, ưu tiên các nguồn lực đầu tư hạ tầng đô thị; tạo nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng các khu đất có lợi thế về thương mại, bất động sản, để có kinh phí đầu tư hạ tầng đô thị; chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ nông, lâm nghiệp sang thương mại, dịch vụ du lịch…
Hồng Trung