Đại dịch Covid-19 tiếp tục tác động không nhỏ đến tình hình sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp (DN) năm 2021. Tuy nhiên, các DN đã chủ động lên kịch bản ứng phó ngay từ khâu xây dựng kế hoạch nhằm đạt mục tiêu cao nhất có thể.

Khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ MobiFone.


Kế hoạch vừa tầm

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN (CMSC) đã phê duyệt kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2021 của một số tập đoàn, tổng công ty trực thuộc. Đáng lưu ý, một số tập đoàn, tổng công ty có kết quả kinh doanh khả quan trong năm 2020 lên kế hoạch giảm nhẹ một số chỉ tiêu chính, trong khi một số khác vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng trong bối cảnh bình thường mới. 

Cụ thể, Tổng công ty Viễn thông MobiFone đặt mục tiêu doanh thu công ty mẹ đạt hơn 30 nghìn tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 3.928 tỷ đồng; tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn sở hữu (ROE) là 17,29%; nộp ngân sách 4.303 tỷ đồng; kế hoạch vốn đầu tư của công ty mẹ không quá 7.900 tỷ đồng. So kết quả thực hiện năm 2020, mục tiêu doanh thu của MobiFone giảm nhẹ nhưng lợi nhuận tăng khoảng 9%. DN này xác định nhiệm vụ trọng tâm năm 2021 là chuyển thành công ty công nghệ; đẩy mạnh các sản phẩm dịch vụ "Make in MobiFone”, tiếp tục cổ phần hóa theo đúng quy định, nâng cao khả năng dòng tiền, tài chính, an toàn vốn,... Một DN khác là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đặt mục tiêu doanh thu năm 2021 đạt 45.165 tỷ đồng, tăng 5% so mức thực hiện năm 2020; lãi sau thuế 4.285 tỷ đồng. Riêng chỉ tiêu nộp ngân sách gần 4.100 tỷ đồng, thấp hơn so mức 5.200 tỷ đồng của năm trước. VNPT định hướng phát triển thành tập đoàn kinh tế nhà nước mạnh, năng động, hiệu quả, từng bước thực hiện chuyển đổi từ DN viễn thông sang DN số; tập trung đầu tư, tối ưu để tăng cường chất lượng mạng di động, nâng cao tốc độ, trải nghiệm mạng di động 4G cho khách hàng. Phát triển mạng 5G trên cơ sở lựa chọn tỉnh, thành phố theo hướng tối ưu hiệu quả đầu tư, kế hoạch vốn đầu tư công ty mẹ VNPT năm 2021 cao nhất không quá 11 nghìn tỷ đồng. 

Năm 2020, MobiFone và VNPT là hai DN thuộc tốp đầu về kết quả sản xuất, kinh doanh, bất chấp tác động của đại dịch Covid-19. Trong đó, MobiFone có tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu cao ở mức 20,3%; còn VNPT có lợi nhuận tăng 5,3% so năm 2019. Tương tự, là một trong số ít DN hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch đề ra nhưng Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) cũng cơ bản đặt ra các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh tương đương mức thực hiện năm ngoái, do tất cả các dự báo đều cho thấy năm 2021 tiếp tục là một năm khó khăn.

Theo CMSC, tổng doanh thu năm 2020 của 19 tập đoàn, tổng công ty trực thuộc đạt hơn 767.844 nghìn tỷ đồng, bằng 87,36% kế hoạch năm 2020 và bằng 85,72% so kết quả năm 2019. Lợi nhuận trước thuế của 19 tập đoàn, tổng công ty đạt hơn 21 nghìn tỷ đồng, bằng 69,9% kế hoạch và bằng 85,72% mức thực hiện năm 2019. Điểm sáng là tổng nộp ngân sách của các tập đoàn, tổng công ty tăng 12% so kế hoạch cả năm. Trước đó, vào cuối quý I-2020, nhiều DN trực thuộc CMSC bắt đầu mất cân đối tài chính do tác động bất ngờ của đại dịch Covid-19 và dự kiến mức lỗ cả năm của các tập đoàn, tổng công ty có thể lên tới hơn 26.300 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước giảm hơn 32.800 tỷ đồng so kế hoạch. Như vậy, kết quả sản xuất, kinh doanh năm 2020 cho thấy, doanh thu và lợi nhuận của các DN trực thuộc CMSC đều giảm nhẹ hơn mức cập nhật tác động của dịch Covid-19, trừ các DN hàng không - ngành nghề chịu tác động trực tiếp của đại dịch. 

Tiết giảm chi phí, thúc đẩy sáng kiến

Đáng lưu ý, năm 2021, cả hai DN thuộc ngành hàng không gồm Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) và Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA) đều đưa ra các kịch bản lạc quan hơn, nhưng vẫn chưa thể phục hồi như trước dịch Covid-19. VNA xác định trong giai đoạn 2021-2025 sẽ tập trung khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, thông qua việc triển khai các phương án cơ cấu lại tổng thể, bao gồm cơ cấu lại sở hữu vốn và tài chính; cơ cấu lại tài sản và các danh mục đầu tư; cơ cấu lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm tinh gọn, nâng cao hiệu quả DN với các nghiệp vụ bán/bán và thuê lại (SLB) các tàu bay sở hữu… Với kế hoạch được rót vốn 4.000 tỷ đồng từ các ngân hàng thương mại và 8.000 tỷ đồng tăng vốn điều lệ từ Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước, dự kiến tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu của VNA sẽ giảm từ mức 6,19 lần năm 2020 xuống còn 5,22 lần cuối năm 2021. Đây cũng là năm bản lề cho kế hoạch mục tiêu cả giai đoạn từ nay đến năm 2025, khôi phục dòng tiền thuần dương ở mức tương đương với thời điểm cuối năm 2019 là gần 4.200 tỷ đồng. Trong đó, dự kiến hãng hàng không quốc gia sẽ có lãi trở lại từ năm 2023, hết lỗ lũy kế năm 2025. 

Trong khi đó, ACV xây dựng kế hoạch doanh thu đạt 13.258 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 5.025 tỷ đồng. Chủ tịch HĐQT Lại Xuân Thanh cho biết, các chỉ tiêu kinh doanh chủ yếu của DN này được xây dựng trên kịch bản thị trường hàng không toàn cầu hồi phục từ quý III-2021. Nếu so với giai đoạn tăng trưởng thuận lợi trước đây thì chỉ tiêu lợi nhuận đặt ra cho năm 2021 chỉ bằng một phần hai so năm 2019 nhưng lại rất cao so mức thực hiện năm 2020. Bởi doanh thu và lợi nhuận chủ yếu của ACV đều phụ thuộc vào sự phục hồi của thị trường hàng không trong nước và quốc tế, mà sự phục hồi của thị trường lại phụ thuộc vào diễn biến của dịch Covid-19 trên thế giới. Về phía DN, ngay từ khi xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2021 đã yêu cầu cắt giảm triệt để chi phí; giãn, hoãn hoặc dừng đầu tư các dự án chưa cấp thiết để tập trung nguồn lực sẵn sàng đầu tư cho các dự án trọng điểm như sân bay Long Thành, nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất; mở rộng nhà ga T2 sân bay Nội Bài… Cái khó ló cái khôn, trong bối cảnh "thắt lưng buộc bụng” giảm chi phí đầu tư, phong trào sáng kiến cải tiến kỹ thuật được ACV đẩy mạnh, mang lại hiệu quả rất cao phục vụ hoạt động của DN. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiều dịch vụ mặt đất tại sân bay như làm thủ tục check-in, thông báo lịch bay,… đòi hỏi phải ứng dụng công nghệ thông tin thay vì cách làm truyền thống để phòng tránh lây nhiễm, nhưng DN lại không được giải ngân đầu tư mua thiết bị, công nghệ từ bên ngoài. Trước yêu cầu này, ACV đã có sáng kiến triển khai xây dựng giải pháp iCUTE để linh hoạt sử dụng quầy check-in tại các sân bay; lập ứng dụng công nghệ thông tin trên môi trường IOS và Android của điện thoại di động để cung cấp thông tin về chuyến bay cho hành khách khi dừng phát loa thông báo,… Những sáng kiến này không chỉ đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa hạ tầng kỹ thuật, thích nghi tình hình mới mà còn làm lợi cho ACV hơn 800 tỷ đồng nhờ tiết giảm chi phí đầu tư.

Theo Báo Nhân dân

Các tin khác


Huyện Lạc Thủy xác định kinh tế lâm nghiệp là mũi nhọn

(HBĐT) - Lạc Thủy là địa phương đi đầu khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế lâm nghiệp theo hướng chất lượng, hiệu quả, năng suất bình quân đạt trên 100 m3/ha/chu kỳ. Phong trào trồng rừng kinh tế đã phát triển mạnh ở hầu hết các địa phương có điều kiện.

“Màu áo cam” thức cùng dòng điện ngày Tết

(HBĐT) - Để dòng điện thông suốt, đảm bảo cung cấp điện liên tục, ổn định trong những ngày Tết Nguyên đán Tân Sửu vừa qua là công việc thầm lặng của những công nhân ngành Điện.

Tổng nguồn vốn các ngân hàng, tổ chức tín dụng đạt gần 29,5 nghìn tỷ đồng

(HBĐT) - Theo Ngân hành Nhà nước (NHNN) tỉnh, tổng nguồn vốn của các ngân hàng, tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tính đến ngày 31/1/2021 đạt 29.459 tỷ đồng, tăng 1,5% so với thời điểm 31/12/2020. Trong đó, vốn huy động từ tổ chức kinh tế (TCKT) và dân cư đạt 22.943 tỷ đồng, tăng 4,2% so với thời điểm 31/12/2020, đáp ứng 91,6% tỷ trọng vốn đầu tư cho vay; tiền gửi trong dân cư chiếm 77% vốn huy động từ TCKT và dân cư.

Tăng hỗ trợ, giảm thuế phí cho người dân và doanh nghiệp

Đại dịch COVID-19 đã tác động tới mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội toàn cầu, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng và ảnh hưởng lớn tới sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Bắt đầu từ năm 2021, nhiều loại thuế, phí đã được Bộ Tài chính miễn giảm cho người dân và doanh nghiệp từ 50-100%. Cùng với đó là nhiều chính sách khác tiếp tục được bộ này nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ thực hiện.

Xuất khẩu bứt tốc đầu năm 2021

Trong gần 2 tháng đầu tiên của năm 2021, bất chấp dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nguy hiểm hơn, có ảnh hưởng lớn hơn, nhưng xuất khẩu (XK) của Việt Nam vẫn tăng trưởng, doanh nghiệp (DN) Việt Nam đang tìm hướng để không chỉ ổn định sản xuất mà còn phát triển.

Nông dân rộn rã xuống đồng đầu xuân

(HBĐT) - Mặc dù không khí Tết vẫn còn ngập tràn trong mỗi gia đình, bản làng, nhưng ngay từ mùng 2 Tết, nông dân trong tỉnh đã rộn rã xuống đồng  sản xuất. Khí thế lao động hối hả, khẩn trương khắp muôn nơi, những tay cấy thoắn thoắt hòa cùng tiếng cười nói vui vẻ hứa hẹn một vụ sản xuất thắng lợi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục