Đại dịch COVID-19 đã tác động tới mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội toàn cầu, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng và ảnh hưởng lớn tới sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Bắt đầu từ năm 2021, nhiều loại thuế, phí đã được Bộ Tài chính miễn giảm cho người dân và doanh nghiệp từ 50-100%. Cùng với đó là nhiều chính sách khác tiếp tục được bộ này nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ thực hiện.
Tiếp tục nghiên cứu miễn giảm thuế, phí trong bối cảnh COVID-19. Ảnh: A.G
Xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp có nhiều tích cực
Trước bối cảnh đại dịch COVID-19 và để ứng phó với dịch bệnh, góp phần hỗ trợ người dân, DN vượt qua khó khăn, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD), Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp, chính sách để hỗ trợ. Hơn thế nữa với chủ trương của Chính phủ "không ai bị bỏ lại phía sau”, Bộ Tài chính đã đề xuất và thực hiện nhiều chính sách nhằm hỗ trợ người dân và DN. Cụ thể là: Nghị quyết về giảm thuế thu nhập DN phải nộp của năm 2020 đối với DN, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác; Nghị định về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; Quyết định về việc giảm tiền thuê đất của năm 2020 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Trong năm 2020, đã có 02 Nghị định được trình Chính phủ ban hành về lệ phí môn bài, lệ phí trước bạ, ban hành theo thẩm quyền 21 Thông tư để sửa đổi 31 Thông tư thu phí, lệ phí hiện hành theo hướng miễn hoặc giảm mức thu nhiều khoản phí, lệ phí.
Theo kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, DN lạc quan về tình hình SXKD trong đó 40,6% số DN đánh giá tình hình SXKD quý IV/2020 tốt hơn quý III/2020 và 34,7% số DN cho rằng tình hình SXKD ổn định. Dự kiến quý I/2021 so với quý IV/2020, có 42,8% số DN đánh giá xu hướng sẽ tốt lên và 38,2% số DN cho rằng tình hình SXKD sẽ ổn định.
Tiếp tục miễn giảm thuế, phí
Trong năm 2020 có 134,9 nghìn DN đăng ký thành lập mới và tổng số lao động đăng ký là 1.043 nghìn lao động, giảm 2,3% về số DN, giảm 16,9% về số lao động so với năm 2019. Năm 2020 có 101,7 nghìn DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 13,9% so với năm trước, bao gồm: 46,6 nghìn DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 62,2%; gần 17,5 nghìn DN hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 3,7%. Trung bình mỗi tháng có gần 8,5 nghìn DN rút khỏi thị trường.
Theo báo cáo "Kết quả khảo sát đánh giá tác động của dịch COVID-19 đến hoạt động SXKD của DN Việt Nam” do Tổng cục Thống kê thực hiện, có tới 85,7% số DN tại Việt Nam bị tác động bởi dịch COVID-19. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, việc khôi phục các hoạt động kinh tế đã và đang tiếp tục là lực đẩy mạnh cho sự phát triển, duy trì mức tăng trưởng dương trong thời gian qua, góp phần triển khai đạt kết quả thực hiện nhiệm vụ kép vừa tiếp tục chống dịch vừa thực hiện phục hồi và phát triển nền kinh tế. Bộ đang tiếp tục theo dõi sát tình hình thực tế để nghiên cứu việc xây dựng và triển khai các giải pháp hỗ trợ tiếp theo.
Trước mắt sẽ tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong năm 2021 theo Nghị quyết vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua trên cơ sở Tờ trình số 615/TTr-CP của Chính phủ, để hỗ trợ ngành hàng không, ước tính số tiền thuế được giảm để hỗ trợ DN khoảng 900 tỉ đồng. Bộ Tài chính sẽ tiếp tục rà soát, giảm mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho SXKD, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch bệnh COVID-19 từ ngày 1.1.2021 đến ngày 30.6.2021 với số tiền phí, lệ phí ước giảm khoảng 1.000 tỉ đồng.
Cùng với đó, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ hướng dẫn cho phép được tính vào chi phí được trừ của DN, tổ chức các khoản chi ủng hộ, tài trợ cho các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập DN, ước tính số tiền thuế DN được giảm nghĩa vụ khoảng 170 tỉ đồng.
Trao đổi với Báo Lao Động, chuyên gia kinh tế, PGS-TS Ngô Trí Long (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính) cho rằng, để hỗ trợ người dân, DN và nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn cũng như để có thể hoàn thành các mục tiêu tài chính - ngân sách đã đặt ra, cần hướng tới một số trọng tâm vào các biện pháp cụ thể như: Đẩy mạnh tuyên truyền các quy định của Chính phủ hỗ trợ cộng đồng DN, người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Theo Báo Lao động
Ngay sau Tết Nguyên đán 2021, nhiều doanh nghiệp đã ra quân với nỗ lực và quyết tâm cao nhất để thực hiện kế hoạch sản xuất năm 2021, đồng thời, thực hiện nghiêm chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống dịch COVID-19.
Thời gian vừa qua, nhiều địa phương trên cả nước đã triển khai thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Một trong những giải pháp quan trọng để đạt được mục tiêu đó là đẩy mạnh xây dựng chuỗi giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương, các địa phương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam rà soát các vấn đề liên quan đến phát triển điện mặt trời ở nước ta.
(HBĐT) - UBND tỉnh vừa ban hành Chỉ thị số 04/CT- UBND về tăng cường công tác dồn điền, đổi thửa (DĐĐT) trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
(HBĐT) - Trên địa bàn tỉnh hiện có 49 doanh nghiệp hoạt động xuất, nhập khẩu. Bước vào năm 2021, các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu khẩn trương ổn định, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Trong tháng 1, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 119,97 triệu USD, tăng 2,32% so với tháng trước, đạt 9,85% kế hoạch năm.
Do nguồn cung khá dồi dào, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, sức mua không lớn nên giá phần lớn các mặt hàng trong dịp Tết Nguyên đán giữ ổn định so với những ngày cận Tết.