Trong gần 2 tháng đầu tiên của năm 2021, bất chấp dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nguy hiểm hơn, có ảnh hưởng lớn hơn, nhưng xuất khẩu (XK) của Việt Nam vẫn tăng trưởng, doanh nghiệp (DN) Việt Nam đang tìm hướng để không chỉ ổn định sản xuất mà còn phát triển.


Trái cây của Việt Nam vẫn có nhiều tiềm năng xuất khẩu trong năm 2021, dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Ảnh: Hồng Nhung

Tăng tốc các mặt hàng chủ lực quốc gia

Theo ông Đinh Cao Khuê - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần thực phẩm XK Đồng Giao (Doveco), DN của ông đã và đang chủ động chuẩn bị các mặt hàng, một mặt duy trì thị trường cũ, một mặt đẩy mạnh khai thác thị trường mới. Trong năm 2021, một đối tác Nhật Bản đã ký hợp đồng với Doveco nhập khẩu 500 tấn rau quả chế biến, họ đánh giá chất lượng tốt, đồng thời khẳng định, nếu Doveco đáp ứng được năng lực và cách thức cung ứng phù hợp, thì trong những năm tới, họ sẽ nhập với khối lượng lớn hơn gấp nhiều lần.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NNPTNT), giá trị XK rau quả của Việt Nam trong tháng 1.2021 ước đạt 260 triệu USD.

Thị trường lớn nhất của Việt Nam vẫn là Trung Quốc, Hoa Kỳ, Thái Lan, Hàn Quốc… Trong đó, XK sang Trung Quốc, Hoa Kỳ, Thái Lan, Hàn Quốc đang có nhiều hứa hẹn trong năm 2021 dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

"Dự báo 6 mặt hàng nông sản "chủ lực quốc gia” trên 2 tỉ USD như: Gỗ, thủy sản, gạo, càphê, trái cây, caosu… tiếp tục là nhóm XK chính trong năm 2021” - TS Nguyễn Quốc Toản nhấn mạnh.

Trong những ngày đầu tiên của năm mới, ngày 5.1, với 8 container hàng, mỗi container chứa khoảng 20 tấn hàng, hơn 160 tấn tôm do Công ty Cổ phần thuỷ sản Minh Phú Hậu Giang (KCN Sông Hậu, giai đoạn 1, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) chế biến đã mở đầu cho lô thủy sản đầu tiên XK đi các nước.

Mới đây, ngày 13.1, Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An cũng đã XK lô gạo thơm đầu tiên, với tổng số lượng 1.600 tấn, "mở hàng" cho những lô gạo XK của năm 2021.

Theo ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 1.2021 ước tính đạt 53,9 tỉ USD, tăng 45,2% so với cùng kỳ, trong đó kim ngạch XK hàng hóa đạt 27 tỉ USD, tăng 46,7%; nhập khẩu hàng hóa đạt 26,9 tỉ USD, tăng 43,7%. "Kim ngạch XNK tháng 1.2021 có thể nói là cao nhất trong những năm gần đây. Thông thường quý I, tháng 1 thì kim ngạch XNK có giảm so với những tháng cuối năm, nhưng năm nay chúng ta vẫn duy trì kết quả XNK và tăng trưởng như vậy là hết sức ấn tượng” - Phó Cục trưởng Trần Thanh Hải nhấn mạnh.

Vừa chống dịch hiệu quả, vừa đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh

Ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An - khẳng định: "Mùng 6 là ngày làm việc đầu tiên của công ty sau Tết. DN chúng tôi đã bắt tay ngay vào sản xuất chế biến lô gạo đầu tiên để tuần sau sẽ XK đi Malaysia, công việc khá tốt” - ông Phạm Thái Bình phấn khởi cho biết.

Còn theo ông Phạm Thắm - kinh doanh du lịch lữ hành tại Đà Nẵng, cho hay: Dịch COVID-19 đã làm ngành Du lịch một lần nữa gặp khó. Nhưng ông không đóng cửa DN ngồi chờ dịch qua, mà chuyển hướng đẩy mạnh kinh doanh hải sản online, doanh số bán ra khá tốt.

Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores) - ông Đỗ Xuân Lập - cho biết, các DN đã rất sáng tạo và thích nghi. Một số DN đã chuyển hướng từ XK các sản phẩm đơn lẻ sang "XK không gian nội thất”, từ kinh doanh sản phẩm nội thất sang kinh doanh không gian nội thất, dựng một không gian sinh hoạt, phòng làm việc, quán ẩm thực sang trọng, thân thiện. "Với mô hình kinh doanh ngày, chi phí đầu tư cao nhưng giá trị gia tăng lớn và nâng tầm DN Việt lên một vị thế mới” - ông Đỗ Xuân Lập nhấn mạnh.

Còn theo ông Trần Thanh Hải, "sống chung” với dịch COVID-19, để phát triển sản xuất, kinh doanh, một mặt phải tích cực khống chế dịch bệnh hiệu quả, mặt khác, phải tiếp tục khai thác tốt các lợi ích đem lại từ những FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, đồng thời đẩy mạnh thu hút đầu tư, đặc biệt là những dự án lớn, hàm lượng công nghệ cao để có đà duy trì tăng trưởng và nâng cao giá trị XK trong thời gian tới.

Đối với ngành dệt may, theo Bộ Công Thương, bước sang năm 2021, ngành dệt may đang hồi phục và dự kiến đạt kim ngạch XK khoảng 39 tỉ USD, mục tiêu trung bình là 38 tỉ USD. Để hoàn thành mục tiêu kim ngạch XK 39 tỉ USD đề ra, trong bối cảnh COVID-19 các DN dự kiến phải tìm kiếm, mở rộng thị trường, trong đó các FTA được coi là cơ hội lớn để đẩy mạnh XK hàng hóa. Cụ thể, trong tháng 1.2021, ngành hàng dệt may Việt Nam vẫn ghi nhận tăng trưởng thị phần tại các thị trường lớn như Mỹ và Châu Âu (EU). Trong tháng 1.2021, tổng kim ngạch XK của ngành dệt may Việt Nam đạt khoảng 2,6 tỉ USD, tăng 3,3% so với cùng kỳ. Trong đó, một số sản phẩm có mức tăng cao khoảng 9-36%, dù các quốc gia cạnh tranh đều có mức giảm 15-20%, tổng cầu của thế giới đối với mặt hàng này giảm ở mức 22% (từ 740 tỉ USD xuống 600 tỉ USD).

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) - ông Lê Tiến Trường - nhận định: Năm 2021 thị trường dự báo tiếp tục khó khăn, bất định do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại sẽ thiết lập chuỗi cung mới.

Còn theo ông Vũ Bá Phú - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), trong bối cảnh COVID-19 diễn biến phức tạp, thì nhu cầu về hàng tiêu dùng, đặc biệt là các mặt hàng nông, lâm sản và thủy sản càng cao. Do đó, cần tận dụng cơ hội này để xúc tiến thương mại, tận dụng các cơ hội mà các Hiệp định Thương mại tự do mang lại.

Cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại trực tuyến để quảng bá thương hiệu trong và ngoài nước, các DN cần nhanh chóng chuyển đổi số để thích hợp với hình thức kinh doanh mới trong tình hình mới.

Theo TS Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính), Việt Nam đã có quan hệ thương mại với hầu hết các nước trên thế giới nên đây là lợi thế. Vấn đề quan trọng hiện nay là khai thác tốt tiềm năng từ các thị trường này, tận dụng mọi cơ hội do các FTA mang lại, đặc biệt là CPTPP, EVFTA, RCEP, UKVFTA…

"Việc tập trung vào mặt hàng nào để đẩy mạnh XK thì DN biết rất rõ, các doanh nhân rất nhạy bén, thông minh, họ khắc tìm được hướng đi cho mình để đưa DN phát triển” - TS Nguyễn Đức Độ khẳng định.


Theo Báo Lao động

Các tin khác


Xây dựng chuỗi giá trị cho sản phẩm nông nghiệp

Thời gian vừa qua, nhiều địa phương trên cả nước đã triển khai thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Một trong những giải pháp quan trọng để đạt được mục tiêu đó là đẩy mạnh xây dựng chuỗi giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp

Tuyệt đối không để xảy ra phát triển ồ ạt điện mặt trời theo phong trào

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương, các địa phương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam rà soát các vấn đề liên quan đến phát triển điện mặt trời ở nước ta.

Tăng cường công tác dồn điền, đổi thửa trên địa bàn tỉnh

(HBĐT) - UBND tỉnh vừa ban hành Chỉ thị số 04/CT- UBND về tăng cường công tác dồn điền, đổi thửa (DĐĐT) trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

Tháng 1, kim ngạch xuất khẩu ước đạt trên 119 triệu USD

(HBĐT) - Trên địa bàn tỉnh hiện có 49 doanh nghiệp hoạt động xuất, nhập khẩu. Bước vào năm 2021, các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu khẩn trương ổn định, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Trong tháng 1, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 119,97 triệu USD, tăng 2,32% so với tháng trước, đạt 9,85% kế hoạch năm.

Nguồn cung dồi dào và giá cả ổn định suốt dịp Tết Nguyên đán

Do nguồn cung khá dồi dào, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, sức mua không lớn nên giá phần lớn các mặt hàng trong dịp Tết Nguyên đán giữ ổn định so với những ngày cận Tết.

Thị trường thực phẩm sau Tết ổn định

(HBĐT) - Từ sáng mùng 2 Tết (ngày 13/2/2021), nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân, nhiều tiểu thương tại các chợ dân sinh trên địa bàn tỉnh đã mở hàng kinh doanh trở lại. Thị trường thực phẩm sau Tết tương đối ổn định, nguồn hàng dồi dào, đa dạng, giá cả hợp lý. Thậm chí giá bán một số loại rau xanh còn rẻ hơn so với trước Tết Nguyên đán.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục