(HBĐT) - Sản phẩm OCOP tạo động lực cho các chủ thể khắc phục những tồn tại, hạn chế, tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện sản phẩm, thúc đẩy sản xuất theo chuỗi liên kết. Đó là cơ hội để các làng nghề, HTX, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phát huy, khai thác tiềm năng, tinh hoa của mình. Nhiều sản phẩm sau khi được công nhận và sử dụng nhãn hiệu OCOP tạo được niềm tin đối với người tiêu dùng, đủ điều kiện vào các siêu thị, hệ thống phân phối hiện đại.
Mở lối vươn xa
Đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Chương trình OCOP tạo sức lan tỏa trong toàn hệ thống chính trị, nhận thức của cán bộ, người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc phát triển sản phẩm OCOP được nâng lên rõ rệt. Chương trình phát huy sức mạnh và vai trò của cộng đồng trong bảo tồn, phát triển sản phẩm truyền thống của địa phương; hình thành vùng sản xuất nông sản sạch, an toàn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với các chuỗi giá trị sản phẩm. Từ đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn, là giải pháp quan trọng thực hiện nhóm tiêu chí sản xuất, thu nhập, hộ nghèo trong chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao và NTM kiểu mẫu. Đa số các sản phẩm OCOP được tiêu thụ tại hệ thống siêu thị lớn trong nước; một số sản phẩm được xuất khẩu sang Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan...
Nhằm hỗ trợ chủ thể quảng bá, giới thiệu sản phẩm, Sở NN&PTNT đã tham mưu UBND tỉnh, Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư tỉnh, các đơn vị liên quan hỗ trợ chủ thể giới thiệu sản phẩm thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin, giới thiệu trên các trang thương mại điện tử. Tổ chức đưa chủ thể OCOP tham gia hội chợ, hội nghị đối tác OCOP trong và ngoài tỉnh để tăng cơ hội giao dịch trực tiếp với các doanh nghiệp thu mua, chế biến hàng nông, lâm, thủy sản trong cả nước. Qua đó quảng bá, thu hút sự quan tâm của các địa phương, đơn vị sản xuất và tổ chức kinh tế đầu tư, hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP như: Lễ hội cây ăn quả có múi tỉnh Hòa Bình, Hội chợ nông nghiệp và sản phẩm OCOP khu vực phía Bắc năm 2019, Hội chợ OCOP quốc gia gắn với sự kiện năm ASEAN do Việt Nam chủ trì vào quý IV/2020, Hội chợ thương mại - OCOP vùng Tây Bắc năm 2020... Phối hợp Hội Nông dân tỉnh mở cửa hàng nông sản an toàn và điểm trưng bày, bán sản phẩm OCOP tại TP Hòa Bình. Thông qua hoạt động xúc tiến thương mại, chủ thể OCOP ký được nhiều hợp đồng tiêu thụ vào hệ thống siêu thị như Vinmart, BigC, Lotte, Sài Gòn Co-op và các cửa hàng thực phẩm sạch, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Chuối viba, cam Cao Phong trở thành món ăn tráng miệng trên các chuyến bay của hãng hàng không quốc gia Vietnam Airline…
Anh Trần Trung Đức, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX chuối Viba (Lương Sơn) chia sẻ: Chương trình OCOP như một làn gió mới, là cơ sở để HTX chúng tôi đầu tư máy móc nâng cao chất lượng sản phẩm. HTX thực hiện khép kín quy trình từ sản xuất đến tiêu thụ theo tiêu chuẩn VietGAP. Toàn bộ sản phẩm thu mua về xưởng được sơ chế, phân loại, gắn tem truy xuất nguồn gốc... Hệ thống 3 phòng dấm chuối công nghệ cao với công suất tối đa 5 tấn/ngày. Chuối được dấm bằng phòng dấm theo tiêu chuẩn, công nghệ cao nhập khẩu từ Mỹ. Chuối chín tự nhiên bằng khí ethylene sinh học tuyệt đối an toàn, không độc hại. Năm 2019, sản phẩm chuối Viba của HTX đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh. Năm 2020, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng không làm ảnh hưởng đến sức tiêu thụ sản phẩm. HTX có hơn 1.000 đối tác trên toàn quốc; tiêu thụ trên 1 nghìn tấn quả, doanh thu đạt hơn 10 tỷ đồng.
Một số sản phẩm OCOP của tỉnh đã lên đường xuất khẩu như: Nhãn Sơn Thủy của HTX dịch vụ nông nghiệp Sơn Thủy (Kim Bôi), chè Sông Bôi của Công ty TNHH hai thành viên Sông Bôi - Thăng Long (Lạc Thủy). Sản phẩm OCOP 4 sao chè Sông Bôi được xuất khẩu chủ yếu sang Hồng Kông, Hàn Quốc và các nước Đông Âu. Hiện, diện tích trồng chè của công ty khoảng 250 ha, trồng tập trung ở các xã: Phú Thành, Phú Nghĩa, Đồng Tâm và thị trấn Chi Nê, với khoảng 500 hộ tham gia, cho thu nhập khoảng 150 triệu đồng/ha/năm. Bình quân 1 năm, công ty sản xuất được 130 tấn chè khô, giá bán trung bình 100 nghìn đồng/kg, doanh thu của công ty đạt khoảng 13 tỷ đồng/năm.
Bao giờ có sản phẩm OCOP 5 sao?
Sau 2 năm thực hiện, mặc dù chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra, nhưng tỉnh chưa có sản phẩm OCOP đạt 5 sao (sản phẩm cấp quốc gia). Trong quá trình thực hiện chương trình vẫn còn hạn chế như: Hệ thống văn bản hướng dẫn từ T.Ư, tỉnh chưa đầy đủ, do vậy, việc triển khai ở địa phương còn lúng túng, thiếu tính chủ động. Đội ngũ cán bộ quản lý thực hiện chương trình cấp tỉnh, huyện, xã hoạt động kiêm nhiệm nên chưa có nhiều thời gian cho việc phát triển các sản phẩm OCOP. Có lúc, có nơi chính quyền cấp huyện, cấp xã chưa thật sự vào cuộc cùng các tổ chức kinh tế trong quá trình thực hiện. Nhiều sản phẩm chất lượng chưa cao, kiểu dáng sơ sài, thiếu tính thương mại, số lượng đăng ký tham gia nhãn hiệu, nhãn hiệu tập thể, bảo hộ nhãn hiệu ít. Bên cạnh đó, sản phẩm nông nghiệp còn mang tính thời vụ; một số sản phẩm chủ lực của địa phương quy mô sản xuất nhỏ. Thị trường tiêu thụ chưa gắn kết được với tuor du lịch trên địa bàn tỉnh. Việc lồng ghép các nguồn kinh phí cho những hoạt động của chương trình gặp nhiều khó khăn, kinh phí từ ngân sách địa phương bố trí cho các hoạt động hạn chế. Các tổ chức kinh tế chưa tiếp cận được nhiều nguồn lực nên kinh phí để đầu tư nhà xưởng, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất, kinh doanh hạn chế, dẫn đến năng suất, chất lượng sản phẩm chưa cao.
Tỉnh đặt mục tiêu đến hết năm 2021 có thêm ít nhất 20 danh mục sản phẩm, dịch vụ tham gia chương trình được chứng nhận đạt chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên. Trong đó, 1 sản phẩm đạt 5 sao, 20 sản phẩm đạt 4 sao, 14 sản phẩm đạt 3 sao. Có 40 chủ thể đăng ký tham gia. Triển khai xây dựng điểm, trung tâm quảng bá, giới thiệu, bán sản phẩm OCOP cấp tỉnh, cấp huyện...
Theo đồng chí Nguyễn Huy Nhuận, Giám đốc Sở NN& PTNT, để đạt được mục tiêu trên cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, đặc biệt là cấp cơ sở; phát huy sức mạnh của các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện chương trình. Tăng cường tuyên truyền, vận động Nhân dân, các tổ chức kinh tế tham gia. Ứng dụng khoa học công nghệ, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm OCOP. Trong đó, chú trọng công tác phát triển, đăng ký xác lập, bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến sản phẩm OCOP tại các địa phương đối với những sản phẩm chủ lực. Hệ thống phần mềm quản lý chương trình gắn với quản lý sản phẩm trên tem điện tử thông minh. Các sở, ngành cần cụ thể hóa cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn của T.Ư, của tỉnh có liên quan đến chương trình...