(HBĐT) - Hòa Bình có nhiều sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ du lịch nông thôn độc đáo gắn với bản sắc văn hóa của từng địa phương. Chất lượng tốt, mẫu mã đẹp nhưng các sản phẩm chủ yếu tiêu thụ tại thị trường trong tỉnh, ít sản phẩm vươn ra được thị trường lớn trong nước và quốc tế. Để nâng tầm giá trị, tỉnh đã triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) với kỳ vọng tạo "cú huých” làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tạo ra hướng đi mới trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống, nâng cao giá trị sản phẩm và chất lượng cuộc sống người dân.

Bài 1 - Động lực phát triển kinh tế nông thôn



Năm 2020, nhãn Sơn Thủy (Kim Bôi) - sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh được xuất khẩu sang Trung Quốc.

Chương trình OCOP như "làn gió mới" lan tỏa sâu rộng trong toàn tỉnh, tạo sự chuyển biến trong tư duy và hành động của các tổ chức kinh tế.  Ngày 20/9/2018, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 125/KH-UBND về việc triển khai thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020. Trong đó yêu cầu: Triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động nguồn lực xã hội để thực hiện chương trình đảm bảo đúng tiến độ thời gian và hiệu quả, góp phần thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí "kinh tế và tổ chức sản xuất” trong bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho Nhân dân.

Phấn đấu tiêu chuẩn hóa ít nhất 25% sản phẩm hiện có của các địa phương (khoảng 50 sản phẩm), triển khai thực hiện từ 10 - 15 làng (bản) văn hóa du lịch. Tập trung đa dạng hóa, chế biến sâu các sản phẩm theo chuỗi giá trị, hoàn thiện tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa hộ sản xuất với HTX và doanh nghiệp. Củng cố, kiện toàn các tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP (khoảng 50 tổ chức kinh tế); phát triển mới ít nhất 10 tổ chức kinh tế tham gia chương trình. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu sản phẩm OCOP cấp tỉnh hỗ trợ tích cực công tác quản lý Nhà nước và kết nối thông tin, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Thực hiện Chương trình OCOP, tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế về sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ du lịch nông thôn. Thời gian qua, ngành nông nghiệp có bước chuyển biến quan trọng, phát triển các cây trồng, vật nuôi chủ lực theo hướng hàng hóa, hình thành các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn như: Vùng sản xuất cây ăn quả có múi tại các huyện: Cao Phong, Kim Bôi, Lạc Thủy, Tân Lạc, Lương Sơn, Yên Thủy. Hiện có trên 11,5 nghìn ha, diện tích kinh doanh khoảng 8 nghìn ha, sản lượng trên 15 vạn tấn. Diện tích được chứng nhận ATTP, VietGAP, hữu cơ 2 nghìn ha. Cùng với đó là sự phát triển của 11 làng nghề, làng nghề truyền thống. Song song với lợi thế về nông nghiệp, tỉnh có nhiều điểm du lịch cộng đồng như: Bản Lác (Mai Châu), điểm du lịch cộng đồng Đá Bia (Đà Bắc)... là điểm đến lý tưởng của du khách trong nước và quốc tế. Với tiềm năng, lợi thế đó, việc triển khai Chương trình OCOP là giải pháp hữu hiệu, mang tính chiến lược để từng địa phương khai thác thế mạnh về sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ theo đúng quy chuẩn. Chương trình OCOP đáp ứng nhu cầu của thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.

Đồng chí Nguyễn Huy Nhuận, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, thời gian qua, ngành nông nghiệp đã phối hợp các sở, ngành, địa phương khảo sát, lựa chọn sản phẩm chủ lực về nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ du lịch hiện có của các huyện, thành phố. Sản phẩm tham gia chương trình tập trung vào các ngành thực phẩm, đồ uống, thảo dược, vải may mặc, dịch vụ du lịch nông thôn và bán hàng. Sản phẩm được địa phương chọn lọc có chất lượng, gắn với truyền thống văn hóa lâu đời của từng vùng miền. Tham gia chương trình, chủ thể được hỗ trợ máy móc thiết bị sản xuất; hỗ trợ bao bì, nhãn mác; hệ thống tem truy xuất nguồn gốc; giấy đăng ký sở hữu trí tuệ; hỗ trợ phát triển liên kết theo chuỗi giá trị; quảng bá giới thiệu sản phẩm…

OCOP được đánh giá là sân chơi công bằng, trí tuệ, khoa học, đòi hỏi bất cứ chủ thể nào cũng phải nỗ lực để làm ra những sản phẩm có chất lượng, mẫu mà đẹp, đảm bảo theo bộ tiêu chuẩn. Năm 2019, nhiều chủ thể đăng ký tham gia chương trình nhưng sản phẩm chưa đảm bảo các yêu cầu: Có công bố chất lượng sản phẩm, mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc; sản xuất có kế hoạch bảo vệ môi trường; sản phẩm có mẫu mã bao bì đẹp, hấp dẫn… Tuy nhiên, các chủ thể không nản chí mà quyết tâm nắm bắt cơ hội, tiếp tục nỗ lực hoàn thiện các tiêu chuẩn của sản phẩm, tham gia chương trình vào những năm tiếp theo.

Anh Đỗ Trọng Hiệp, Giám đốc HTX Tân Lạc Sơn cùng thành viên HTX đã bền bỉ, nỗ lực vượt khó, quyết tâm hoàn thiện sản phẩm trà giảo cổ lam để được công nhận là sản phẩm OCOP. Anh Hiệp chia sẻ: Năm 2019, sản phẩm trà giảo cổ lam của HTX đăng ký tham gia Chương trình OCOP, nhưng do còn thiếu giấy phép công bố kết quả kiểm nghiệm các chất có trong trà nên chưa đạt tiêu chuẩn để công nhận. Năm 2020, HTX quyết tâm chuẩn hóa, nâng cấp sản phẩm, làm thủ tục để kiểm nghiệm các chất có trong trà, nâng cấp mẫu mã, bao bì sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm. Với sự nỗ lực không ngừng của các thành viên HTX, năm 2020, sản phẩm trà giảo cổ lam được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.    

Không chỉ nỗ lực để sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, các chủ thể còn tạo bứt phá trong nâng sao cho sản phẩm OCOP. Tiêu biểu như sản phẩm cam quà tặng cao cấp của HTX 3T nông sản Cao Phong (Cao Phong). Năm 2019, sản phẩm cam quà tặng cao cấp của HTX đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh hạng 3 sao. Năm 2020, các thành viên của HTX đã đầu tư dây chuyền sản xuất tạo sự chuyên nghiệp, đảm bảo chất lượng, nhất là vấn đề ATTP để tham gia nâng sao cho sản phẩm. Kết quả, sản phẩm cam quà tặng của HTX được nâng lên hạng 4 sao cấp tỉnh. 

Với những quyết sách quan trọng của các cấp, ngành, cùng sự nỗ lực không ngừng của chủ thể, Chương trình OCOP mở ra cơ hội, tiếp sức cho khu vực nông thôn phát triển, đời sống Nhân dân được cải thiện. Chương trình làm thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu của người dân, tạo hướng đi mới trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm truyền thống; góp phần tái cơ cấu kinh tế nông thôn. Các tổ chức kinh tế phát triển nhanh về quy mô, số lượng theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, góp phần hình thành hệ thống tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm khu vực nông thôn. Năm 2019, toàn tỉnh có 27 sản phẩm của 21 chủ thể đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh, trong đó có 9 sản phẩm đạt 4 sao, 18 sản phẩm đạt 3 sao. Đến năm 2020, toàn tỉnh có 44 sản phẩm của 43 chủ thể đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh, trong đó, 9 sản phẩm 4 sao, 35 sản phẩm 3 sao.


Thu Thủy

Các tin khác


Sản lượng sơ chế, chế biến thủy sản hàng năm đạt khoảng 850 tấn

Theo Chi cục Thuỷ sản, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 10 cơ sở sơ chế, chế biến và bảo quản sản phẩm thủy sản, gồm 3 doanh nghiệp, 1 hợp tác xã và 6 hộ kinh doanh.

Bảo vệ thuỷ sản mùa nắng nóng, mưa lũ

Nắng nóng, mưa lũ làm cho các yếu tố môi trường thay đổi dễ gây bất lợi cho sinh trưởng và phát triển của thủy sản nuôi trồng. Do đó, ngành chức năng khuyến cáo người chăn nuôi cần chủ động các giải pháp để bảo vệ cá nuôi, hạn chế thiệt hại.

Giá vàng sáng 22/4

Tính đến 6 giờ 15 phút sáng 22/4, giá vàng SJC, vàng nhẫn niêm yết tại các công ty kinh doanh vàng như sau:

500 đoàn viên, người lao động tham dự hội chợ việc làm huyện Đà Bắc

Trung tâm Lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hoà Bình, UBND huyện Đà Bắc vừa tổ chức hội chợ việc làm. 500 đoàn viên thanh viên, người lao động đến từ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã tham dự.

Giá vàng sáng 21/4

Tính đến 6 giờ 15 phút sáng ngày 21/4, giá vàng SJC, vàng nhẫn niêm yết tại các công ty vàng như sau:

Tập huấn triển khai Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp”

Ngày 19/4, Hội LHPN tỉnh tổ chức hội nghị tập huấn triển khai Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp”; hướng dẫn xây dựng dự án khởi nghiệp tham gia cuộc thi năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục