Tỉnh quan tâm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Ảnh chụp tại Công ty may Việt - Hàn (TP Hòa Bình).
Nhìn chung, cơ cấu thu NSNN chưa bền vững khi phụ thuộc chủ yếu vào Nhà máy thủy điện Hòa Bình (chiếm khoảng hơn 20%), khai thác tài nguyên, đất đai, khoáng sản (chiếm khoảng hơn 40%); thu từ các khoản thuế, phí, thu khác còn hạn chế, chưa có các doanh nghiệp lớn, chưa có nhiều doanh nghiệp hoạt động sản xuất, chủ yếu là doanh nghiệp hoạt động dịch vụ, doanh nghiệp xây lắp… Công tác xúc tiến đầu tư còn nhiều hạn chế, chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Công tác thu NSNN tại cấp xã chưa được quan tâm đúng mức, còn có tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào bổ sung từ ngân sách cấp trên, chưa chủ động trong khai thác nguồn thu tại địa bàn...
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, thu NSNN đạt khoảng 10 nghìn tỷ đồng, tương đương với tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2025 là 19,4%/năm, cao hơn giai đoạn 2016 - 2020. Cơ cấu thu NSNN theo hướng bền vững, tỷ trọng thu tiền sử dụng đất và Công ty Thủy điện Hòa Bình giảm xuống dưới 30%. Thu từ các khoản thuế, phí chiếm tỷ trọng chủ đạo nhờ khai thác nguồn thu từ các dự án mới đi vào hoạt động trong thời gian tới như: Dự án mở rộng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, dự án của Tập đoàn FLC, dự án khu du lịch sinh thái tâm linh tại huyện Lạc Thủy, dự án nhà máy xi măng Xuân Thiện, cụm công nghiệp Đồng Tâm (Lạc Thủy), khu công nghiệp Lạc Thịnh (Yên Thủy), cụm công nghiệp Yên Mông, khu công nghiệp Yên Quang (TP Hòa Bình), các dự án khu đô thị, sinh thái, nghỉ dưỡng, sân golf…
Phấn đấu tỷ trọng chi thường xuyên trong tổng chi cân đối ngân sách giảm dần từ 75% năm 2020 xuống 70% đến năm 2025. Tiết kiệm chi thường xuyên để tập trung đầu tư thực hiện các công trình, dự án lớn, quan trọng của tỉnh, tập trung đầu tư cho vùng động lực, góp phần phát triển KT-XH tại địa phương, từ đó tăng nguồn thu cho NSNN.
Để thực hiện mục tiêu, tỉnh xác định giải pháp trọng tâm trong thời gian tới: Các cấp,ngành, địa phương tập trung thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo nguồn thu cho NSNN.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp về quản lý thu NSNN, chủ động xử lý các tác động đến nguồn thu ngân sách, quyết tâm thu đạt và vượt dự toán giao. Quyết liệt chỉ đạo chống thất thu thuế; đặc biệt trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, đất đai, tài nguyên khoáng sản. Tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, đề xuất cơ chế ưu đãi nhằm thu hút những dự án có năng lực vào các khu, cụm công nghiệp. Tiếp tục cải cách mạnh mẽ cơ chế thu hút đầu tư, trong đó quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp chế biến. Xây dựng, triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển vùng động lực giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2035. Tập trung phát triển vùng động lực của tỉnh để thực sự trở thành đầu tàu kéo kinh tế, có vai trò tác động lan tỏa tới các vùng khác của tỉnh bằng cơ chế phân cấp, ủy quyền trong các lĩnh vực trọng tâm như: tài chính, thuế, đầu tư, quản lý đô thị; có cơ chế, chính sách ưu đãi cụ thể, thực chất…, ưu tiên bố trí, phân bổ các nguồn lực cho vùng động lực.
Từng bước cơ cấu lại chi ngân sách địa phương theo hướng tăng hợp lý tỷ trọng chi đầu tư, giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên. Nâng cao hiệu quả chi NSNN, từng bước triển khai quản lý chi ngân sách theo kết quả thực hiện nhiệm vụ đầu ra, gắn với thực hiện các mục tiêu phát triển KT-XH.
V.H
(HBĐT) - Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản gửi UBND TP Hà Nội, tỉnh Hòa Bình, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Công ty TNHH BOT Quốc lộ 6 Hòa Lạc - Hòa Bình liên quan việc xử lý vi phạm kết cấu hạ tầng giao thông trên tuyến đường BOT Hòa Lạc - Hòa Bình.