Sản phẩm chuối Viba của HTX chuối Viba, xã Liên Sơn (Lương Sơn) được người tiêu dùng ưa chuộng.
Hiệu quả bước đầu khi có Luật Hợp tác xã năm 2012
Sau khi Luật HTX năm 2012 được Quốc hội thông qua, đặc biệt từ năm 2016 trở lại đây, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả, ban hành nhiều quyết sách quan trọng trong công tác chỉ đạo phát triển KTTT. Trên cơ sở đó, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU, ngày 29/5/2017 về xây dựng, củng cố và phát triển kinh tế hợp tác, HTX đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 162/KH-UBND, ngày 14/12/2018 về thí điểm đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp cao đẳng, đại học về làm việc tại các HTX. Đến nay, 17 cán bộ trẻ được đưa về làm việc tại 13 HTX với vị trí kế toán và kỹ thuật. Qua đó, góp phần tăng cường nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao tại những khâu trọng yếu, nâng cao hiệu quả hoạt động và phát triển sản xuất, kinh doanh. Tỉnh có nhiều chính sách hỗ trợ HTX về xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm, tiếp cận vốn, ứng dụng khoa học công nghệ; hỗ trợ đất đai, hỗ trợ HTX thành lập mới; phát triển kết cấu hạ tầng cho HTX nông nghiệp, phát triển HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Từ những quyết sách quan trọng của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tạo đòn bẩy để KTTT chuyển biến. Người dân tham gia HTX, THT trên tinh thần tự nguyện, cùng góp vốn, cùng chịu trách nhiệm về hoạt động của HTX, THT. Nhiều HTX có phạm vi hoạt động trên toàn xã, thậm chí toàn huyện. Số lượng, chất lượng hoạt động của HTX, THT từng bước cải thiện. Các HTX hoạt động đa dạng trong tất cả các lĩnh vực. 100% HTX hoạt động đúng quy định của Luật HTX năm 2012. Đến nay, toàn tỉnh có 203 THT, 425 HTX, trong đó có 298 HTX nông nghiệp, 98 HTX phi nông nghiệp. Hàng năm, HTX giải quyết việc làm cho hơn 21.778 lao động; thu nhập bình quân người lao động đạt 4 triệu đồng/người/tháng.
Trong các lĩnh vực, HTX nông nghiệp phát triển tương đối hiệu quả, góp phần tích cực thực hiện thắng lợi các mục tiêu trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp là nâng cao giá trị gia tăng, nâng cao thu nhập của cư dân nông thôn gắn với xây dựng NTM bền vững. Một số HTX nông nghiệp mạnh dạn ứng dụng KHKT, sản xuất theo hướng hữu cơ, tiêu chuẩn VietGAP (toàn tỉnh hiện có 15 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao). Hoạt động HTX nông nghiệp gắn với việc phát triển sản phẩm chủ lực của địa phương. Nhiều HTX thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị, liên kết với siêu thị, doanh nghiệp lớn để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Điển hình như các HTX: 3T nông sản Cao Phong, Hà Phong, Mạnh Khoa (Cao Phong); chuối Viba, nông sản hữu cơ Đồng Sương, nông - lâm nghiệp - thủy lợi Tân Vinh (Lương Sơn)… Hiện, có 46 sản phẩm của 39 HTX đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh, với 9 sản phẩm đạt 4 sao, 37 sản phẩm đạt 3 sao. Sản phẩm OCOP 3 sao nhãn Sơn Thủy của HTX dịch vụ nông nghiệp Sơn Thủy, xã Xuân Thủy (Kim Bôi) trở thành mặt hàng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc năm 2020. Sản phẩm chuối Viba, cam Cao Phong trở thành món ăn tráng miệng trên các chuyến bay của hãng hàng không quốc gia Vietnam Airline…
Cùng với sự phát triển của HTX, hệ thống Quỹ Tín dụng nhân dân (QTDND) hoạt động chuyên nghiệp. Toàn tỉnh có 3 QTDND đang hoạt động, với 5,68 nghìn thành viên. Tỷ lệ lao động có trình độ cao đẳng, đại học đạt 76%; thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng. Trên địa bàn tỉnh có 2 liên hiệp HTX, gồm: Liên hiệp HTX cam và cây ăn quả có múi tại Cao Phong và Liên hiệp HTX Việt Nam.
Hiệu quả hoạt động của thành phần KTTT mà nòng cốt là HTX là dấu hiệu đáng mừng, cho thấy việc ban hành Luật HTX năm 2012 thay thế Luật HTX năm 2003 là hoàn toàn đúng đắn. Mô hình HTX kiểu mới tôn trọng, nâng cao vị thế kinh tế hộ thành viên, góp phần giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong nền kinh tế thị trường.
Thách thức trong bối cảnh mới
Ông Bùi Văn Miển, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Sơn Thủy, xã Xuân Thủy (Kim Bôi) trăn trở: HTX mạnh dạn ứng dụng hệ thống tưới tự động và trồng nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP, nhờ vậy, năng suất, chất lượng tốt. Nhãn của HTX đã xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, sau gần 6 năm thành lập, đến nay, HTX chưa có trụ sở làm việc. Mọi giao dịch quảng bá, giới thiệu, ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm thực hiện tại gia đình hộ thành viên. HTX đang rất thiếu vốn để phát triển sản xuất và xây dựng trụ sở. Sản phẩm chủ lực của HTX là nhãn quả có thời gian thu hoạch ngắn. Khoảng 1 tháng nếu không thu hoạch xong sẽ ảnh hưởng đến chất lượng. Hiện, HTX chưa ký được hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các siêu thị, doanh nghiệp lớn, chủ yếu tư thương từ các tỉnh và chợ đầu mối tới thu mua nên không bền vững. Những vụ được mùa thì mất giá do tư thương ép giá. Vì vậy, mong muốn các cấp, ngành hỗ trợ HTX vay vốn xây dựng nhà sơ chế, phân loại sản phẩm để xuất khẩu và sản xuất thêm một số sản phẩm từ nhãn quả như long nhãn.
Những khó khăn HTX dịch vụ nông nghiệp Sơn Thủy gặp phải cũng là tình trạng của nhiều HTX khác trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Trần An Định, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: Đa số các HTX trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, dưới 50 thành viên chiếm tới 80%. HTX khi thành lập mới chỉ đáp ứng yêu cầu tối thiểu là 7 thành viên. HTX còn khiêm tốn về tư liệu sản xuất như đất đai, nhà xưởng, có đất đai tương đương 5 - 10 lần của hộ cá thể trung bình nên khả năng tạo hàng hóa thấp. Chưa kể tình trạng nhiều HTX, các thành viên có quan hệ huyết thống dẫn đến khả năng quy tụ đất đai, nguồn vốn từ hộ cá thể phục vụ sản xuất thấp. Số HTX có trụ sở, cơ sở sản xuất, kinh doanh riêng không nhiều, chủ yếu các giao dịch và sản xuất tại gia đình hộ thành viên làm ảnh hưởng tới hoạt động giao dịch với đối tác. Phần lớn HTX chưa xây dựng được thương hiệu, vấn đề bảo hộ thương hiệu không được chú trọng, uy tín trên thị trường mờ nhạt. Hàng hóa của HTX mới tham gia vào chuỗi giá trị ở khâu cung cấp đầu vào, nông sản thô, sơ chế, chưa có nhiều sản phẩm chế biến sâu để tạo giá trị gia tăng cao. Sản phẩm OCOP của đa số HTX quy mô sản xuất nhỏ, không đáp ứng đủ cho chuỗi cung ứng.
Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ quản lý, lao động tại HTX hạn chế về chuyên môn, kỹ năng và kinh nghiệm. Đặc biệt, yếu về năng lực công nghệ thông tin và kinh doanh quốc tế, nhận thức pháp luật về thuế, quản lý tài chính, kế toán, nhân sự chưa hiệu quả. Cán bộ chủ chốt của HTX có trình độ cao đẳng, đại học chỉ chiếm trên 40%. Không chỉ vậy, nguồn lực ngân sách dành cho hỗ trợ phát triển KTTT, HTX hạn chế. Đến thời điểm hiện tại, những HTX thành lập mới trong năm 2020 vẫn chưa được cấp kinh phí hỗ trợ. Chương trình xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm HTX chưa được triển khai nhiều. Việc hỗ trợ HTX xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, ứng dụng KHKT lồng ghép qua các đề tài, dự án chưa kịp thời. Nhiều HTX chưa thật sự chủ động tiếp nhận tiến bộ KHKT. Hầu hết các huyện, thành phố không tổng hợp được kinh phí hỗ trợ HTX từ ngân sách địa phương. Một số địa phương công tác cấp đăng ký HTX còn sai sót, có HTX thành lập nhưng chưa đăng ký mã số thuế. Vấn đề chuyển đổi dữ liệu HTX vào Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký HTX còn chậm.
Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Huy Chỉ, xã Hùng Sơn (Kim Bôi) nỗ lực nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, tạo sức cạnh tranh trên thị trường.
Những tồn tại trên làm cho KTTT, HTX phát triển chưa tương xứng với tiềm năng hiện có, chưa thu hút được thành viên tham gia, chưa kết nối được với doanh nghiệp để hình thành chuỗi liên kết sản xuất, sức cạnh tranh sản phẩm chưa cao, hiệu quả sản xuất, kinh doanh thấp, đóng góp cho phát triển KT-XH của tỉnh khiêm tốn, tỷ trọng trong cơ cấu GRDP chỉ ở mức 3 - 4%.
Trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa và phát triển đa dạng của nền kinh tế, HTX có nhiều cơ hội để học hỏi, cọ xát, nâng cao năng lực cũng như tiếp nhận công nghệ sản xuất và công nghệ quản lý mới. HTX còn có cơ hội để thu hút đầu tư nước ngoài, nhất là từ những đối tác lớn; mở rộng xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu nông sản và nông sản chế biến. Bên cạnh cơ hội, KTTT phải đối mặt với thách thức về sự cạnh tranh gay gắt của thị trường trong nước và quốc tế. Đời sống phát triển, đô thị hóa mạnh mẽ đòi hỏi sản phẩm phải an toàn, chất lượng.
Đồng chí Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết thêm: Để KTTT, HTX phát triển trong bối cảnh mới, thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh tiếp tục xây dựng, củng cố tổ chức vững mạnh về chính trị, thống nhất mục tiêu, định hướng. Liên minh HTX tỉnh tiếp tục phối hợp với các sở, ngành và các huyện, thành phố tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển KTTT và các cơ chế, chính sách đặc thù của tỉnh về hỗ trợ phát triển KTTT. Đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ HTX về đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại, khoa học công nghệ. Tập trung xây dựng mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị và HTX điển hình tiên tiến. Tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến các tầng lớp Nhân dân về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển KTTT, HTX. Làm tốt công tác tư vấn, hỗ trợ và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp; chăm lo cho các thành viên, để mối quan hệ giữa Liên minh HTX tỉnh và các đơn vị thành viên ngày càng gắn bó, phát triển.
Cùng với sự định hướng, trợ giúp của các cấp, ngành, THT, HTX và Liên hiệp HTX cần thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ 4.0 trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm như: QR CODE, sàn giao dịch điện tử, bán hàng online…
Tăng cường xây dựng các mô hình hợp tác xã gắn với chuỗi giá trị sản phẩm Bạch Công Thi Phó trưởng Phòng Tài chính - kế hoạch huyện Kim Bôi Liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị là giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả, phát triển bền vững của HTX. Do đó, thời gian qua, huyện Kim Bôi tăng cường liên kết sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ, ứng dụng KH-KT để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Huyện Kim Bôi đã hướng dẫn HTX nông nghiệp xanh thực hiện liên kết với các tỉnh, thành phố về sản xuất, tiêu thụ bí xanh trên địa bàn xã Đú Sáng, xã Kim Bôi; HTX dịch vụ nông nghiệp và sản xuất rau an toàn Bãi Xe, xã Nam Thượng thực hiện chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm lặc lày, bí xanh; HTX nông nghiệp và thương mại Mường Động, xã Tú Sơn thực hiện liên kết tiêu thụ cây ăn quả có múi. Việc tham gia sản xuất theo chuỗi giá trị giúp HTX giảm chi phí sản xuất, mở rộng thị trường, gia tăng giá trị và sức cạnh tranh, mang lại nhiều lợi ích cho thành viên. Đồng thời, góp phần hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Tuy nhiên, hiện nay, trên địa bàn huyện, số lượng HTX tham gia sản xuất theo chuỗi còn ít, chủ yếu trên lĩnh vực nông nghiệp. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX, thời gian tới, các cấp, ngành, Liên minh HTX tỉnh quan tâm xây dựng mô hình HTX gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực có mối liên kết bền vững với doanh nghiệp, quy mô sản xuất lớn. |
Mong muốn được hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng Nguyễn Trung Kiên Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Độc Lập, xã Độc Lập (TP Hòa Bình) Độc Lập là địa phương trồng bí xanh nổi tiếng của tỉnh. Hiện, diện tích trồng bí xanh của xã khoảng 30 ha. HTX đã chủ động kết nối với các chợ đầu mối để tiêu thụ bí xanh cho nông dân. Trung bình 1 năm, HTX bao tiêu khoảng 2.000 tấn bí xanh. Tuy nhiên, do sản lượng lớn HTX không thu mua được hết nên nhiều năm nay, Độc Lập thường xuyên xảy ra tình trạng được mùa, mất giá. Hiện, HTX thực hiện phơi khô bí xanh để cung cấp cho HTX chuyên làm dược liệu tại TP Hòa Bình, nhưng gặp nhiều khó khăn trong khâu phơi sấy do thời tiết diễn biến thất thường. Mùa thu hoạch bí mưa dông kéo dài ảnh hưởng lớn tới chất lượng, hiệu quả sản xuất. HTX mong muốn các cấp, ngành hỗ trợ vay vốn để đầu tư xây dựng nhà xưởng, lò sấy để sơ chế, đóng gói sản phẩm bí khô; hỗ trợ HTX xây dựng trụ sở làm việc để có địa điểm thực hiện các giao dịch. |
Thu Thủy