Chăn nuôi nông hộ gặp nhiều khó khăn khi giá lợn giảm, giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh. Ảnh chụp tại xã Cao Sơn (Lương Sơn).
Mấy năm trở lại đây, gia đình ông Bùi Văn Ước, xóm Rên, xã Gia Mô (Tân Lạc) duy trì chăn nuôi lợn nái. Năm 2020, giá lợn giống, lợn thịt đều tăng cao, đem lại cho gia đình ông Ước nguồn thu nhập ổn định hơn so với trước kia. Bước sang đầu năm 2021, khi giá lợn thịt vẫn ở mức từ 70 - 75 nghìn đồng/kg, ông Ước quyết định không bán lợn giống mà để nuôi lợn thịt. Theo tính toán, với giá thức ăn và giá lợn ở thời điểm đầu năm, sau hơn 3 tháng nuôi, trừ các chi phí, mỗi con lợn sẽ đem lại thu nhập từ 2 - 3 triệu đồng. Thế nhưng, giá lợn liên tục giảm, hiện chỉ còn 60 nghìn đồng/kg, trong khi giá cám đã tăng trên 30 nghìn đồng so với thời điểm đầu năm. "Giá cám tăng liên tục, trong khi giá lợn giảm hơn 10 giá so với đầu năm. Tính ra, nuôi lợn chẳng lãi, thậm chí lỗ nếu giá thức ăn còn tăng cao như hiện nay” - ông Ước ngán ngẩm.
Cũng là một hộ nuôi lợn lâu năm, anh Bùi Văn Lê, xóm Sống, xã Nhân Mỹ (Tân Lạc) cũng khá trăn trở trước thực trạng giá lợn và giá thức ăn đang đi "ngược chiều” như hiện nay. Gia đình anh duy trì nuôi 2 lợn nái và khoảng chục con lợn thịt. Anh Lê cho biết: "Nếu giá bán duy trì ở mức 70 nghìn đồng/kg người nuôi lợn sẽ có thu nhập ổn định. Còn hiện nay, giá bán lợn thấp mà giá cám đắt, trong khi giá con giống cũng vẫn khá cao thì nuôi lợn có nguy cơ thua lỗ”.
Đồng chí Trần Tiến Trường, Phó chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y (CN&TY) tỉnh cho biết: Những tháng đầu năm, tình hình tái đàn lợn trên địa bàn tỉnh khá ổn định, tổng đàn lợn tăng khoảng 0,5% so với năm 2020. Đến nay, tổng đàn lợn toàn tỉnh trên 442 nghìn con, bằng 100,6% so với cùng kỳ năm 2020. Thời điểm này năm ngoái, giá bán lợn ở các trang trại chăn nuôi lớn dao động từ 80 - 85 nghìn đồng/kg, ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ từ 75 - 80 nghìn đồng/kg. Từ đầu năm đến nay, giá lợn giảm mạnh so với cùng kỳ, đến nay, ở các trang trại giá bán dao động từ 63 - 65 nghìn đồng/kg, ở hộ chăn nuôi quy mô gia trại thấp hơn, chỉ 60 - 61 nghìn đồng/kg. Đối với giá thức ăn chăn nuôi đã tăng từ 30 - 40 nghìn đồng/bao cám (tùy loại).
Với thực trạng giá lợn giảm sâu, giá cám tăng mạnh, theo đồng chí Phó chi cục trưởng Chi cục CN&TY tỉnh, mặc dù người chăn nuôi chưa bị thua lỗ nhưng lợi nhuận đem lại không cao. Nếu giá lợn và giá thức ăn tiếp tục đi "ngược chiều” như hiện nay, nguy cơ thua lỗ đối với người chăn nuôi lợn là điều được dự báo trước. Lý giải về nguyên nhân, đồng chí Trần Tiến Trường cho biết: Sở dĩ giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng là do từ đầu năm đến nay, giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi nhập khẩu tăng cao. Thịt lợn nhập khẩu và các loại thịt nhập khẩu khác khá nhiều cũng ảnh hưởng lớn đến việc giá lợn hơi trong nước giảm mạnh. Với tình hình như hiện nay, người chăn nuôi cần theo dõi diễn biến thị trường để đầu tư chăn nuôi lợn, tránh được rủi ro, thua lỗ.
Viết Đào
(HBĐT) - Hòa Bình là tỉnh có nhiều tiềm năng lợi thế về sản xuất nông, lâm sản và thủy sản. Thị trường tiêu thụ nông sản khá thuận lợi khi gần Thủ đô Hà Nội và các tỉnh đồng bằng phía Bắc. Tỉnh đã xác định được 9 nhóm sản phẩm chủ lực, từ đó tập trung nguồn lực để phát triển, đến nay đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung, tạo nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến và xuất khẩu.