Thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hộ nông dân ở xã Thanh Hối (Tân Lạc) đã đầu tư trang trại nuôi gà kết hợp trồng cây ăn quả có múi mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Trao đổi về vấn đề cơ cấu lại ngành nông nghiệp, đồng chí Nguyễn Huy Nhuận, Giám đốc Sở NN&PTNT đánh giá: 5 năm qua, thực hiện Đề án TCCNNN, dưới sự chỉ đạo quyết liệt, sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; sự phối hợp tích cực của các cấp, các ngành và nỗ lực của toàn ngành NN&PTNT, đặc biệt là sự chủ động, sáng tạo của các doanh nghiệp, người nông dân trong sản xuất đã góp phần giúp ngành nông nghiệp khẳng định được vai trò trụ đỡ của nền kinh tế. Tăng trưởng bình quân của ngành giai đoạn 2016 - 2020 đạt khoảng 4,1%/năm, chiếm gần 20% cơ cấu kinh tế của tỉnh; có 46% xã đã về đích nông thôn mới (NTM). Nông thôn ngày càng khang trang; môi trường sống được bảo vệ; đời sống vật chất, tinh thần của nông dân được cải thiện rõ nét.
Những năm qua, tỉnh đã ban hành các nghị quyết chuyên đề, chính sách phát triển sản phẩm lợi thế, được các địa phương cụ thể hóa, thực hiện có hiệu quả. Cơ cấu nội ngành chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi, lâm nghiệp và thủy sản. Cơ cấu cây trồng được chuyển đổi từ cây trồng kém hiệu quả sang cây có giá trị kinh tế cao. Từng bước phát triển các cây trồng chính với quy mô lớn, tập trung, gắn với thị trường, trên cơ sở phát huy lợi thế của từng địa phương. Trong đó phải nói đến việc mở rộng diện tích nhóm cây ăn quả có múi, mía ăn tươi, rau an toàn... Cây ăn quả có múi đã hình thành vùng sản xuất tập trung tại các huyện: Cao Phong, Kim Bôi, Lạc Thủy, Tân Lạc, Lạc Sơn, Lương Sơn, Yên Thủy. Đến năm 2020, diện tích cây ăn quả có múi của tỉnh đạt trên 11,5 nghìn ha, trong đó, diện tích kinh doanh 8 nghìn ha, sản lượng trên 15 vạn tấn.
Các địa phương mở rộng diện tích trồng các loại cây có thế mạnh, phát huy lợi thế cạnh tranh của từng sản phẩm. Các loại cây ăn quả như: nhãn, vải, na, chuối... duy trì mức ổn định từ 4,5 - 5 nghìn ha, thu nhập 120 - 150 triệu/ha/năm; cây có củ: Sắn, dong riềng, khoai lang, khoai sọ diện tích 19 - 20 nghìn ha, giá trị thu nhập 40 - 45 triệu đồng/ha/vụ; cây công nghiệp hàng năm thu nhập 55 - 60 triệu đồng/ha/vụ.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh đã chuyển đổi trên 9.700 ha đất trồng lúa, trồng màu kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao. Một số mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa cho thu nhập cao như: Trồng nhãn thu nhập trên 250 triệu đồng/ha/năm; trồng dưa chuột Nhật thu nhập trên 100 triệu đồng/ha/vụ; trồng quả lặc lày thu nhập trên 120 triệu đồng/ha/vụ; trồng bí xanh thu nhập trên 120 triệu đồng/ha/vụ...
Cùng với trồng trọt, chăn nuôi phát triển cả về số lượng, chất lượng; tập trung phát triển 5 loài vật nuôi lợi thế là trâu, bò, lợn, dê, gia cầm theo mô hình trang trại, gia trại. Lâm nghiệp phát triển theo hướng tăng diện tích trồng cây gỗ lớn, cây bản địa. Nâng cao giá trị sản phẩm của rừng được các doanh nghiệp chú trọng, đã thực hiện cấp chứng chỉ rừng của doanh nghiệp và liên kết với người dân cấp chứng chỉ rừng. Đến nay, chuyển hóa rừng sang kinh doanh gỗ lớn được 869 ha. Nuôi trồng thủy sản phát triển khá nhanh; các chỉ tiêu về diện tích nuôi trồng, sản lượng khai thác, giá trị ngành thủy sản năm sau cao hơn năm trước. Một số loài thủy sản có giá trị kinh tế được đưa vào nuôi trồng, thu kết quả cao như cá: trắm đen, lăng, tầm, dầm xanh, chiên...
Đánh giá của Sở NN&PTNT cho thấy, quá trình thực hiện Đề án TCCNNN, chủ thể sản xuất đã thay đổi nhận thức từ sản xuất tự cung, lấy tăng năng suất là chính sang sản xuất theo nhu cầu thị trường, lấy giá trị thu được làm trọng tâm. Từ tự sản xuất là chính chuyển sang cùng sản xuất. Mục tiêu, các chỉ tiêu đến năm 2020 của đề án cơ bản đạt so với kế hoạch đề ra. Theo Bộ tiêu chí giám sát thực hiện TCCNNN, có 8/14 chỉ tiêu vượt, 1/14 chỉ tiêu đạt so với mục tiêu khu vực miền núi phía Bắc. Đặc biệt, tăng trưởng ngành ở mức cao, sản phẩm chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa có giá trị, hiệu quả cao. Trình độ KHCN trong sản xuất nông nghiệp ngày càng được nâng cao, góp phần tăng năng suất, chất lượng nông sản; giá trị sản phẩm thu được trên một đơn vị canh tác tăng.
Kế thừa, phát huy kết quả đạt được của Đề án TCCNNN, Sở NN&PTNT tích cực tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 nhằm mục tiêu: Phát triển nông nghiệp là nền tảng theo hướng an toàn, hiệu quả, sản xuất hàng hóa lớn gắn với thị trường tiêu thụ, gắn kết chặt chẽ với công nghiệp chế biến, du lịch, bảo vệ môi trường, sinh thái, thích ứng biến đổi khí hậu.
Thu Hiền
(HBĐT) - Hòa Bình là tỉnh có nhiều tiềm năng lợi thế về sản xuất nông, lâm sản và thủy sản. Thị trường tiêu thụ nông sản khá thuận lợi khi gần Thủ đô Hà Nội và các tỉnh đồng bằng phía Bắc. Tỉnh đã xác định được 9 nhóm sản phẩm chủ lực, từ đó tập trung nguồn lực để phát triển, đến nay đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung, tạo nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến và xuất khẩu.