(HBĐT) - Dự án "Nâng cao năng lực tự giúp cho các cộng đồng dân tộc thiểu số tại huyện Kim Bôi” do Trung tâm Hỗ trợ phát triển vì phụ nữ và trẻ em (DWC) phối hợp UBND huyện Kim Bôi và Hội LHPN huyện thực hiện bước vào năm thứ 2 của giai đoạn 2 (2020 - 2022). Với mục tiêu hoạt động ý nghĩa, thiết thực, dự án đã góp phần thúc đẩy, hỗ trợ các nhóm sở thích phát triển bền vững mô hình sinh kế nông nghiệp.
Các thành viên nhóm rau hữu cơ Lầm Trong, xóm Ba Lầm, xã Nuông Dăm (Kim Bôi) tự chế thuốc thảo mộc, dinh dưỡng bổ sung cho cây trồng.
Nhóm rau hữu cơ Lầm Trong, xóm Ba Lầm, xã Nuông Dăm được thành lập tháng 12/2018. Chị Quách Thi Điệp, trưởng nhóm chia sẻ: Từ khi thành lập nhóm, các thành viên được tham gia chương trình tập huấn về canh tác hữu cơ trên cây rau, phương pháp, kỹ năng giám sát, thanh tra cũng như tiếp cận tiêu chuẩn trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ (PGS). Nhóm còn chủ động đào giếng giữ nguồn nước tưới, làm bờ bao, tạo vùng đệm để cách ly, ngăn ngừa ô nhiễm, sâu bệnh từ bên ngoài, đảm bảo canh tác hiệu quả; chọn vị trí phù hợp để ủ phân, tự chế thuốc thảo mộc, dinh dưỡng bổ sung cho cây, làm nơi để dụng cụ, sơ chế đóng gói và dán tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm… Qua hơn 2 năm hoạt động, các sản phẩm rau, củ, quả đảm bảo tiêu chuẩn của nhóm cung cấp ra thị trường được người tiêu dùng tin tưởng, đón nhận. Từ kết quả đạt được, gia đình, cộng đồng ý thức, tích cực hơn trong tham gia sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm hữu cơ đảm bảo tiêu chuẩn PGS.
Đồng chí Nguyễn Thị Minh Anh, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện, Trưởng Ban điều phối PGS huyện Kim Bôi cho biết: Ban điều phối PGS huyện được thành lập tháng 1/2019 và đi vào vận hành với 1 Ban điều phối, 4 liên nhóm sản xuất tại các xã: Cuối Hạ, Nuông Dăm, Vĩnh Tiến, Bình Sơn. Dự án đang triển khai ở giữa giai đoạn 2 (giai đoạn 1 từ tháng 1/2016 - 12/2019; giai đoạn 2 từ tháng 1/2020 - 12/2022). Hiện, PGS huyện Kim Bôi vận hành với 17 nhóm sở thích. Trong đó, 10 nhóm sở thích trồng rau hữu cơ với tổng diện tích 3,5 ha, 6 nhóm sở thích chăn nuôi gà an toàn sinh học, 1 nhóm nuôi ong mật với 128 thành viên. Sản lượng ước tính mỗi năm của các nhóm sở thích khoảng 20 tấn rau, củ, quả, hạt chuyển đổi hữu cơ/hữu cơ, khoảng 5 tấn gà thịt, 10 nghìn quả trứng gà, 1.000 lít mật ong. Bên cạnh đó có sự tham gia của các nhóm sở thích thuộc các xóm tham gia dự án cũ trong giai đoạn 1 với các sản phẩm như: Cam, bưởi, thanh long, ổi, gà.
Tuy nhiên, theo đồng chí Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện, từ khi thành lập và đi vào vận hành, một số sản phẩm trong hệ thống như dưa chuột nếp địa phương được nhiều khách hàng biết đến, có phản hồi tích cực, một số đơn vị tiêu thụ đã làm việc lâu dài với các nhóm sở thích (như HTX Tân Lập Xanh, Cửa hàng Bác Tôm...), nhưng cũng có những sản phẩm khác trong hệ thống như: Gà thịt, trứng gà, mật ong... chưa được nhiều người biết đến. Hơn nữa, nhóm khách hàng và đơn vị tiêu thụ sản phẩm chủ yếu tại Hà Nội, trong khi ngay tại địa phương người dân chưa biết nhiều đến các sản phẩm của PGS Kim Bôi. Chính vì vậy, đầu tháng 4 vừa qua, Hội LHPN huyện đã phối hợp Trung tâm Hỗ trợ phát triển phụ nữ và trẻ em (DWC) tổ chức khai trương cửa hàng giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, an toàn PGS Kim Bôi, đặt tại khu Sào, thị trấn Bo. Cửa hàng trưng bày nhiều mặt hàng thực phẩm, dược liệu, lương thực… đạt tiêu chuẩn hữu cơ PGS, thực phẩm an toàn đến từ nhiều địa phương trong toàn huyện, đặc biệt là các sản phẩm của hội viên, phụ nữ tham gia dự án. Việc khai trương cửa hàng là hoạt động quảng bá mang tính lâu dài, bền vững các nông sản hữu cơ, nông sản an toàn trong hệ thống PGS Kim Bôi, nhận được những phản hồi tích cực từ người tiêu dùng.
Hồng Duyên
(HBĐT) - Huyện Lương Sơn có lợi thế về vị trí địa lý, là cửa ngõ phía Đông của tỉnh, trở thành cầu nối giữa đồng bằng sông Hồng với vùng Tây Bắc và là đô thị vệ tinh quan trọng của vùng Thủ đô Hà Nội. Cùng với đó, huyện có hệ thống giao thông thuận lợi với những tuyến huyết mạch chạy qua như: Quốc lộ 6, đường Hồ Chí Minh và gần với đường Hòa Lạc - TP Hòa Bình; nguồn tài nguyên đất đai, khoáng sản khá phong phú... Những tiềm năng, lợi thế này là yếu tố quan trọng để huyện đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển KT-XH nói chung, công nghiệp nói riêng.
(HBĐT) - Thời gian qua, do tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước, trong tỉnh diễn biến phức tạp, nhiều nơi phải thực hiện giãn cách xã hội, có nơi phải phong tỏa. Điều này ảnh hưởng lớn đến việc tiêu thụ nông sản, tác động trực tiếp đến đời sống, thu nhập của nông dân.
(HBĐT) - Trong thời gian qua, do tình hình dịch Covid-19 trong nước cũng như tại tỉnh ta diễn biến hết sức phức tạp. Một số tỉnh, thành phố giáp ranh như Hà Nội, Hà Nam, đặc biệt là 2 tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh có số ca mắc cao nhất cả nước, ảnh hưởng đến đời sống xã hội nói chung, nhất là khu vực nông thôn.
(HBĐT) - Vụ chiêm xuân năm 2021, với điều kiện thời tiết, khí hậu khá thuận lợi cho việc gieo trồng, chăm sóc các loại cây trồng, do đó, toàn huyện Yên Thủy gieo trồng được trên 7.400 ha cây trồng các loại, tăng 4,9 % so với kế hoạch, tăng 26,9% so với cùng kỳ, một số cây trồng chính: lúa 582 ha, khoai sọ gần 94 ha, bí xanh hơn 400 ha... Riêng diện tích cây bí xanh tăng gần gấp 2 lần so với diện tích năm 2018 (280 ha); năng suất ước đạt 170 tạ/ha, sản lượng trên 6.800 tấn.
(HBĐT) - Ngày 28/5, tại Hà Nội, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết sản xuất vụ đông xuân 2020 - 2021, triển khai kế hoạch sản xuất vụ hè thu, vụ mùa và định hướng vụ đông 2021 các tỉnh miền núi phía Bắc. Đồng chí Lê Quốc Doanh, thứ trưởng Bộ NN&PTNT chủ trì hội nghị. Tại điểm cầu tỉnh, dự hội nghị có đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành tỉnh.