(HBĐT) - Biến đổi khí hậu và đại dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) của khu vực kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX). Để vượt qua khó khăn, thách thức các tổ hợp tác (THT), HTX đã chủ động tìm kiếm giải pháp, liên kết với nhau để tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, các giải pháp mang tính chất thích nghi tạm thời, chưa đột phá, lâu dài.


Đến cuối tháng 5, bí xanh của xã Độc Lập (TP Hòa Bình) được HTX dịch vụ nông nghiệp Độc Lập thu mua hết, giá bán từ 2.000 - 2.500 đồng/kg.

Từ năm 2020 đến nay, đại dịch Covid-19 tác động lớn tới hoạt động SXKD của HTX, trong đó, HTX thuộc lĩnh vực du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, tiếp theo là HTX trong lĩnh vực vận tải; HTX nông nghiệp ít thiệt hại hơn so với các lĩnh vực khác.

Thời gian qua, Liên minh HTX tỉnh đã xây dựng kế hoạch, khảo sát tình hình SXKD của tất cả HTX nông nghiệp để chủ động tìm kiếm, mở rộng kênh tiêu thụ, giới thiệu doanh nghiệp (DN) tới ký hợp đồng tiêu thụ nông sản cho HTX. Anh Nguyễn Trung Kiên, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Độc Lập (TP Hòa Bình) chia sẻ: Đầu tháng 3/2021, Liên minh HTX tỉnh hỗ trợ HTX ký hợp đồng cung cấp bí xanh cho bếp ăn tại Hà Nội. Theo đó, HTX thực hiện thu mua bí xanh của bà con xã Độc Lập và xã Đú Sáng (Kim Bôi) với giá khoảng 2.000 - 2.500 đồng/kg, sau đó cung cấp cho DN đã ký hợp đồng. Đến cuối tháng 5, sản lượng bí xanh của người dân 2 xã Độc Lập,Đú Sáng cơ bản được tiêu thụ hết, chỉ còn những quả xấu, không đảm bảo chất lượng.

Theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh, từ khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh không bị ảnh hưởng lớn như các tỉnh thực hiện phong tỏa. Đến thời điểm hiện tại, nông sản vụ xuân của tỉnh cơ bản tiêu thụ hết. Những HTX nông nghiệp đã ký được hợp đồng cung cấp cho các siêu thị, hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch tiêu thụ ổn định như: Sản phẩm rau hữu cơ, chuối Viba, thịt dê của huyện Lương Sơn; nấm, gà của huyện Lạc Thủy…

Trong năm 2021, Liên minh HTX tỉnh dự kiến tổ chức 6 hoạt động đưa sản phẩm của những HTX có tiềm năng tiếp cận với một số DN chế biến; mời DN ở Hà Nội và các tỉnh lân cận đến thăm quan HTX để thu hút đầu tư của DN vào HTX; tổ chức 10 hội thảo chuyên đề gắn với sản phẩm chủ lực của tỉnh để thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ sản phẩm... Ngoài ra, Liên minh HTX tỉnh dự kiến mở một số điểm bán hàng tại các khu dân cư; đẩy mạnh bán hàng trên các kênh thương mại điện tử, mạng xã hội facebook, zalo... hướng tới giao hàng tận tay cho người tiêu dùng.

Đồng chí Trần An Định, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: Nhằm khắc phục câu chuyện "được mùa mất giá”, "giải cứu nông sản” cần xây dựng kế hoạch lâu dài, mang tính chiến lược để nâng cao năng lực thích ứng với dịch bệnh và biến đổi khí hậu đối với HTX. Liên minh HTX tỉnh rà soát, sắp xếp, tổ chức lại HTX; vận động kết nạp thêm hộ có vốn, đất sản xuất trở thành thành viên của HTX, hướng tới sản xuất có quy mô, sản lượng ổn định, đáp ứng được các hợp đồng, đơn hàng lớn. Hiện, HTX quy mô siêu nhỏ (dưới 50 thành viên) chiếm tới 97,7%. Vì vậy, không được ồ ạt thành lập HTX mà chú trọng thành lập HTX có quy mô, tiềm năng về đất đai, vốn phát triển. Bên cạnh đó, cần có cơ chế thu hút DN tham gia HTX nhằm khắc phục những khó khăn về năng lực tài chính, khả năng huy động vốn, tiếp cận công nghệ, đa dạng sản phẩm… của HTX.

Cùng với đó, để các HTX thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo chủ động phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh; xây dựng và tuyên truyền, phổ biến kịch bản biến đổi khí hậu, thiết lập bản đồ các dạng rủi ro thiên tai có chiến lược, kế hoạch ứng phó dài hạn. Song song với đó, các HTX, THT chủ động xây dựng, lựa chọn phương án SXKD, ứng dụng công nghệ thông tin, lựa chọn công nghệ sản xuất mới. Các HTX cần liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ, tạo thành chuỗi cung ứng, hình thành vùng sản xuất tập trung. Sản xuất theo tiêu chuẩn, quy trình an toàn dịch bệnh, tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ. Quan tâm phát triển các cơ sở sơ chế, chế biến để tăng giá trị sản phẩm.


Thu Thủy

Các tin khác


Huyện Lương Sơn: Hiệu quả bước đầu từ mô hình trồng cỏ ngọt

Được triển khai thực hiện tháng 9/2023 với quy mô diện tích khoảng 2ha tại xóm Trại Hòa, xã Cao Sơn (Lương Sơn), đến nay, mô hình trồng cây cỏ ngọt bước đầu cho thấy hiệu quả. Cây cỏ ngọt sinh trưởng, phát triển tốt, phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, được kỳ vọng là loại cây trồng giúp nhiều nông dân phát triển kinh tế hiệu quả.

Xây dựng thương hiệu gà Quyết Thắng

Là một trong những "thủ phủ” chăn nuôi gà ri lớn nhất của huyện Lạc Sơn, xã Quyết Thắng quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm xây dựng gà ri trở thành sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương, đưa chăn nuôi gà ri thành ngành kinh tế mũi nhọn, giúp người dân cải thiện thu nhập, giảm nghèo bền vững. Đồng thời giải quyết việc làm cho lao động địa phương, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Quý I, tổng Quỹ Hỗ trợ nông dân đạt trên 63,5 tỷ đồng

Trong quý I/2024, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh tích cực phối hợp với Hội Nông dân các huyện, thành phố tổ chức giải ngân vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân từ nguồn ngân sách của tỉnh cấp năm 2024.

3 tháng, thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.306 tỷ đồng

Theo số liệu báo cáo của UBND tỉnh, thu ngân sách Nhà nước của tỉnh ước thực hiện hết tháng 3/2024 đạt 1.306 tỷ đồng, bằng 32% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 23% so với chỉ tiêu Nghị quyết Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh và bằng 153% so với cùng kỳ.

Toàn tỉnh có gần 5 nghìn lồng nuôi cá

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, tình hình sản xuất thủy sản trong tỉnh ổn định. Hiện toàn tỉnh có diện tích nuôi cá ao, nuôi cá ruộng là 2.695 ha (nuôi kết hợp ở các hồ thủy lợi 1,2 nghìn ha); số lồng nuôi cá có 4.987 lồng. Trong 3 tháng đầu năm 2024, sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 2.472 tấn; các cơ sở sản xuất được 9 triệu con cá giống các loại phục vụ cho sản xuất.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục