(HBĐT) - Sau hơn 2 năm triển khai, mô hình trồng cây dược liệu tại xã Yên Hòa đã đem lại những hiệu quả kinh tế thiết thực. Đây là mô hình có nhiều triển vọng được huyện Đà Bắc chú trọng nhân rộng trong thời gian tới.


Mô hình trồng cây dược liệu hữu cơ tại xã Yên Hòa (Đà Bắc) bước đầu đem lại hiệu quả thiết thực.

Với địa hình chủ yếu là đồi núi, khí hậu mát mẻ nên huyện Đà Bắc có nhiều tiềm năng về phát triển các loại cây dược liệu. Thấy được những tiềm năng đó, năm 2019, anh Lê Văn Nhân, quản lý sản xuất Hợp tác xã (HTX) dược liệu Big Farm đã quyết định lên xã Yên Hòa thuê đất để trồng cây dược liệu. Anh Nhân chia sẻ: Những ngày đầu lên đây, chúng tôi phải mất nhiều thời gian để thuyết phục bà con cho thuê đất trồng cây. Cây dược liệu không giống cây lương thực, nếu không bán được thì không thể để dành ăn dần. Vì lo ngại việc trồng cây sẽ thất bại, hầu hết người dân không mấy mặn mà khi chúng tôi đặt vấn đề thuê đất. Tuy nhiên, sau nhiều lần thuyết phục, đến tháng 5/2020, chúng tôi đã thuê được diện tích đất đồi và bắt đầu trồng 5 ha cây dược liệu. Ban đầu, chủ yếu trồng các loại cây như: Sâm đại hành, cà gai leo, đương quy, hà thủ ô, cát sâm, đan sâm. Lấy ngắn nuôi dài, chúng tôi trồng thêm một số loại cây thảo dược thương mại để chế biến thành các loại trà hoa, trà thảo mộc bán trực tiếp đến người tiêu dùng.

Thấy được hiệu quả kinh tế thiết thực từ trồng cây dược liệu mang lại, đến nay, bà con xã Yên Hòa đã tạo điều kiện cho HTX thuê đất với tổng diện tích trên 11 ha để mở rộng vùng trồng và sản xuất. HTX cũng tạo công việc thường xuyên cho 14 lao động địa phương, thu nhập bình quân từ 5 - 6 triệu đồng/ người/tháng. Theo anh Nhân, đến nay, vườn dược liệu của HTX đã có hơn 20 loại thảo dược. Trong đó có nhiều loại thảo dược quý hiếm như: Thất diệp nhất chi hoa, cát cánh, kim ngân. Xác định muốn phát triển nông nghiệp bền vững phải sản xuất theo hướng hữu cơ, ngay từ đầu HTX đã canh tác vườn dược liệu hoàn toàn không sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật. Thay vào đó, chỉ dùng phân bón hữu cơ và các loại thuốc thảo mộc để phòng ngừa, trị sâu, nấm bệnh cho cây. Hiện nay, phần lớn sản phẩm sau thu hoạch được các doanh nghiệp, cơ sở bào chế dược phẩm thu mua làm thuốc. Bên cạnh đó, HTX còn chế biến 2 sản phẩm từ thảo dược trồng tại địa phương là cao giải rượu và cao giải độc gan bán trực tiếp đến người tiêu dùng.

Đồng chí Lường Văn Xứng, Chủ tịch UBND xã Yên Hòa cho biết: Trồng cây dược liệu phù hợp điều kiện đất đai ở địa phương. Ngoài diện tích đất bà con đã cho HTX thuê, xã còn có nhiều tiềm năng để mở rộng diện tích trồng cây dược liệu. Đồng chí Chủ tịch UBND xã khẳng định, cấp ủy Đảng, chính quyền xã luôn ủng hộ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp đến đầu tư mô hình mới để thúc đẩy phát triển KT-XH. Tuy nhiên, chính quyền và người dân sở tại mong muốn doanh nghiệp quan tâm về an sinh xã hội, tạo nhiều việc làm hơn nữa cho người dân trên địa bàn xã. Cùng với đó là chế biến, xây dựng sản phẩm có thương hiệu tại địa phương để tạo hiệu quả kinh tế bền vững, lâu dài.

Đánh giá về mô hình trồng cây dược liệu hữu cơ, đồng chí Bàn Kim Quy, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Đây là hướng đi mới mà huyện Đà Bắc chỉ đạo, vận động doanh nghiệp, Nhân dân tiếp tục phối hợp, mở rộng diện tích canh tác để tạo việc làm cho lao động địa phương, Thời gian tới, huyện tiếp tục mở rộng các vùng chuyên canh trồng cây dược liệu hữu cơ chất lượng cao, mục tiêu đến năm 2025 sẽ đạt từ 25 - 30 ha. Để làm được điều đó, huyện sẽ xây dựng cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực của các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển vùng cây dược liệu và công nghệ chế biến dược liệu, khuyến khích phát triển các loại cây dược liệu có nguồn gốc bản địa.


Viết Đào


Các tin khác


Huyện Lạc Sơn: Sẵn sàng các điều kiện sản xuất vụ mùa, hè thu

(HBĐT) -  Vụ mùa, hè thu là vụ sản xuất có điều kiện thuận lợi để phát triển đa dạng cây trồng, là vụ có diện tích gieo cấy lớn nhất, làm tăng diện tích, sản lượng cây trồng và tổng giá trị sản xuất cả năm. Do đó, để thực hiện thắng lợi kế hoạch sản xuất cả năm, huyện Lạc Sơn đã chủ động xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các địa phương chuẩn bị điều kiện tốt nhất để bước vào sản xuất vụ mùa, hè thu; mở rộng diện tích các loại cây trồng, không để đất trống; chỉ đạo chăm sóc, thâm canh cây trồng…

Đẩy nhanh tiến độ thu ngân sách từ tiền sử dụng đất

(HBĐT) - Năm 2021, dự toán thu ngân sách Nhà nước (NSNN) của tỉnh được Chính phủ giao 4.358,4 tỷ đồng, HĐND tỉnh giao 5.070 tỷ đồng. Trong đó, riêng thu tiền sử dụng đất (SDĐ) Chính phủ giao 1.500 tỷ đồng, HĐND tỉnh giao 1.700 tỷ đồng. Đây là số giao khá lớn, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, khẩn trương với quyết tâm rất cao của các sở, ngành liên quan, các huyện, thành phố mới có thể đạt được kế hoạch đề ra.

Bắc Giang: Chạy đua nước rút để khôi phục sản xuất

Những ngày qua có thể nói là cả hệ thống chính trị và DN, người lao động đều chạy đua nước rút, mỗi người đều làm việc gấp 5 gấp 10 trước đó để sớm khôi phục lại hoạt động sản xuất, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang chia sẻ. Đến hết 23/6, tỉnh đã thẩm định và chấp thuận cho 168 doanh nghiệp (DN) với 24.207 lao động được phép hoạt động trở lại.

Sản lượng cá thu hoạch ước đạt 3,88 nghìn tấn

(HBĐT) - Từ đầu năm đến nay, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh phát triển nuôi cá lồng trên các thủy vực lớn, nuôi thủy đặc sản trên diện tích ao hồ. Hiện, toàn tỉnh có 2,7 nghìn ha diện tích mặt nước, trên 4,7 nghìn lồng nuôi cá và có 33 trang trại, HTX nuôi trồng thủy sản. Trong tháng 5, sản lượng cá thu hoạch đạt 958 tấn, trong đó, sản lượng cá khai thác 150 tấn, sản lượng cá nuôi 808 tấn.

Huyện Lương Sơn phát triển và nâng hạng sản phẩm OCOP

(HBĐT) - Đến thời điểm hiện tại, huyện Lương Sơn có 8 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh, gồm: Thịt gà thả vườn Thuận Phát, bưởi diễn Tân Thành, chuối Viba, mật ong Lâm Sơn, thịt dê núi Lương Sơn, trứng vịt Hùng Tiến, ổi lê Mỹ Tân và bưởi diễn Mỹ Tân. Đây là tiền đề quan trọng, tạo động lực để huyện tiếp tục xây dựng, phát triển và nâng hạng cho sản phẩm OCOP.

Thị trấn Bo trước cơ hội mới

(HBĐT) - Thực hiện Nghị quyết số 830 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thị trấn Bo (Kim Bôi) được mở rộng trên cơ sở nhập toàn bộ dân số, diện tích 2 xã Kim Bình và Hạ Bì. Diện tích thị trấn từ 6,2 ha tăng lên 13,27 km2, dân số từ 3.000 người tăng gấp 5 lần, hiện khoảng 1,5 vạn người. Toàn thị trấn mới có 16 khu dân cư, 25 chi bộ với xấp xỉ 1.000 đảng viên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục