Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), bảy tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cả nước ước đạt 28,6 tỷ USD, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, chỉ tính riêng tháng 7/2021 thì kim ngạch xuất khẩu ước đạt 4,2 tỷ USD, giảm 9,5% so với tháng 6/2021. Dịch Covid-19 xuất hiện và lan rộng tại nhiều tỉnh, thành phố trọng điểm nông nghiệp từ đầu tháng 7 đang đặt ra thách thức lớn cho tăng trưởng những tháng cuối năm.


Chế biến thủy sản xuất khẩu tại Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Thủy sản Cần Thơ (Cần Thơ). Ảnh: QUỐC TUẤN

Khó khăn chồng chất

Ông Nguyễn Đình Tùng - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Vina T&T cho biết: Công ty hiện đang xuất khẩu trái cây như: dừa, sầu riêng, nhãn, thanh long, xoài… vào các thị trường Mỹ, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc. Sáu tháng đầu năm 2021, giá trị xuất khẩu của công ty tăng trưởng 15% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại các tỉnh, thành phố phía nam thì tình hình đã đảo chiều. "Giá container xuất khẩu đi Mỹ ngày một tăng phi mã, hiện đã tăng gấp nhiều lần so với trước dịch, từ 1.800 USD/container, lên tới 9.600 USD đến 17.000 USD/container tùy địa điểm đến trên nước Mỹ. Cộng thêm một nguy cơ khác đang hiện hữu là các hãng tàu hạn chế và có hãng đã không nhận vận chuyển hàng lạnh, hàng rau quả. Lý do là giá vận chuyển hàng lạnh ngang bằng hàng khô nhưng độ rủi ro cao hơn rất nhiều trong điều kiện dịch Covid-19. Điều này sẽ gây thiệt hại nặng nề cho những doanh nghiệp xuất khẩu đồ tươi như trái cây. Chưa kể tại các vùng nguyên liệu, người dân sản xuất cũng rất hoang mang vì không biết dịch bệnh sẽ kéo dài bao lâu, sản phẩm có tiêu thụ được không, nên nhiều hộ không mặn mà chăm sóc cây trồng, dẫn đến nguy cơ thiếu hụt nguồn nguyên liệu chất lượng phục vụ cho xuất khẩu. Khó khăn đang thi nhau "đổ bộ” vào doanh nghiệp nông nghiệp” - ông Tùng lo lắng nói.

Trong khi đó, Covid-19 cũng đã hãm đà tăng trưởng của xuất khẩu thủy sản, khiến kim ngạch xuất khẩu thủy sản tháng 7/2021 chỉ đạt 763 triệu USD, giảm 4% so với cùng kỳ năm 2020. Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Trương Đình Hòe: Với việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg tại 19 tỉnh, thành phố phía nam, hầu hết các địa phương đã yêu cầu các doanh nghiệp chỉ được duy trì hoạt động theo phương án "ba tại chỗ” để phòng, chống dịch bệnh lây lan vào các nhà máy, khu công nghiệp. Tuy nhiên, thực tế chỉ có khoảng 30% các doanh nghiệp thủy sản bảo đảm được điều kiện này. Với những nhà máy thực hiện được, thì số lượng công nhân có thể huy động cũng chỉ 30 - 50%; công suất sản xuất trung bình giảm còn 40 - 50% so với trước đây. Dự tính công suất chung của cả vùng giảm chỉ còn 30 - 40%. Chính vì vậy, xuất khẩu thủy sản đang đứng trước nguy cơ vừa thiếu hụt nguồn nguyên liệu, nhân công sản xuất, vừa không đáp ứng được đủ số lượng các đơn hàng đã ký kết.

Bên cạnh đó, mặt hàng gạo bảy tháng đầu năm 2021 cũng ghi nhận sự sụt giảm khi đạt gần 3,6 triệu tấn, trị giá 1,937 tỷ USD, giảm 10,6% về lượng và giảm 0,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Đẩy mạnh sản xuất phục vụ xuất khẩu

Thứ trưởng NN và PTNT Trần Thanh Nam cho biết: Bộ NN và PTNT đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, đề nghị Chính phủ chỉ đạo 19 tỉnh, thành phố phía nam ưu tiên tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho 100% lực lượng công nhân các nhà máy chế biến nông, thủy sản, chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm đang thực hiện "ba tại chỗ” và các cơ sở sản xuất liên kết với nhà máy thực hiện theo chuỗi giá trị. Qua khảo sát một số nhà máy, lượng công nhân duy trì sản xuất đông nhưng mới chỉ tiêm vắc-xin khoảng 30 - 40%, nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao. Trong khi đó, đây là lực lượng lao động trực tiếp bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm lâu dài cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Ngoài ra, Bộ NN và PTNT đề xuất triển khai chương trình mở rộng hạn ngạch cho vay để thu mua nông sản và vật tư phục vụ nông nghiệp theo những lĩnh vực ưu tiên đối với các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm đủ năng lực. Cụ thể, gia hạn các khoản vay ngắn hạn để các doanh nghiệp có đủ thời gian chuẩn bị dòng tiền trả nợ, đáo hạn các khoản vay dài hạn, nới rộng hạn mức cho vay và điều chỉnh lãi suất cho vay tạm trữ. Đồng thời cũng đề nghị Chính phủ hỗ trợ giá điện sản xuất cho các doanh nghiệp chế biến nông, thủy sản để tăng cường thu mua sản phẩm bảo quản đông lạnh.


Tuyển lựa và sơ chế dứa tại nhà máy của Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco), tỉnh Ninh Bình.  Ảnh: KHƯƠNG LỰC

Có thể thấy, sản xuất nông nghiệp ở các tỉnh Nam Bộ hiện đang gặp rất nhiều khó khăn bởi dịch Covid-19. Dự kiến những tháng cuối năm 2021 nguồn cung nông sản, thực phẩm phục vụ xuất khẩu sẽ giảm mạnh do nhiều vùng nguyên liệu bị phong tỏa do giãn cách, việc thu hoạch và sản xuất bị ảnh hưởng. Tình trạng cây trồng không được chăm sóc, thiếu vật tư nông nghiệp, tâm lý người trồng không tốt dẫn đến thiếu sản phẩm có chất lượng cao để xuất khẩu sẽ còn tiếp tục xảy ra. Theo đó, xuất khẩu rau củ quả những tháng cuối năm có thể sẽ giảm khoảng 30%. Đối với thủy sản, VASEP cũng nhận định: Trong điều kiện tốt nhất, khi dịch lắng xuống và kiểm soát được dịch bệnh sau ba tháng nữa, thì xuất khẩu thủy sản năm 2021 có thể đạt mục tiêu 9 tỷ USD. Trong tình hình xấu hơn, dịch bệnh tiếp tục kéo dài và Trung Quốc tăng cường kiểm soát thủy sản đông lạnh nhập khẩu từ các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, thì xuất khẩu thủy sản chỉ có thể đạt tối đa khoảng 8,8 tỷ USD. Tình hình sản xuất thủy sản các tháng cuối năm đang phụ thuộc nhiều vào công suất hoạt động của các nhà máy chế biến. Gian nan là vậy, nhưng Thứ trưởng NN và PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh: Thời gian từ nay đến cuối năm 2021, ngành nông nghiệp phải vừa bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19 nhưng cũng phải duy trì và phục hồi sản xuất nông nghiệp, tránh làm đứt gãy các chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm, bảo đảm phục vụ nhu cầu trong nước và một lượng hàng lớn phục vụ xuất khẩu nhằm giữ vững đà tăng trưởng toàn ngành.


Theo Báo Nhân Dân


Các tin khác


Hướng phát triển kinh tế bền vững của phụ nữ huyện Lương Sơn

(HBĐT) - Sản xuất sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn theo nhóm liên kết chuỗi an toàn thực phẩm (ATTP) - hướng phát triển kinh tế bền vững của phụ nữ huyện Lương Sơn trong những năm gần đây là một trong những hoạt động cụ thể, thiết thực của Hội LHPN huyện trong việc cụ thể hóa các phong trào thi đua sáng tạo khởi nghiệp, phát triển kinh tế. Qua đó, chị em đã thay đổi tư duy, cách làm, phát huy khả năng sáng tạo trong lao động, sản xuất, vươn lên làm giàu chính đáng.

Thay đổi mô hình vận hành doanh nghiệp từ việc áp dụng các nền tảng

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhiều chủ doanh nghiệp đang tìm kiếm mô hình hoạt động cho đơn vị mình, theo hướng có khả năng làm việc tại nhiều nơi cho hiệu quả, nhằm bảo đảm không bị gián đoạn hoạt động kinh doanh.

Nông nghiệp cần những giải pháp cấp bách trong đại dịch

Chuỗi cung ứng bị đứt gãy khiến nhiều vùng nông sản không thể tiêu thụ hết do khó khăn trong vận chuyển đến các địa phương khác; xuất khẩu cũng bị cản trở khi chi phí logistics tăng cao, thiếu container, các thị trường siết chặt các tiêu chuẩn nhập khẩu khiến hàng hóa ùn tắc tại cảng… Ngành nông nghiệp đang gặp phải khó khăn kép.

Kiến nghị giãn thời gian trả nợ và không bị phạt chậm nợ đến tháng 6/2022

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong tháng 7/2021, VCCI đã tập hợp, phân loại và gửi 29 kiến nghị mới của các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp tới các bộ, ngành, địa phương.

Huyện Lạc Thủy nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp

(HBĐT) - Theo thống kê của Ban chỉ đạo (BCĐ) phát triển kinh tế tập thể (KTTT) huyện Lạc Thủy, toàn huyện hiện có 51 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp. Thời gian qua, HTX nông nghiệp có vai trò quan trọng thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) và thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Các HTX tích cực liên kết, hợp tác trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa người dân - HTX - doanh nghiệp. Đồng thời, mạnh dạn ứng dụng KH-KT để giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng, giá bán của các loại nông sản. Song, hoạt động của HTX nông nghiệp còn nhiều hạn chế cần tháo gỡ.

Bàn giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

(HBĐT) - Ngày 5/8, Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) tỉnh và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Hòa Bình có buổi làm việc bàn giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục