(HBĐT) - Thời điểm này, một số nông sản chủ lực của tỉnh bước vào vụ thu hoạch. Để nông sản được tiêu thụ nhanh, đúng thời điểm, đảm bảo sản lượng, chất lượng và giá cả, ngành NN&PTNT đang nỗ lực hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, tư thương trong và ngoài tỉnh tham gia liên kết tiêu thụ nông sản (TTNS) phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch (PCD) Covid-19.
Tại xã Đồng Tâm (Lạc Thủy), na dai đã bước vào vụ thu hoạch cách đây 2 tuần. Thời điểm đầu vụ, na được bán với giá 60.000 đồng/kg, tuy nhiên, đến ngày 30/7, do diễn biến dịch Covid-19 căng thẳng trở lại, tỉnh Hà Nam lập chốt kiểm soát dịch ở khu vực đỉnh dốc Bòng Bong, việc lưu thông bị hạn chế. Do đó, sức mua giảm, giá na "xuống dốc" chỉ còn 25.000 đồng/kg và chỉ có thể tiêu thụ thị trường trong huyện, tỉnh.
Trước tình hình đó, UBND huyện Lạc Thủy đã ban hành 3 văn bản chỉ đạo về việc vận chuyển hàng hóa thiết yếu nhằm tạo điều kiện thông thoáng cho người dân, tiểu thương trong và ngoài tỉnh, huyện để kết nối, vận chuyển TTNS, đảm bảo tuân thủ các yêu cầu PCD. Đồng chí Hoàng Đình Chính, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết: Hiện, toàn huyện có 25 ha na đang trong thời kỳ thu hoạch, sản lượng 250 tấn. Dự kiến đến giữa tháng 8 là kết thúc thu hoạch, vì vậy cần gấp rút triển khai các hoạt động, giải pháp thúc đẩy tiêu thụ để chất lượng quả không bị ảnh hưởng. Phòng NN&NTNT huyện đã đăng ký với Sở Công Thương hỗ trợ tiêu thụ na với số lượng 120 tấn/15 ngày, đang chờ được Sở phê duyệt.
Thời điểm này, nông dân xã Xuân Thủy (Kim Bôi) bắt đầu thu hoạch nhãn. Cũng do ảnh hưởng của dịch bệnh nên sức mua giảm so với năm trước, nhưng không xảy ra tình trạng ùn ứ và thiếu thị trường tiêu thụ, giá bán hiện tại dao động từ 8.000 - 13.000 đồng/kg. Đồng chí Bùi Văn Tú, Chủ tịch UBND xã cho biết: Toàn xã hiện có khoảng 120 ha nhãn đang cho thu hoạch, sản lượng đạt 90 tạ/ha. Dự kiến từ giữa tháng 8 là thời gian thu hoạch rộ, do đó, để chủ động hỗ trợ nông dân tiêu thụ nhãn đúng thời điểm, xã đã báo cáo tình hình, sản lượng dự kiến khi thu hoạch với UBND huyện để có giải pháp tiêu thụ nhanh, hiệu quả. Sau khi nắm được tình hình, Hội Nông dân (HND) huyện, các cơ quan, đoàn thể huyện đã phát động, kêu gọi tới toàn thể cán bộ, người lao động đăng ký mua nhãn vừa để ủng hộ người dân trong các khu cách ly, cán bộ tuyến đầu PCD, vừa hỗ trợ nông dân Xuân Thủy TTNS kịp thời. UBND huyện cũng tạo điều kiện để tư thương từ tỉnh Hưng Yên lưu thông thuận lợi qua địa bàn để thu mua nhãn, những diện tích chưa thu hoạch đã được các tư thương đặt hàng để sản xuất nhãn sấy. Vì vậy, tình hình tiêu thụ nhãn ở Xuân Thủy cơ bản ổn định.
Đồng chí Bùi Đức Biên, Phó Chủ tịch HND tỉnh cho biết: Tiếp nối chương trình hỗ trợ nông dân TTNS trong mùa dịch, HND tỉnh tiếp tục khảo sát tình hình thực tế tại một số địa phương để kịp thời hỗ trợ nông dân TTNS sau thu hoạch. Hiện tại, chưa có địa phương nào đăng ký với HND tỉnh cần hỗ trợ TTNS. Hội đã chỉ đạo các huyện, thành phố chủ động rà soát tình hình thu hoạch, TTNS tại địa phương, chủ động đăng ký với HND tỉnh, Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh để có phương án tiêu thụ sớm nhằm đảm bảo chất lượng, giảm thiệt hại về kinh tế cho nông dân.
Theo đề nghị của Giám đốc Sở NN&PTNT tại Tờ trình số 519/TTr-SNN, ngày 16/7/2021, UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định số 1536/QĐ-UBND về việc phê duyệt phương án và kế hoạch TTNS chủ lực của tỉnh trong tình hình dịch Covid-19. Theo đó, tỉnh tập trung vào hỗ trợ thu hoạch, tiêu thụ các loại nông sản, gồm: nhãn, chuối, rau, cây ăn quả có múi, nhóm sản phẩm từ động vật trên cạn (trâu, bò, lợn, dê, trứng, gia cầm), nhóm sản phẩm thủy sản. Bên cạnh đó, tăng cường các hoạt động trao đổi, làm việc với các đối tác tiêu thụ lớn nhằm kết nối, thúc đẩy cam kết thu mua nông sản của tỉnh; hỗ trợ hoạt động thu mua, bao tiêu sản phẩm nông sản; tổ chức tốt các hoạt động quảng bá, chương trình kết nối cung - cầu; triển khai hiệu quả kênh quảng cáo, chào bán sản phẩm nông sản của tỉnh trên một số trang web, sàn thương mại điện tử...
Cũng theo kế hoạch, tỉnh yêu cầu phát huy vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo các sở, ngành, các huyện, thành phố trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất, mua bán, vận chuyển nông sản hàng hóa, đảm bảo an toàn trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Thu Hằng