Các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp... tham gia trồng cây tại lễ phát động hưởng ứng chương trình "Trồng 1 tỷ cây xanh - Vì một Việt Nam xanh" tại phường Trung Minh (TP Hòa Bình) ngày 1/4/2021.
Những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và ngành nông nghiệp, các địa phương đã khai thác tiềm năng, thế mạnh để rừng ngày càng được bảo vệ, phát triển tốt hơn. Thông qua việc hướng dẫn, tuyên truyền quản lý, sử dụng giống cây đảm bảo chất lượng, áp dụng các biện pháp thâm canh và kéo dài chu kỳ kinh doanh rừng nên năng suất, chất lượng rừng ngày một tăng. Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm, giai đoạn 2017 - 2020, toàn tỉnh chuyển hóa được trên 252 ha rừng gỗ nhỏ sang kinh doanh rừng gỗ lớn. Tỷ lệ giống cây được kiểm soát nguồn gốc trước khi trồng đạt trên 80%; năng suất rừng trồng từ 11 m3/ha/năm (năm 2017) tăng lên 14 m3/ha/năm (năm 2020). Hiện tượng khai thác rừng non giảm dần, tư duy phát triển sản xuất, kinh doanh rừng gỗ lớn dần hình thành; mô hình trồng rừng thâm canh được mở rộng. Việc áp dụng mô hình trồng rừng gỗ lớn có nhiều ưu điểm vượt trội, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ước tính sau chu kỳ 10 - 12 năm, thu nhập bình quân đạt 130 - 200 triệu đồng/ha, thu nhập tăng gấp 3 lần so với rừng trồng kinh doanh gỗ nhỏ.
Ông Bùi Văn Dành, xóm Bin, xã Tử Nê (Tân Lạc) chia sẻ: Cả cuộc đời tôi gắn bó với rừng, là phao cứu sinh cho gia đình tôi. Sau 1 chu kỳ, thu nhập từ trồng rừng đạt từ 65 - 70 triệu đồng/ha. Trồng rừng không cần nhiều vốn, công chăm sóc ít, kỹ thuật đơn giản, chỉ cần lựa chọn được giống đảm bảo chất lượng, làm cỏ, bón phân đúng thời điểm. Nhờ trồng rừng cuộc sống của gia đình tôi khá giả, no ấm. Từ năm 2016, khi được tham gia dự án "Xây dựng và phát triển mô hình áp dụng đồng bộ các kỹ thuật từ trồng rừng gỗ lớn mọc nhanh” đã giúp tôi cùng các thành viên trong gia đình có thêm nhiều kiến thức, kỹ thuật trong trồng rừng. Qua 5 năm, nhờ chăm sóc, bón phân đúng kỹ thuật 1,8 ha rừng sản xuất, kinh doanh gỗ lớn của gia đình phát triển tốt, ít sâu bệnh. So với giống keo giâm bằng hom thì keo nuôi cấy mô sinh trưởng nhanh gấp 1,5 - 2 lần.
Không chỉ thay đổi tư duy, mạnh dạn chuyển đổi từ rừng kinh doanh gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn, nông dân nhiều địa phương trong tỉnh đã tận dụng bóng mát của tán rừng để nuôi gà, nuôi ong lấy mật. Nổi bật tại xã Đồng Tâm (Lạc Thủy), bà con chú trọng phát triển mô hình sản xuất nông - lâm kết hợp, tận dụng bóng mát của rừng kết hợp nuôi gà thả đồi quy mô lớn, không ô nhiễm môi trường, tránh được dịch bệnh, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tiêu biểu như gia đình anh Nguyễn Văn Hoạt, thôn Đồng Nội - một trong những hộ tiên phong với mô hình trồng rừng kết hợp chăn nuôi gà dưới tán rừng. Với diện tích đồi keo rộng khoảng 1,5 ha, anh Hoạt quy hoạch một khu chăn nuôi với hệ thống chuồng trại khoa học đảm bảo nuôi khoảng 7.000 - 8.000 con gà/lứa.
Song song với phát triển rừng sản xuất, tỉnh quan tâm rà soát, điều chỉnh bổ sung, lập mới các quy hoạch khu, điểm du lịch gắn với bảo tồn rừng và bảo vệ môi trường như: Quy hoạch chung xây dựng khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình đến năm 2035; quy hoạch phát triển du lịch cộng đồng tại xóm Mừng - xã Hợp Phong, xóm Rớm Khánh - xã Thạch Yên, xóm Tiện - xã Thung Nai của huyện Cao Phong; quy hoạch khu sinh khái thác Mu - xã Tự Do (Lạc Sơn)…
Với mục tiêu nâng cao giá trị sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững rừng trồng trên cơ sở hình thành chuỗi liên kết từ trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng ngành lâm nghiệp, khả năng cạnh tranh của sản phẩm và phát triển bền vững, tạo thêm nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, duy trì độ che phủ rừng hàng năm trên 50%; có 3.000 ha rừng trồng gỗ nhỏ được chuyển hóa sang rừng trồng kinh doanh gỗ lớn; 6.000 ha trồng mới, thâm canh và trồng rừng gỗ lớn bằng cây giống chất lượng cao. 50% diện tích rừng sản xuất là rừng trồng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC). Năng suất rừng trồng tăng lên 1,3 lần; sản lượng gỗ đạt trung bình 150 m3/ha/chu kỳ gỗ lớn; giá trị thu được bình quân mỗi năm trên 1 ha đất rừng trồng sản xuất tăng gấp 2,5 lần. Lâm nghiệp đóng góp 16% tỷ trọng ngành nông, lâm, thủy sản.