(HBĐT) - Từ khi đường Hòa Lạc - Hòa Bình đưa vào khai thác (năm 2018) đến nay đã tạo hiệu ứng tích cực thu hút đầu tư vào địa bàn. Để đáp ứng yêu cầu phát triển, thu hút đầu tư trong giai đoạn tới, Hòa Bình đang đề xuất với các bộ, ngành T.Ư ban hành cơ chế đầu tư mở rộng tuyến đường nhằm mở ra cơ hội giúp tỉnh đẩy mạnh thu hút đầu tư, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.


Đường Hòa Lạc - Hòa Bình đưa vào sử dụng góp phần thúc đẩy thu hút đầu tư vào tỉnh.

Tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình thuộc dự án đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc - Hòa Bình và cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình đã được đưa vào khai thác, sử dụng từ ngày 10/10/2018. Tuyến đường có chiều dài khoảng 25,7 km theo quy mô đường cấp III - đồng bằng với 2 làn xe cơ giới, chiều rộng nền đường 12 m, chiều rộng mặt đường 11 m. Từ khi đưa vào khai thác đã tạo ra sức nóng thu hút đầu tư vào địa bàn tỉnh. Đến nay, tổng số dự án đầu tư ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh là 594 dự án (có 41 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài), với tổng vốn đăng ký khoảng 100.962 tỷ đồng. Trong đó, một loạt các dự án đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng do các nhà đầu tư có kinh nghiệm, năng lực, uy tín như các tập đoàn: Vingroup, Sun Group, FLC, T&T, TH, Hòa Phát, BRG, Công ty CP đầu tư Infinity Group... đã, đang được triển khai trên địa bàn tỉnh. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII xác định: Phát triển đồng bộ kết cầu hạ tầng là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng, xuyên suốt của nhiệm kỳ để tạo các bước đột phá thúc đẩy phát triển KT-XH, đưa tỉnh ngày càng phát triển. Tỉnh đang tập trung thực hiện những khâu đột phá chiến lược là quy hoạch, cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển kết cấu hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đối với hạ tầng ưu tiên đầu tư mở rộng đường Hòa Lạc - Hòa Bình, nắm bắt các cơ hội phát triển trong những năm tới.

Để thực hiện mục tiêu nghị quyết, ngày 1/9/2021, UBND tỉnh có Tờ trình số 163/TTr-UBND đề xuất với Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư mở rộng đường Hòa Lạc - Hòa Bình theo phương thức PPP, với cơ chế đặc thù được sử dụng phần vốn góp từ ngân sách Nhà nước chiếm hơn 50% tổng mức đầu tư dự án (tối đa 70%). Theo UBND tỉnh, nhằm tăng tính khả thi của phương án tài chính, đảm bảo hiệu quả đầu tư của dự án, tuyến đường sẽ được thiết kế xây dựng 6 làn xe (có dự trữ quỹ đất 2 bên đường để xây dựng hệ thống đường bên quy mô 4 làn xe (mỗi bên 2 làn) và xây dựng đường sắt liên vùng trong tương lai, chiều rộng dự trữ 40 - 70 m), với chiều rộng nền đường hoàn thiện khoảng từ 80 - 110 m. Tổng mức đầu tư mở rộng tuyến đường dự kiến 8.168,544 tỷ đồng (đã bao gồm lãi vay 392,248 tỷ đồng). Trong giai đoạn 2021 - 2025, thực hiện đầu tư tuyến đường với quy mô 6 làn xe (tận dụng tối đa 2 làn xe hiện tại) và giải phóng mặt bằng toàn bộ phạm vi đầu tư của dự án, tạo điều kiện hoàn thiện các hạng mục còn lại trong tương lai. Việc giải phóng mặt bằng thực hiện 1 lần với tổng diện tích dự kiến khoảng 303 ha, trong đó, địa phận Hà Nội 90 ha, địa phận Hòa Bình khoảng 213 ha.

Việc đầu tư xây dựng mở rộng tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình trong giai đoạn 2021 - 2025 nhằm từng bướcđồng bộ hệ thống tuyến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên, kết nối Thủ đô với các tỉnh Tây Bắc. Theo UBND tỉnh, số lượng phương tiện từ các tỉnh Tây Bắc qua Hòa Bình đi Hà Nội và ngược lại trên tuyến QL6 và đường Hòa Lạc - Hòa Bình tăng cao qua từng năm. Trong vòng 5 năm tới, khi các dự án đầu tư trên địa bàn được hoàn thành, lưu lượng xe sẽ gia tăng đột biến, làm gia tăng áp lực vận tải, trong đó, ảnh hưởng lớn nhất là tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình, tuyến trục chính kết nối tỉnh Hòa Bình nói riêng và vùng Tây Bắc nói chung với Thủ đô Hà Nội. Dự báo tổng lưu lượng xe trên tuyến Hòa Lạc - Hòa Bình đến năm 2025 đạt 12.818 xe/ngày đêm, đến năm 2030 đạt 19.510 xe/ngày đêm, đến năm 2050 đạt 53.118 xe/ngày đêm.

Khi đề xuất được chấp thuận cho triển khai sẽ mở ra cơ hội rất lớn cho tỉnh Hòa Bình thu hút đầu tư, khai thác các tiềm năng, lợi thế của vùng Thủ đô, phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu NQĐH Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, phát triển kinh tế nhanh, bền vững.


Lê Chung

Các tin khác


Xã Đa Phúc cán đích nông thôn mới

Nhờ phát huy sức mạnh cộng đồng, sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ Trung ương và địa phương, cùng với quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, cuối năm 2023, xã Đa Phúc, huyện Yên Thủy được Chủ tịch UBND tỉnh ra Quyết định số 3064/QĐ-UBND, ngày 29/12/2023 công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Từ một xã vùng đặc biệt khó khăn của huyện, Đa Phúc như được khoác lên mình chiếc áo mới, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nâng lên, diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới và khởi sắc.

Giá xăng tăng hơn 400 đồng/lít

Liên bộ Công Thương - Tài chính vừa điều chỉnh giá xăng dầu từ 15h chiều nay 17/4.

Kiểm tra tiến độ xây dựng nông thôn mới tại huyện Kim Bôi

Ngày 17/4, đoàn công tác của UBND tỉnh do đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã kiểm tra tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn huyện Kim Bôi. 

UBND tỉnh làm việc với phái đoàn Nghị sĩ Pháp và AFD tại Việt Nam

Ngày 17/4, UBND tỉnh làm việc với phái đoàn Nghị sĩ Pháp và đại diện Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam. Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số ban, sở, ngành.

Chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu

Để chủ động phòng chống thiên tai trong mùa mưa bão năm 2024, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, đảm bảo tính thống nhất, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể trong công tác phòng, tránh và kịp thời ứng phó, xử lý các tình huống khi thiên tai xảy ra.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục