Cầu Hòa Bình 3 đưa vào sử dụng góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của TP Hòa Bình và toàn tỉnh.
Ngược thời gian khi mới tái lập tỉnh năm 1991, nếu nói về khó khăn, trở ngại thì chắc hẳn không ít người không nhớ tới chiếc cầu phao chông chênh, dập dềnh trên sông, hay những chuyến phà chật cứng trong những ngày nước lũ dâng cao, cầu phao bị cắt. Sợ, là cảm giác chung nhưng biết làm sao, vẫn phải qua sông vì làm gì có cầu cứng. Đi lại khó khăn nên các hoạt động kết nối giữa bờ phải, bờ trái và giao lưu người dân đôi bờ rất hạn chế.
Những năm tháng đó, người dân thị xã Hòa Bình ước mơ cháy bỏng có cây cầu bề thế bắc qua sông Đà. Và gần 10 năm sau tái lập tỉnh, cán bộ, Nhân dân vỡ òa hạnh phúc khi cầu Hòa Bình chính thức khánh thành, đưa vào sử dụng. Không quá lời khi nói, ngày mới có cầu, ai cũng muốn được đi xem và đi qua cầu để cảm nhận niềm vui sướng. Cũng từ đây, bộ mặt đô thị thêm khang trang, hoạt động giao thương khởi sắc, góp phần tạo nên sức bật để thị xã Hòa Bình trở thành thành phố.
Trong nhịp độ phát triển ngày càng nhanh trên các lĩnh vực, KT-XH của TP Hòa Bình nói riêng và toàn tỉnh nói chung có sự bứt phá. Cũng chính vì vậy, áp lực hạ tầng giao thông tăng cao để đáp ứng nhu cầu phát triển. Với phương châm "giao thông đi trước mở đường”, chủ trương tìm nguồn lực tiếp tục đầu tư xây dựng các cây cầu bắc qua sông Đà được cả hệ thống chính trị và Nhân dân đồng thuận cao.
Sau nhiều nỗ lực chuẩn bị, tháng 11/2016, đúng dịp Kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh, 25 năm tái lập tỉnh, cầu Hòa Bình 3 được khởi công xây dựng. Công trình có điểm đầu kết nối với đường Trương Hán Siêu thuộc địa bàn phường Thịnh Lang, điểm cuối nối quốc lộ 6 thuộc địa bàn phường Trung Minh; tổng chiều dài 535,4 m với 3 nhịp, rộng 16 m; đường dẫn dài 210 m, rộng 16m được thiết kế theo tiêu chuẩn đường phố. Còn nhớ, tại lễ thông xe kỹ thuật tổ chức vào tháng 1/2020, đồng chí Phạm Quốc Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP Hòa Bình vui mừng cho biết: Xây dựng công trình cầu Hòa Bình 3 vượt sông Đà đã kết nối khu vực bờ trái với bờ phải của thành phố và kết nối khu vực trung tâm tỉnh với các tỉnh lân cận; mở rộng không gian đô thị nhằm tạo thêm động lực thúc đẩy phát triển KT-XH của thành phố và toàn tỉnh, giảm tải cho cầu Hòa Bình, đồng thời cụ thể hóa mục tiêu nâng cấp TP Hòa Bình lên đô thị loại II.
Với vị trí địa lý quan trọng là tỉnh cửa ngõ khu vực Tây Bắc, kết nối với Thủ đô Hà Nội và khu vực kinh tế trọng điểm đồng bằng Bắc Bộ bằng đường Hòa Lạc - Hòa Bình, quốc lộ 6. Trong tương lai, Hòa Bình sẽ kết nối giao thương với các tỉnh Tây Bắc bằng hệ thống đường cao tốc hiện đại đã được quy hoạch. Vì vậy, chủ trương đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông trong tỉnh, trong đó có các dự án xây dựng cầu bắc qua sông Đà đã được đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Chỉ nay mai thôi, cầu Hòa Bình 2 nối từ bến Thịnh Minh, phường Thịnh Lang với ngã tư cầu Đen, phường Đồng Tiến được đưa vào sử dụng sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới hạ tầng giao thông, giảm ách tắc giao thông khu vực trung tâm TP Hòa Bình và là điểm nhấn về cảnh quan, kiến trúc, thúc đẩy đầu tư mở rộng không gian đô thị.
Theo quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải tỉnh, quy hoạch chung TP Hòa Bình đến năm 2035… trong tương lai, trên dòng sông Đà thơ mộng chảy qua thành phố sẽ có thêm những cây cầu hiện đại nhằm mục tiêu hoàn chỉnh hệ thống đường cao tốc qua tỉnh và kết nối các khu đô thị dọc 2 bờ sông Đà. Từ đó tạo động lực thúc đẩy phát triển KT-XH, thu hút đầu tư, đảm bảo AN-QP của TP Hòa Bình cũng như toàn tỉnh trong công cuộc đẩy mạnh CNH - HĐH và hội nhập.