(HBĐT) - Không quá lời khi nói, trước đây, nhiều người ngoại tỉnh nói về Hòa Bình thì chỉ nghĩ đến tỉnh miền núi nghèo khó, thậm chí là nơi "rừng thiêng nước độc". Có chăng, từ cuối năm 1994, khi Nhà máy Thủy điện Hòa Bình chính thức khánh thành thì Hòa Bình mới được biết và nhắc đến nhiều hơn. Cũng phải thôi, bởi xét về thời gian từ khi tái lập thì tỉnh còn non trẻ; xét về điều kiện tự nhiên lại hết sức khó khăn, bởi diện tích đồi núi chiếm phần lớn. Bức tranh kinh tế chỉ là nông, lâm nghiệp; ngành công nghiệp gần như ở con số 0.


Trong phát triển công nghiệp, may mặc là một trong những nhóm ngành chính, giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động của tỉnh. Ảnh chụp tại Công ty TNHH GGS Việt Nam, khu công nghiệp bờ trái Sông Đà.

Lật lại trang sử tỉnh nhà cho thấy, sau gần nửa năm tái lập, tháng 3/1992 diễn ra Đại hội Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XI (vòng 2). Một trong những phương hướng, mục tiêu quan trọng Đại hội đề ra đến năm 1995 là: "Đẩy mạnh sản xuất nông, lâm nghiệp gắn với tiểu thủ công nghiệp và công nghiệp chế biến". Một tỉnh miền núi, sản xuất nhỏ là phổ biến, lực lượng sản xuất chưa phát triển, xuất phát điểm công nghiệp còn ở mức thấp, quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy về sản xuất CN-TTCN là: Lấy phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp làm trọng tâm. Khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển sản xuất nông lâm, CN-TTCN, chế biến nông, lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu... Những năm sau đó, quy mô sản xuất công nghiệp (SXCN) của tỉnh vẫn rất nhỏ bé. Nổi lên chỉ là một vài cái tên như: Công ty gạch ngói Quỳnh Lâm, Công ty may 3/2, Công ty bia Hòa Bình, Nhà máy xi măng Lương Sơn, Nhà máy gạch Tuynel Lương Sơn... Do vậy, những con số đạt được khá khiêm tốn. Năm 1996, giá trị sản xuất CN-TTCN của tỉnh mới đạt 174.870 triệu đồng; năm 2000 đạt 347.948 triệu đồng, tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng chỉ chiếm 18% trong cơ cấu kinh tế.

Nhìn lại quá khứ để thấy rằng, giờ đây, khi ngành công nghiệp đang có sự bứt tốc mạnh mẽ, thực hiện sứ mệnh là "tàu kéo”, dẫn dắt các ngành kinh tế đã khẳng định sự đúng đắn, sáng suốt trong tư duy lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh phù hợp với từng thời điểm lịch sử, nhất là trong công cuộc CNH-HĐH đất nước. Đồng chí Phạm Tiến Dũng, Giám đốc Sở Công Thương chia sẻ: Lĩnh vực phát triển CN - TTCN, xuất khẩu của tỉnh luôn nhận được sự chỉ đạo sát sao của các bộ, ngành T.Ư trong các chuyến công tác về tỉnh. Đặc biệt là sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh đã có những cuộc làm việc chuyên đề với các sở, ngành chức năng, các huyện, thành phố, trong đó nhấn mạnh phát triển công nghiệp là động lực chính để thúc đẩy phát triển kinh tế, từ đó đã có sự chỉ đạo cụ thể, nhất là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Những năm qua, cùng với chú trọng huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH, điểm nhấn là phát triển hạ tầng giao thông, điện lưới, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp để mở rộng cửa thu hút đầu tư, tỉnh đã ban hành các nghị quyết, đề án, cơ chế, chính sách ưu đãi để thúc đẩy công nghiệp. Trong đó phải nói đến Nghị quyết số 02-NQ/TU, ngày 28/12/2015 của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển CN -TTCN giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025. Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết, cơ cấu ngành công nghiệp chuyển dịch tích cực, tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo, giảm dần tỷ trọng công nghiệp khai thác khoáng sản. Sản phẩm công nghiệp đa dạng, phong phú. Năng lực SXCN được nâng cao và phát triển nhanh trong các ngành chế tạo điện tử, máy móc, cơ khí, may mặc, khoáng sản, thức ăn gia súc, chế biến nông, lâm sản, thực phẩm.

Trên địa bàn tỉnh hiện có trên 350 dự án SXCN, chiếm 59,45% tổng dự án trên toàn tỉnh. Trong đó có gần 140 dự án đã đi vào SX-KD. Các dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp tập trung vào thế mạnh của tỉnh như: Thủy điện, chế biến khoáng sản, chế biến nông, lâm sản và hạ tầng công nghiệp… Có 32 dự án vốn đầu tư nước ngoài thuộc lĩnh vực công nghiệp, chiếm 78% tổng số dự án có vốn đầu tư nước ngoài của tỉnh. Chủ yếu là của các doanh nghiệp Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc.

Đặc biệt, trong tỉnh đã có 8 khu công nghiệp với tổng diện tích đất quy hoạch trên 1.500 ha. Có 15/20 cụm công nghiệp đã được UBND tỉnh quyết định thành lập với diện tích  trên 620 ha. Hiện trong các khu công nghiệp đã có 102 dự án đầu tư, giải quyết việc làm cho gần 20.000 lao động; 5 cụm công nghiệp đi vào hoạt động đã có 13 dự án thứ cấp đầu tư SX-KD, tạo việc làm cho hơn 700 lao động.

Những năm qua, SXCN duy trì tốc độ tăng trưởng khá, một số ngành công nghiệp chủ lực, công nghiệp có lợi thế so sánh tiếp tục phát triển, nhiều sản phẩm công nghiệp có số lượng tăng cao. Tăng trưởng bình quân ngành công nghiệp đạt 10,17%/năm; giá trị SXCN tăng bình quân 16,4%/năm. Năm 2020, mặc dù chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19, song giá trị SXCN của tỉnh đã đạt 43.007 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2019. Với kết quả này đã đưa tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng chiếm 41,52% cơ cấu kinh tế.

Song song với SXCN, lĩnh vực xuất khẩu cũng có sự bứt phá vượt bậc. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có gần 50 doanh nghiệp hoạt động xuất, nhập khẩu, trong đó có 26 doanh nghiệp FDI. Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu gồm nhóm hàng điện tử, dệt may, hàng kim loại, hàng nông sản... Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, EU... Năm 2020, lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu của tỉnh vượt mốc 1 tỷ USD, tăng 31,72% so với năm 2019. Kim ngạch nhập khẩu đạt 875 triệu USD, tăng 37,8% so với năm 2019. 

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra nhiệm vụ: Phát triển công nghiệp thực sự trở thành động lực của nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng cao, bền vững và hiệu quả, làm động lực thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển và thực hiện các mục tiêu xã hội, phấn đấu đến năm 2025, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng chiếm 54% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh..., diện tích đất các khu, cụm công nghiệp chiếm khoảng 01% diện tích đất tự nhiên của tỉnh (tương đương 4.600 ha). Đây là lộ trình để ngành công nghiệp phát triển hơn. Từ phát triển khu, cụm công nghiệp là cơ hội để tỉnh tiếp tục thu hút các nhà đầu tư, nhất là các nhà thứ cấp nghiên cứu đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp.

Bình Giang


Các tin khác


Lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá Việt Nam là một trong những nền kinh tế đóng góp phần lớn vào mức tăng trưởng tích cực của khu vực.

Điều kiện để trái bưởi tươi Việt Nam xuất khẩu vào Australia

Quả bưởi tươi của Việt Nam có thể được phép nhập khẩu vào thị trường Australia nếu sản phẩm đáp ứng các điều kiện an toàn sinh học.

Quyết liệt các giải pháp tăng nguồn thu ngân sách

Hiện đã qua 1/3 chặng đường thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2024. Bằng việc triển khai đồng bộ, quyết liệt, linh hoạt các giải pháp nuôi dưỡng, phát triển nguồn thu, quản lý thu, tỉnh Hòa Bình đã đạt kết quả tích cực trong thu ngân sách nhà nước (NSNN).

Huyện Tân Lạc phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi thời điểm nắng nóng

Thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường là môi trường thuận lợi cho các dịch bệnh bùng phát, lây lan trên đàn vật nuôi. Do đó, huyện Tân Lạc đã chỉ đạo các ngành chức năng và các xã, thị trấn phối hợp, hướng dẫn người chăn nuôi phương pháp chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.

Chọn vàng hay bất động sản?

Vàng và bất động sản là 2 danh mục đang được người dân quan tâm bởi nhu cầu thực, tích lũy hay đầu tư đều lớn.

Thủ tướng chỉ thị về triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg về triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục