(HBĐT) - Dự án hồ chứa nước Cánh Tạng được thiết kế bảo đảm cấp nước tưới cho 6.460 ha đất canh tác nông nghiệp của 17 xã thuộc 2 huyện Lạc Sơn, Yên Thủy. Trong quá trình triển khai dự án gặp một số vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), di dân tái định cư (TĐC) và 2 tuyến đường tránh ngập.
Một số điểm tái định cư trên địa bàn huyện Lạc Sơn đang được người dân đầu tư xây dựng nhà cửa. Ảnh chụp tại điểm tái định cư xóm Nhụn, xã Yên Phú.
Theo UBND huyện Lạc Sơn, đến ngày 16/9, công tác GPMB đã bàn giao đất cho dự án 781,93 ha, đạt 87,13% (đất công cộng 125 ha); tổng giá trị giải ngân hợp phần 998,092/1.059 tỷ đồng, đạt 94,25 % (trong đó, giá trị giải ngân GPMB gần 748 tỷ đồng, đạt 83,76%); thu hồi đất của 1.886 hộ và 11 tổ chức; di chuyển 1.298/khoảng 1.800 mộ, của 370 hộ; 64 hộ đã xây dựng nhà ở ra khu TĐC Đồng Xe, xã Yên Phú.
Về bồi thường nhà ở, đến nay đã bồi thường GPMB nhà ở xong cho 445 hộ tại xã Yên Phú, Văn Nghĩa (chưa thu hồi và bồi thường đối với diện tích đất ở của các hộ do chưa xây dựng xong các khu TĐC để chuyển các hộ dân đến làm nhà). 151 hộ có nhà ở tại xã Bình Hẻm đang lập và niêm yết công khai phương án bồi thường; đã tổ chức cho 553 hộ tại xã Yên Phú, Văn Nghĩa, Bình Hẻm bốc thăm nhận lô TĐC xong (xã Yên Phú 105 hộ, xã Văn Nghĩa 243 hộ, xã Bình Hẻm 141 hộ).
Đối với công tác đầu tư xây dựng khu TĐC, điểm TĐC xóm Đá Mới, tại khu Đồng Xe (giai đoạn 1) đã thi công hoàn thành đưa vào sử dụng. Đối với 7 điểm TĐC còn lại, giai đoạn II điểm TĐC xóm Đá Mới tại khu Đồng Xe, 2 tuyến đường tránh ngập và hạng mục phát dọn vệ sinh lòng hồ: Với 2 tuyến đường tránh ngập, hiện nhà thầu đã thực hiện đào, đắp nền đường, thi công cống thoát nước, đổ bê tông mặt cơ bản, ước tính giá trị khối lượng thực hiện được khoảng 70% khối lượng công tác đào, đắp nền đường (giai đoạn 1 thi công đào nền đường, xây cống thoát nước, gia cố mái taluy).
Về vướng mắc, theo UBND huyện Lạc Sơn, nhiều vị trí vướng mặt bằng do tuyến đường ảnh hưởng trực tiếp tới hộ dân đang sinh sống, chưa di chuyển TĐC được, một số cột điện trên tuyến chưa di chuyển. Dự kiến trong tháng 10/2021, các hộ dân di chuyển nhà cửa, đơn vị thi công sẽ tiến hành thi công nốt phần nền đường đảm bảo thông tuyến trong tháng 11/2021. Căn cứ tiến độ bàn giao mặt bằng của chủ đầu tư, nhà thầu đã chủ động tạo nhiều mũi thi công, mở nhiều đường thi công để thi công đẩy nhanh tiến độ, tất cả các vị trí có mặt bằng nhà thầu đều đã tiến hành triển khai thi công xây dựng.
Đối với xây dựng 7 khu TĐC hiện 6 điểm TĐC đã hoàn thành hạng mục san nền, gồm các xóm: Rộc, Nhụn, Kén, Khi, Cuốc, Sào 1; điểm TĐC xóm Sào 2 đạt 94%. Hiện đã bàn giao mặt bằng để Nhân dân xây dựng nhà cửa, trong đó: Xóm Nhụn có tổng số 110 lô đất, 105 hộ bốc thăm nhận lô, đã bàn giao 61 lô. Xóm Rộc tổng số 66 lô đất, 51 hộ bốc thăm nhận lô, đã bàn giao 51 lô. Xóm Khi tổng số 89 lô đất, 80 hộ bốc thăm nhận lô, đã bàn giao 80 lô. Xóm Cuốc tổng số 12 lô đất, 10 hộ bốc thăm nhận lô, đã bàn giao 9 lô, 1 hộ dân chuyển sang xóm Khi. Xóm Kén tổng số 126 lô đất, 124 hộ bốc thăm nhận lô, đã bàn giao 106 lô. Xóm Sào 1 tổng số 67 lô đất, 59 hộ bốc thăm nhận lô, đã bàn giao 22 lô. Xóm Sào 2 tổng số 66 lô đất, 59 hộ bốc thăm nhận lô, đã bàn giao 18 lô.
Đối với hạng mục cấp điện, theo đánh giá, các điểm TĐC đã cơ bản hoàn thành hệ thống điện nội khu (lắp đặt xong trạm biến áp, dựng xong cột và đường dây 0,4 kV). Các hạng mục cấp điện sau khi hoàn thành sẽ đấu nối trực tiếp với đường điện 35 kV từ lòng hồ lên. Các đơn vị đang thi công hoàn thiện hệ thống cấp nước, hiện đã có phương án cấp nước tạm thời để đảm bảo nhu cầu sử dụng nước cho Nhân dân xây dựng trong quá trình hoàn thiện hệ thống cấp nước.
Hiện có một số vướng mắc làm ảnh hưởng đến việc triển khai TĐC của dự án. Cụ thể, quá trình bàn giao đất cho Nhân dân một số lô đất nằm gần trạm biến áp Nhân dân không nhận; các lô đất có mái taluy cao, bị xói lở do mưa lớn Nhân dân đề nghị phải gia cố mái taluy ổn định mới nhận, một số lô đất có diện tích san phẳng nhỏ hơn 400 m2, Nhân dân đề nghị bổ sung thêm diện tích mới nhận. UBND huyện đã trình UBND tỉnh xem xét giải quyết.
Theo Chủ tịch UBND huyện Lạc Sơn Bùi Văn Lịnh, về tiến độ thực hiện, tổng số vốn được cấp từ năm 2017 - 2020 gần 813 tỷ đồng. Tổng giá trị giải ngân từ năm 2017 đến ngày 31/12/2020 đạt 812,487 tỷ đồng. Kế hoạch vốn năm 2021 là 247 tỷ đồng. Giải ngân từ ngày 1/1 - 16/9/2021 đạt trên 186 tỷ đồng, đạt 75,5%. Trong đó, xây dựng giải ngân đạt 66,2/71 tỷ đồng, GPMB giải ngân 123,296/176 tỷ đồng.
Để đảm bảo tiến độ chặn dòng dự án hồ Cánh Tạng trong thời gian tới, UBND huyện Lạc Sơn tập trung chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát lại kiến nghị bổ sung về cơ chế, chính sách; giải quyết những vướng mắc phát sinh trong quá trình thi công. Đồng thời, cùng các sở, ngành của tỉnh tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện liên quan đến hạ tầng các khu TĐC của dự án.
Hồng Trung
(HBĐT) - Mường Động - 1 trong 4 vùng Mường lớn của tỉnh đang đứng trước những cơ hội bứt phá vươn lên mạnh mẽ khi sở hữu cảnh quan thiên nhiên sơn thủy hữu tình, mộng mơ, tươi đẹp, bản sắc văn hóa đậm đà, có nguồn nước khoáng được coi là "vàng trắng". Vì lẽ đó, huyện được xác định là trọng điểm phát triển triển du lịch của tỉnh, hiện đang là tâm điểm của các dự án đầu tư, tập trung vào lĩnh vực du lịch, đô thị sinh thái, dịch vụ, thương mại.
(HBĐT) - Ngày 25/9/2021, Chính phủ ban hành Quyết định số 27/2021/QĐ-TTg về việc giảm tiền thuê đất (TTĐ) của năm 2021 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (Quyết định 27). Theo đó, giảm 30% TTĐ của năm 2021 đối với các đối tượng là tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo quyết định hoặc hợp đồng của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức trả TTĐ hàng năm (người thuê đất) bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
(HBĐT) - Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, để chủ động thích ứng, các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn huyện Lạc Sơn mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, kinh doanh (SXKD). Đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ số để đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử (TMĐT), mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
(HBĐT) - Lương Sơn, mảnh đất cửa ngõ phía Đông của tỉnh, là cầu nối giữa đồng bằng châu thổ sông Hồng với các tỉnh Tây Bắc. Huyện được xếp vào vị trí những khu đô thị vệ tinh quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của Thủ đô. Phát huy tiềm năng, lợi thế, huyện Lương Sơn đã, đang tạo nhiều đột phá trong phát triển KT-XH.
(HBĐT) - Với vị trí trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh, TP Hòa Bình được đón nhận nhiều thời cơ, thuận lợi, song cũng đối diện với không ít khó khăn, thách thức trên hành trình phát triển. Cùng với đó, thành phố được xác định là vùng đô thị - công nghiệp, vùng động lực KT-XH của tỉnh, là động lực kéo theo các tiểu vùng khác phát triển. Để xứng tầm là "trái tim" của tỉnh và trọng trách vùng động lực, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố đã chung sức, đồng lòng để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng TP Hòa Bình trở thành đô thị văn minh, hiện đại, giàu bản sắc văn hóa và vùng kinh tế năng động.
(HBĐT) - Từ một nền sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún, đời sống nông dân gặp khó khăn, thậm chí không ít hộ nông dân phải bỏ ruộng, bỏ rừng rời quê hương đi làm ăn xa. Song, dưới ánh sáng từ các nghị quyết của Tỉnh ủy đã giúp các địa phương khai thác tiềm năng, lợi thế tập trung phát triển nông nghiệp hiện đại, có lợi thế cạnh tranh, hình thành những vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn với nhiều sản phẩm chủ lực, có vị trí vững chắc trên thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu.