Nhiều tỉnh, thành vẫn chưa sẵn sàng đón các chuyến bay nội địa hoặc nếu có thì đưa ra những quy định rất khác nhau.


Cục Hàng không Việt Nam đề xuất mở lại các đường bay đi và đến một số địa phương. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

Theo Cục Hàng không Việt Nam, ngành hàng không đảm bảo thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Thế nhưng lãnh đạo nhiều tỉnh, thành vẫn chưa yên tâm. Vì thế ngành hàng không đã sẵn sàng nhưng để cất cánh thì vẫn đang chờ cái "gật đầu" của các địa phương.

Ngày 4/10, UBND thành phố Hà Nội đề nghị Cục Hàng không Việt Nam báo cáo Bộ Giao thông vận tải về kế hoạch khai thác các đường bay nội địa thường lệ đi/đến Hà Nội trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 để lấy ý kiến UBND thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố lân cận.

Hà Nội cũng đề nghị chỉ tổ chức khai thác các đường bay nội địa đi/đến sân bay quốc tế Nội Bài nếu được sự thống nhất bằng văn bản với UBND thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố lân cận.

Hà Nội cũng đề nghị Cục Hàng không làm rõ tiêu chí với hành khách đi máy bay, như khách phải thuộc vùng xanh. Với hành khách thuộc vùng có mức độ dịch ở cấp 3-4 cần được sự cho phép của chính quyền nơi đi và sự tiếp nhận của nơi đến. Đối với người dân đang ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, văn bản của Hà Nội nhắc lại chỉ đạo "tạm thời chưa di chuyển đến địa phương khác" theo công điện của Thủ tướng về việc tiếp tục kiểm soát người ra, vào các tỉnh, thành này, cũng như công văn của TP Hồ Chí Minh về việc phối hợp, hỗ trợ người dân lưu thông trong trường hợp cấp thiết.

Hà Nội cũng đề nghị làm rõ phương án bố trí phương tiện đưa đón hành khách đi, đến sân bay Nội Bài và sân bay các địa phương tiếp nhận; đồng thời làm rõ cơ chế phối hợp với cơ quan y tế địa phương để đảm bảo hành khách cần cách ly thì có biện pháp cụ thể.

Theo hướng dẫn của Bộ Giao thông Vận tải, hành khách đi máy bay phải tuân thủ 5K, khai báo y tế, có kết quả xét nghiệm âm tính trong 72 giờ bằng phương pháp PCR hoặc xét nghiệm nhanh. Người đã tiêm một liều vaccine sau 3 tuần hoặc đã tiêm đủ liều, người mắc Covid-19 đã khỏi bệnh trong 6 tháng thì không cần xét nghiệm.

Hiện nay, TP Hồ Chí Minh đã cơ bản thống nhất với dự thảo kế hoạch khai thác trở lại các đường bay nội địa thường lệ của Cục Hàng không.

TP Hồ Chí Minh cũng đề nghị tổ chức một số chuyến bay khứ hồi nối với Hà Nội trong tuần để giải quyết một phần nhu cầu đi lại cấp thiết giữa vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Ngoài TP Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Bình Định, Điện Biên, Phú Yên, Thanh Hóa, Nghệ An cũng cho phép mở dần đường bay nội địa đến các địa phương khác.

Hàng không sẵn sàng mở lại đường bay nội địa

Các hãng hàng không bắt đầu khai thác nội địa với 4 giai đoạn và thích ứng với tình hình kiểm soát dịch bệnh tại các địa phương.

Giai đoạn 1, các hãng sẽ phải giãn cách ghế trên tàu bay và hành khách phải có xét nghiệm SARS-CoV-2 có kết quả âm tính trong vòng 72 giờ.

Trường hợp khách đã tiêm 1 liều vaccine sau 3 tuần hoặc đã tiêm đủ 2 liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng sẽ không cần phải xét nghiệm.

Đại diện các hãng hàng không cho rằng, tần suất khai thác và các quy định yêu cầu khi tham gia bay ở thời điểm này là hoàn toàn phù hợp với yêu cầu chống dịch cũng như nhu cầu của thị trường.

Còn tại các Cảng hàng không cũng đã thiết lập và xây dựng chương trình "Hành lang xanh", phối hợp cùng các hãng hàng không để có từng tiêu chí cho hành khách khi bay nhằm tạo niềm tin cho hành khách và "tái khởi động" việc đi lại bằng đường hàng không trong trạng thái bình thường mới.

Ông Nguyễn Quốc Phương, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam ACV, cho biết: "ACV cũng như các hãng hàng không và công ty phục vụ mặt đất đã thiết một tài liệu khung hướng dẫn để từ đó các đơn vị trong chuỗi phục vụ hành khách đó tự xem xét, đánh giá và thống nhất các tiêu chí để kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép khôi phục lại các đường bay".

Cục Hàng không cũng cho biết, việc nối lại hoạt động bay, kể cả dựa trên 4 giai đoạn mở lại hiện vẫn phải căn cứ dựa trên tình hình dịch COVID-19 tại các địa phương và cần có sự đồng thuận từ các địa phương này, từ đó, Cục Hàng không sẽ quyết định điều chỉnh tần suất khai thác.

Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ Giao thông vận tải, chia sẻ: "Chúng tôi cũng đã lên các phương án và gửi các địa phương để lấy ý kiến về việc nối lại các đường bay này. Chúng tôi mong các địa phương hãy kết hợp với Bộ Giao thông vận tải để sớm nối lại các đường bay nội địa vì đây không chỉ là nhu cầu vận tải hành khách mà còn là câu chuyện kết nối kinh tế tại các địa phương".

Việc thực hiện các biện pháp y tế và phòng chống dịch là bắt buộc, thế nhưng việc đưa ra các quyết định đón khách hay không đón khách, cho bay hay không cho bay tại mỗi địa phương khác nhau như hiện nay, đang là rào cản không chỉ đối với riêng ngành hàng không mà cả các loại hình vận tải khác để có thể nối lại các hoạt động đi lại và vận chuyển hành khách trong tình hình mới.

Air New Zealand chỉ vận chuyển khách tiêm đủ 2 mũi

Mới đây, Air New Zealand - hãng hàng không quốc gia New Zealand yêu cầu tất cả hành khách trên các chuyến bay quốc tế của hãng phải tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 đầy đủ. Đây là một trong những quy định chặt chẽ nhất thế giới đối với hoạt động đi lại.

Giám đốc điều hành Air New Zealand khẳng định tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 là "thực tế mới của hoạt động đi lại quốc tế", bởi nhiều địa điểm mà người New Zealand muốn tới hiện không mở cửa với du khách chưa tiêm chủng. Theo Air New Zealand, hãng sẽ thực hiện chính sách tiêm chủng nói trên từ ngày 1/2/2022.

Trước đó, hồi tháng 9, Qantas - hãng hàng không lớn nhất Australia, cũng thông báo sẽ yêu cầu toàn bộ hành khách trên các chuyến bay quốc tế của hãng tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19, trở thành một trong những hãng hàng không đầu tiên trên thế giới yêu cầu hành khách phải đưa ra chứng nhận chủng ngừa.

Đường bay Hà Nội - TP Hồ Chí Minh vẫn được ví như đường bay vàng của ngành hàng không trong nước. Việc mở lại các đường bay thường lệ trong nước lúc này là rất quan trọng trong quá trình phục hồi sản xuất và doanh. Viêt Nam hoàn toàn có thể nghiên cứu kinh nghiệm của các nước để vận dụng phù hợp khi mở cửa trở lại, nhất là những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19 và có hộ chiếu hay giấy thông hành sức khỏe. Trước đây, các doanh nghiệp đã thực hiện theo phương châm "sản xuất phải an toàn, an toàn mới sản xuất" thì phương châm này hoàn toàn có thể áp dụng với ngành hàng không hay các loại hình vận tải khác.

Theo VTV.vn



 

Các tin khác


Cơ chế đột phá đầu tư xây dựng đường cao tốc

Mới đây, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã trình Chính phủ dự thảo tờ trình đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển đường bộ cao tốc giai đoạn 2021 - 2025. Mục tiêu 5 năm tới sẽ hoàn thành hơn 2.000 km đường cao tốc với tổng vốn đầu tư gần 400 nghìn tỷ đồng, trong đó, ngân sách nhà nước bố trí khoảng 239,5 nghìn tỷ đồng, còn lại 153,5 nghìn tỷ đồng huy động vốn ngoài ngân sách.

Doanh nhân phát tài - địa phương phát triển

(HBĐT) - Trong những năm qua, cộng đồng doanh nghiệp (DN), doanh nhân tỉnh không ngừng lớn mạnh cả về số lượng, chất lượng, là lực lượng có vai trò quan trọng trong sự nghiệp CNH - HĐH đất nước, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ KT-XH.

Mường Động trước cơ hội bứt phá

(HBĐT) - Mường Động - 1 trong 4 vùng Mường lớn của tỉnh đang đứng trước những cơ hội bứt phá vươn lên mạnh mẽ khi sở hữu cảnh quan thiên nhiên sơn thủy hữu tình, mộng mơ, tươi đẹp, bản sắc văn hóa đậm đà, có nguồn nước khoáng được coi là "vàng trắng". Vì lẽ đó, huyện được xác định là trọng điểm phát triển triển du lịch của tỉnh, hiện đang là tâm điểm của các dự án đầu tư, tập trung vào lĩnh vực du lịch, đô thị sinh thái, dịch vụ, thương mại.

Giảm 30% tiền thuê đất cho người nộp thuế bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

(HBĐT) - Ngày 25/9/2021, Chính phủ ban hành Quyết định số 27/2021/QĐ-TTg về việc giảm tiền thuê đất (TTĐ) của năm 2021 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (Quyết định 27). Theo đó, giảm 30% TTĐ của năm 2021 đối với các đối tượng là tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo quyết định hoặc hợp đồng của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức trả TTĐ hàng năm (người thuê đất) bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Huyện Lạc Sơn: Ứng dụng công nghệ, liên kết để phát triển kinh tế tập thể

(HBĐT) - Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, để chủ động thích ứng, các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn huyện Lạc Sơn mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, kinh doanh (SXKD). Đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ số để đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử (TMĐT), mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Đất thức Lương Sơn

(HBĐT) - Lương Sơn, mảnh đất cửa ngõ phía Đông của tỉnh, là cầu nối giữa đồng bằng châu thổ sông Hồng với các tỉnh Tây Bắc. Huyện được xếp vào vị trí những khu đô thị vệ tinh quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của Thủ đô. Phát huy tiềm năng, lợi thế, huyện Lương Sơn đã, đang tạo nhiều đột phá trong phát triển KT-XH.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục