Người dân xã Đông Lai (Tân Lạc) đầu tư trồng bưởi đỏ mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Dự tính, niên vụ này, sản lượng CAQCM trên toàn tỉnh đạt khoảng 150.000 tấn. Trong đó, sản lượng cam khoảng 96.000 tấn, thời gian thu hoạch từ tháng 10/2021 - 5/2022; trồng tập trung tại các huyện: Cao Phong, Lạc Thủy, Kim Bôi, Lạc Sơn. Sản lượng bưởi khoảng 55.000 tấn, thu hoạch từ tháng 11/2021 - 1/2022; trồng tập trung tại các huyện: Tân Lạc, Yên Thủy, Lương Sơn.
Diện tích trồng rau khoảng 14.000 ha, sản lượng ước tính 90.000 tấn, thu hoạch đến hết tháng 2/2022. Với nhóm bí xanh, bí đỏ trồng tập trung tại Kim Bôi, Lạc Thủy, Yên Thủy, Lạc Sơn, sản lượng khoảng 8.000 tấn, thời gian thu hoạch từ tháng 10 - 11/2021... Ngoài ra, toàn tỉnh ước đạt tổng sản lượng gia súc, gia cầm trên 47.460 tấn; sản lượng thủy sản ước 11.700 tấn.
Thực tế, nông sản của tỉnh tiêu thụ ở trong nước là chính. Ngoài cung cấp cho thị trường nội tỉnh thì tiêu thụ chủ yếu vẫn thông qua tư thương, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại và phần lớn cung cấp cho thị trường Hà Nội, các tỉnh lân cận, các khu công nghiệp, bếp ăn tập thể. Chính vì vậy, khi dịch bệnh còn phức tạp, khó lường sẽ tác động trực tiếp tới TTNS nếu không có giải pháp phù hợp, thích ứng với tình hình mới.
Sớm nhìn nhận, đánh giá thực tế, thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành chức năng, các huyện, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch hỗ trợ người dân TTNS, tránh để sản phẩm bị dư thừa, dồn ứ không thể tiêu thụ. Ngay từ tháng 7, UBND tỉnh đã ban hành Phương án, kế hoạch TTNS chủ lực trong tình hình dịch bệnh Covid-19. Tiếp đó, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh... Đồng thời, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị trực tuyến về tình hình sản xuất, cung ứng và kết nối TTNS trong điều kiện dịch Covid-19...
Bên cạnh đó, vừa qua, UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo việc đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm CAQCM niên vụ 2021 - 2022. Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu UBND các huyện, thành phố hướng dẫn người dân thu hoạch nhanh gọn sản phẩm cây có múi khi đủ độ chín, thị trường tiêu thụ thuận lợi, giá bán cao. Cung cấp thường xuyên về quy mô, sản lượng, địa chỉ liên hệ của từng chủng loại sản phẩm cho các đơn vị, đầu mối thu mua để có sự kết nối, kế hoạch tiêu thụ kịp thời. Chuẩn bị chu đáo địa điểm để phục vụ các hoạt động thăm quan, khảo sát, tìm hiểu vùng sản xuất để tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm và xúc tiến thu mua sản phẩm nông sản. Chủ động nắm bắt thông tin dư luận, thông tin xã hội và thông tin thị trường, kịp thời xử lý có hiệu quả đối với các thông tin sai lệch gây ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu và hoạt động tiêu thụ sản phẩm CĂQCM của tỉnh...
UBND tỉnh giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành theo chức năng, nhiệm vụ thực hiện tốt các giải pháp hỗ trợ TTNS. Đặc biệt là hướng dẫn thực hiện giải pháp đảm bảo ATTP tại các vùng sản xuất tập trung nhằm đảm bảo chất lượng, an toàn với người tiêu dùng. Tổ chức hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm CAQCM của tỉnh tại các tỉnh, thành phố, các chợ đầu mối, trung tâm thương mại, siêu thị,... Hỗ trợ đưa sản phẩm vào các hệ thống sàn thương mại điện tử như: Postmart.vn, Voso.vn, Sendo.vn, Lazada.vn, Shopee.vn... Chủ động kết nối giữa các doanh nghiệp, HTX, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cây có múi; tổ chức, tham gia các chương trình, hội nghị kết nối cung cầu tại các tỉnh, thành phố, thiết lập các kênh phân phối và mở rộng thị trường tiêu thụ...
Hoàng Nga