(HBĐT) - Từ 15h ngày 10/11, giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh tăng, dao động từ 550 - 660 đồng/lít so với kỳ tăng trước. Đây là mức tăng cao, cụ thể như: Xăng RON 95 tăng 660 đồng/lít, xăng E5 RON 92 tăng 550 đồng/lít. Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng trong nước đã tăng 5 lần liên tiếp. Giá xăng dầu tăng trong bối cảnh ảnh hưởng dịch Covid-19 tác động mạnh, trực tiếp đến thu nhập, đời sống người dân và hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vận tải.


Người dân mua xăng tại cửa hàng xăng dầu thuộc Chi nhánh xăng dầu Hòa Bình trên đường Trần Hưng Đạo (TP Hòa Bình).

Ông Trần Phi Cường, Phó Giám đốc Chi nhánh Xăng dầu Hòa Bình cho biết: Đợt tăng giá xăng dầu ngày 10/11 là đợt tăng đẩy giá lên mức cao kỷ lục trong 7 năm qua. Điều này ảnh hưởng chung đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là các đơn vị lấy xăng dầu là nguyên liệu đầu vào. Ngay bản thân đơn vị cũng bị khó khi phải chi phí thêm về vốn và quản lý công nợ khách hàng. Chiếm 50% thị phần, với vai trò bình ổn, dẫn dắt thị trường tại Hòa Bình, đơn vị luôn đảm bảo nguồn và chất lượng hàng, không có sự xáo trộn thời điểm trước, trong, sau khi tăng giá. Người dân không nên dự trữ xăng dầu khi biết trước thời điểm tăng giá, vì đây là mặt hàng nguy cơ rất cao về cháy nổ.

Tại cửa hàng xăng dầu của Chi nhánh Xăng dầu Hòa Bình trên đường Trần Hưng Đạo (TP Hòa Bình) ngày 13/11, giá bán lẻ xăng RON 95-IV là 25.590 đồng/lít, E5 RON 92 là 24.130 đồng/lít... Tại các cửa hàng xăng dầu khác trên địa bàn tỉnh như của PV Oil, Thành Long... cũng đồng loạt điều chỉnh tăng. Anh Bạch Ngọc Chiến làm nghề shipper vào đổ xăng với tâm trạng lo lắng. Anh Chiến cho biết: Với các đơn giao hàng, trung bình chiếc xe Honda Wave của tôi đổ xăng 2 lần/tuần.

Trước đây đổ 50.000 đồng đã đầy bình, nay phải tăng lên 75.000 mỗi lần. Xăng tăng đồng nghĩa với khó khăn tăng, vì mỗi tháng chi phí xăng xe tăng hơn 200.000 đồng.

Đối với giáo viên công tác xa nhà (trường cách nhà 30 km), hàng ngày phải đi - về bằng xe máy như cô Bùi Thanh Tú, giáo viên Trường TH&THCS Yên Thượng (Cao Phong) mỗi tháng chi phí tiền xăng cũng tăng thêm gần 300.000 đồng/tháng. Cô Tú chia sẻ: Xăng tăng ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế vì vẫn đi dạy bình thường, trong khi lương vẫn như cũ. Đó là chưa kể nỗi lo khi xăng tăng giá sẽ kéo theo một loạt mặt hàng tăng giá theo và nguy cơ lạm phát, khó khăn cho người tiêu dùng. Vấn đề người dân quan tâm nữa là phải tránh được bất cập khi giá hàng hóa, nhiên liệu tăng thì rất nhanh và cao, nếu có giảm thì giảm rất chậm và ít.

Lo lắng trên của người dân là thực tế, bởi xăng dầu là đầu vào của nhiều ngành sản xuất, dịch vụ, nhất là ngành vận tải. Chi phí vận tải tăng dễ đẩy giá hàng hóa, dịch vụ tăng theo, tạo thành mặt bằng giá cao mới. Ông Nguyễn Duyên Quân, Trưởng phòng Kinh doanh Taxi Mai Linh Hòa Bình cho biết: Đơn vị hiện có 50 đầu xe. Do ảnh dưởng dịch Covid-19, lượng khách và doanh thu giảm 20 - 25% so với trước. Nay cộng thêm yếu tố xăng tăng giá, khó khăn tăng lên và phải bù lỗ. Hiện nay, giá cước trung bình của hãng tại Hòa Bình là 10.000 đồng/km. Thời điểm hiện tại, hãng chưa tăng giá cước, nhưng nếu giá xăng tiếp tục tăng, đơn vị buộc phải nghiên cứu, nắm tình hình, tham khảo thêm các đơn vị cùng ngành nghề, nếu có tăng cũng phải theo đúng quy trình quy định.

Vận tải bằng xe khách và hoạt động của các bến xe bị ảnh hưởng rất lớn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, có thời điểm phải ngừng hẳn để phòng, chống dịch. Từ khi thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ, hoạt động vận tải bắt đầu "hồi sinh” lại gặp xăng tăng giá. Ông Nguyễn Trung Dung, Trưởng Bến xe khách trung tâm TP Hòa Bình cho biết: Chưa bao giờ hoạt động vận tải lại gặp khó như thời điểm hiện nay. Tại bến có 53 tuyến vận tải (46 tuyến liên tỉnh, 7 tuyến nội tỉnh) với 103 phương tiện. Từ tháng 5 - 10/2021, hoạt động vận tải phải ngừng 2 lần. Khi hoạt động trở lại, tần suất hiện cũng giảm, các doanh nghiệp chỉ khai thác 30 - 50% so với đăng ký; xe nội tỉnh hoạt động 10/15 đầu xe; xe liên tỉnh hoạt động 48/88 đầu xe. Lượng khách và hàng hóa theo xe giảm, xăng lại tăng nên doanh nghiệp vận tải ở thế khó. Một số doanh nghiệp đã phải xin giảm tiền bến bãi. Điều đó kéo theo khó khăn của bến xe trong đảm bảo nguồn thu để chi trả lương cho cán bộ; đơn vị phải vay từ Quỹ phát triển sự nghiệp để chi trả lương và đã sang tháng thứ 4 chỉ trả 50% lương. Mong tỉnh, các ngành quan tâm, hỗ trợ các đơn vị vận tải và quản lý, khai thác bến xe; phối hợp và có sự thống nhất trong thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ, vừa phòng chống dịch nhưng cũng vừa đảm bảo phát triển kinh tế, đời sống và sự thông suốt của hoạt động vận tải.

Dẫu vậy, trong tình hình khó khăn chung vì dịch Covid-19, theo Sở GTVT, hiện chưa có doanh nghiệp vận tải nào tăng giá. Thực tế, các đơn vị còn e dè vì lo giá tăng, lượng khách đi càng ít. Tuy nhiên, quản lý của một số doanh nghiệp cho rằng, nếu giá xăng dầu vẫn tiếp tục tăng nhiều lần thì khó có thể cầm cự được. Thời điểm này, nền kinh tế nói chung đang gặp khó, hoạt động sản xuất, kinh doanh khởi động lại chưa nhiều mà tình hình như vậy thì tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp và người dân. Do đó, người dân, doanh nghiệp mong muốn Chính phủ, chính quyền có các quyết sách, giải pháp ứng phó linh hoạt nhằm "giữ cương” giá xăng dầu, giảm thiểu tác động đến đời sống, sản xuất, kinh doanh, cũng như vấn đề lạm phát trong dịp cuối năm và năm sau; triển khai các chính sách hỗ trợ kịp thời. 

 

Cẩm Lệ

Các tin khác


Xã Quyết Chiến: Đẩy mạnh xóa đói, giảm nghèo

(HBĐT) - Cách trung tâm huyện 19 km, xã Quyết Chiến (Tân Lạc) có 5 xóm, 364 hộ với 1.712 nhân khẩu, trong đó, trên 90% đồng bào dân tộc Mường. Đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo, thời gian qua, Đảng ủy, chính quyền xã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, quan tâm phát triển sản xuất, chuyển đổi cây trồng, áp dụng KH-KT, qua đó nâng cao thu nhập, từng bước cải thiện đời sống người dân.

Kiểm tra tình hình triển khai đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp tại huyện Đà Bắc

(HBĐT) - Sáng 12/11, Sở Công Thương đã có buổi làm việc với UBND huyện Đà Bắc về tình hình triển khai đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp (CCN) tại huyện.

Đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện

(HBĐT) - Thực hiện chủ đề năm 2021 về "Chuyển đổi số (CĐS) trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam”, Công ty Điện lực Hòa Bình (PC Hòa Bình) đã, đang triển khai hiện đại hóa trong cung cấp dịch vụ điện theo hướng số hóa toàn bộ hoạt động kinh doanh và dịch vụ khách hàng.

Không chủ quan, lơ là với thời tiết khắc nghiệt trong mùa đông

(HBĐT) - Miền Bắc được xem là đang trải qua đợt rét nhất cùng thời kỳ trong vòng 40 năm qua. Có nơi rét đậm, nhiệt độ thấp nhất 15-180C, vùng núi 12-150C, vùng núi cao dưới 80C. Dự báo từ giữa tháng 11 trở đi, các tỉnh miền Bắc liên tục đón các đợt không khí lạnh. Đối với tỉnh ta, theo thông tin từ Đài Khí tượng thủy văn Hòa Bình, nhiệt độ trung bình mùa đông năm 2021-2022 có xu hướng thấp hơn so với mùa đông năm 2020-2021. Trong tháng 11, 12, nhiệt độ trên phạm vi toàn tỉnh phổ biến ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm. Các tháng 1, 2, 4/2022, nhiệt độ ở ngưỡng thấp hơn từ 0-0,50C so với trung bình nhiều năm. Khả năng trong mùa đông năm nay sẽ có các đợt rét đậm, rét hại xảy ra sớm và kéo dài.

Huyện Lương Sơn đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đợt 1

(HBĐT) - Huyện Lương Sơn vừa tổ chức hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện đợt 1/2021. Tham gia đánh giá gồm 2 sản phẩm: Cao xạ đen và cao cà gai leo của HTX Tuyết Nhi, xã Cao Dương.      

 Quy định hồ sơ đăng ký đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP

(HBĐT) - Theo quy định tại điểm a và b, Mục 3, Phụ lục II, Quyết định số 1048/QĐ-TTg, ngày 21/8/2919 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình Mỗi xã một sản phẩm:        Số lượng hồ sơ: Tối thiểu 8 bộ, trong đó có 1 bộ gốc. Hồ sơ của từng sản phẩm được đóng gói trong hộp đựng hồ sơ, đảm bảo trang trọng, bìa bên ngoài thể hiện được các thông tin (tên địa phương, tên sản phẩm, tên chủ thể sản xuất, địa chỉ, số điện thoại liên hệ, số giấy đăng ký kinh doanh, mã số thuế, email, website, các biểu tượng); có mục các hồ sơ bên trong.        

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục