Nhờ nguồn vốn ngân hàng, hoạt động sản xuất của nhiều doanh nghiệp KCN bờ trái sông Đà (TP Hoà Bình) được duy trì ổn định. Ảnh: Công nhân Công ty TNHH dệt kim Hòa Bình Koyuseni gia công sản phẩm xuất khẩu.
Thống kê từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh, tổng nguồn vốn đến cuối tháng 10/2021 của các NH, TCTD toàn địa bàn đạt gần 32.500 tỷ đồng, tăng 12,5% so với đầu năm. Trong đó, vốn huy động từ các tổ chức kinh tế và dân cư gần 24.900 tỷ, tăng 14,5% so với đầu năm, đáp ứng 90,2% tỷ trọng vốn đầu tư cho vay; huy động tiền gửi tiết kiệm từ dân cư chiếm 76,5% so với vốn huy động.
Các NH, TCTD có tổng dư nợ toàn địa bàn đạt gần 27.600 tỷ đồng, tăng 13,5% so với đầu năm (dư nợ ngắn hạn chiếm 42,5%; dư nợ trung, dài hạn chiếm 57,5%). Chất lượng tín dụng: nợ xấu nội bảng 320 tỷ đồng, chiếm 1,16%/ tổng dư nợ. Cho vay nông nghiệp, nông thôn luôn ở mức cao, tính đến nay đạt gần 15.500 tỷ đồng, chiếm 55,6%/ tổng dư nợ; cho vay các chương trình khác như xuất khẩu đạt 37 tỷ đồng; doanh nghiệp nhỏ và vừa 5.864 tỷ đồng; cho vay công nghiệp hỗ trợ 22 tỷ đồng.
Lãi suất cho vay của các NH, TCTD về cơ bản ổn định, các lĩnh vực ưu tiên đối với ngân hàng thương mại (NHTM) 4,5%/năm, Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) 5,5%/năm. Lãi suất cho vay SXKD thông thường: Ngắn hạn tại các NHTM phổ biến từ 7 - 10,5%/năm, trung và dài hạn 5,9 - 12,7%/năm; QTDND ngắn hạn từ 9,1 - 10,2%/ năm, trung dài hạn từ 10,2 - 11,6%/ năm. Lãi suất cho vay tiêu dùng: Ngắn hạn của các NHTM dao động từ 7 - 11,5%/năm, trung và dài hạn từ 8,5 - 13%/năm, QTDND từ 11 - 12,2%/năm.
Theo đồng chí Ngô Quang Lợi, Phó Giám đốc NHNN tỉnh, từ đầu năm đến nay, các NHTM trên địa bàn tiếp tục thực hiện các biện pháp hỗ trợ khó khăn cho khách hàng theo quy định tại Thông tư số 01, 03/2021/TT-NHNN của NHNN Việt Nam và các văn bản hướng dẫn của Hội sở chính đến khách hàng theo quy định.
Đối với Ngân hàng CSXH, tỉnh triển khai thực hiện gia hạn nợ cho khách hàng; cho vay theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
NHNN tỉnh thường xuyên chỉ đạo các NH, TCTD đặc biệt quan tâm đến các DN, HKD bị tác động bởi dịch Covid-19. Đồng thời, tổ chức ký kết chương trình phối hợp công tác giữa NHNN tỉnh với Hiệp hội DN tỉnh để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng; ngành ngân hàng tỉnh đồng hành chia sẻ khó khăn với DN, phục hồi SXKD sau dịch.
Cũng theo đồng chí Ngô Quang Lợi, trong những tháng cuối năm, bên cạnh việc tăng cường huy động vốn nhằm tăng trưởng tín dụng, các NH, TCTD tập trung cho vay các lĩnh vực SXKD, hỗ trợ DN, HKD gặp khó khăn do tác động bởi dịch bệnh. Đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu vốn cho các dự án, phương án SXKD hiệu quả, các chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ.
Đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công trên địa bàn; thường xuyên thông tin, cảnh báo một số hiện tượng liên quan đến vấn đề an ninh, an toàn hoạt động thanh toán; khuyến khích khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử, hạn chế thấp nhất việc sử dụng tiền mặt.
Đồng thời, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, NHNN Việt Nam và UBND tỉnh về phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương; chỉ đạo các ngân hàng, TCTD thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, thông suốt.
Hồng Trung