Vùng TDMNPB có tổng diện tích rừng 5.731.460 ha, chiếm 39,6% diện tích rừng toàn quốc. Tính đến năm 2020, tỷ lệ che phủ rừng của vùng chiếm khoảng 52,6%, cao hơn trung bình chung cả nước (42,01%). Tổng trữ lượng rừng toàn vùng là 381.896 triệu m3 gỗ và 4.213 nghìn cây tre nứa, chiếm 28,1% trữ lượng gỗ, 43,9% trữ lượng tre nứa toàn quốc. Hệ sinh thái rừng TDMNPB còn là nơi lưu giữ, cung cấp nguồn nước, gỗ, lâm sản ngoài gỗ và các nguồn tài nguyên khoáng sản cho đất nước...
Năm 2020, sản lượng khai thác gỗ rừng đạt 7,9 triệu m3, ước đạt khoảng 9.480 tỷ đồng, chiếm 38,5% sản lượng gỗ khai thác toàn quốc. Có 747 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, chế biến gỗ và lâm sản, chiếm trên 12,7% số doanh nghiệp của cả nước. Vùng TDMNPB chiếm trên 70% tổng số loài thực vật lâm sản ngoài gỗ và trên 90% các loài lâm sản ngoài gỗ quý hiếm của cả nước. Ngoài ra, còn có tiềm năng phát triển nhà máy thủy điện, cung cấp nước sạch, nước công nghiệp; dịch vụ hấp thụ và lưu trữ các bon; du lịch sinh thái.
Bên cạnh những tiềm năng, vùng TDMNPB còn nhiều thách thức trong phát triển kinh tế rừng: Địa hình hiểm trở, hạ tầng giao thông hạn chế; thiếu quy hoạch, phát triển vùng nguyên liệu đảm bảo sản lượng, chất lượng; thiếu nhà máy, cơ sở chế biến cả về số lượng, chất lượng để tiêu thụ nguyên liệu cũng như nâng cao giá trị sản phẩm. Thiếu liên kết, tổ chức sản xuất theo chuỗi từ trồng, khai thác, chế biến, tiêu thụ hàng hóa lâm sản để nâng cao giá trị sản phẩm.
Đại biểu dự hội nghị đã phân tích, đánh giá tiềm năng, hạn chế và chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế dưới tán rừng tại địa phương. Trên cơ sở đó đề xuất một số giải pháp hướng tới phát triển hiệu quả kinh tế dưới tán rừng.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh, để phát triển và sử dụng bền vững đa giá trị của rừng tại các tỉnh TDMNPB cần phát triển lâm nghiệp bền vững trên cơ sở quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên rừng; hài hòa các mục tiêu KT-XH, bảo vệ môi trường, phát huy tiềm năng về khí hậu. Phát triển, sử dụng rừng theo hướng đa chức năng, đa giá trị trên cơ sở tiềm năng, lợi thế của từng tiểu vùng, địa phương. Nâng cao giá trị các sản phẩm của rừng theo chuỗi. Tích hợp giá trị của rừng với giá trị về văn hóa gắn liền với những phong tục, tập quán đặc sắc của đồng bào dân tộc miền núi phía Bắc. Xã hội hóa, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư, khai thác tiềm năng, thế mạnh về giá trị của hệ sinh thái rừng ở từng địa phương.
Thu Thủy