(HBĐT) - Sáng 8/12, tại Hội trường Văn phòng Đoàn ĐBQH&HĐND tỉnh diễn ra Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026. thay mặt UBND tỉnh, đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã trình bày Báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH, dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022. Báo Hòa Bình điện tử xin giới thiệu nội dung Báo cáo tóm tắt.


Đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trình  bày Báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH, dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán nhân sách Nhà nước năm 2022


Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh!

Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội, HĐND tỉnh, các vị khách quý và cử tri, nhân dân các dân tộc trong tỉnh.!

Theo chương trình Kỳ họp, Ủy ban nhân dân tỉnh đã gửi đến Hội đồng nhân dân tỉnh 46 Báo cáo và Tờ trình về các lĩnh vực, trong đó có các báo cáo đánh giá đầy đủ, toàn diện về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2021, dự kiến Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022. Thay mặt Ủy ban nhân dân tỉnh, tôi xin báo cáo HĐND tỉnh, cử tri và nhân dân các dân tộc trong tỉnh những nội dung chủ yếu như sau:

Phần I

Kết quả thực hiện kế hoạch phát kinh tế - xã hội năm 2021;

Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022

Năm 2021 diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước và của tỉnh; là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và các kế hoạch 5 năm 2021 2025, trong bối cảnh cả nước phải đối mặt với đợt dịch bệnh Covid-19 bùng phát lần thứ tư với diễn biến phức tạp hơn, nguy hiểm hơn, tại nhiều địa phương, trung tâm kinh tế, đô thị lớn, khu công nghiệp, khu chế xuất,... đã bị dịch bệnh Covid-19 xâm nhập. Ở trong tỉnh cũng đã xuất hiện các ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng làm ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội, sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.

Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo thống nhất của Tỉnh ủy, trực tiếp, thường xuyên là Ban Thường vụ Tỉnh ủy; sự kịp thời ban hành những quyết sách đặc thù phục vụ phòng, chống dịch, phát triển KT-XH, bảo đảm an sinh xã hội và giám sát hiệu quả của Hội đồng nhân dân,Thường trực HĐND tỉnh; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Ủy ban nhân dân tỉnh, các cấp, các ngành, các địa phương và sự đồng tình, ủng hộ, chia sẻ, tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, rất đáng khích lệ trong toàn hệ thống và trên các lĩnh vực, cụ thể như sau:

I. KẾT QUẢ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2021

Nhằm khắc phục những khó khăn do tác động nghiêm trọng của dịch COVID-19, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương vừa phải quyết liệt triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương và các Nghị quyết, chương trình, kế hoạch hành động của Chính phủ, của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND tỉnh vừa phải tập trung giải quyết khó khăn, tháo gỡ vướng mắc, vượt qua thách thức; nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực. Trong tổng số 19 chỉ tiêu chủ yếu, có 14/19 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra, còn 05 chỉ tiêu không đạt kế hoạch, (gồm: Tốc độ tăng trưởng; GRDP bình quân đầu người; Tổng đầu tư toàn xã hội; Năng suất lao động và Tỷ lệ người dân tham gia BHYT). Kết quả cụ thể trên các lĩnh vực như sau:

1. Lĩnh vực kinh tế

1.1. Tăng trưởng kinh tế: Theo thông báo mới nhất của Tổng cục Thống kê (Công văn số 1796/TCTK-TKQG, ngày 30/11/2021), tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2021 ước tăng 2,66% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: Nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 4,8%; công nghiệp - xây dựng giảm 0,07% (riêng công nghiệp giảm 2,49%); dịch vụ tăng 3,75%; thuế sản phẩm tăng 9,9%.

1.2. Thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát

a) Về giá cả và lạm phát: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm ước tăng 3% so với bình quân cùng kỳ năm 2020.

b) Về tiền tệ, tín dụng: Ước đến 31/12/2021, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng đạt 33.665 tỷ đồng, tăng 16% so với cuối năm 2020; trong đó, vốn huy động từ các tổ chức kinh tế và dân cư ước đạt 25.787 tỷ đồng, tăng 17% so với cuối năm 2020. Tổng dư nợ toàn địa bàn đạt 28.554 tỷ đồng, tăng 16% so với 31/12/2020. Nợ xấu toàn địa bàn chiếm khoảng 2% tổng dư nợ.Tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm tháo gỡ khó khó khăn cho các khách hàng bị thiệt hại do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

1.3. Bảo đảo và cải thiện các cân đối lớn về kinh tế

a) Thu, chi ngân sách nhà nước

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 5.070 tỷ đồng, bằng 116% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao và bằng 100% so với Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước. Tổng chi ngân sách địa phương ước đạt 13.549,2 tỷ đồng, bằng 114% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao và bằng 108% so với Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh, bằng 95% so với cùng kỳ năm trước. Đã sử dụng 68,3 tỷ đồng nguồn dự phòng ngân sách tỉnh, bằng 81,4% dự toán giao; trong đó, chi phòng, chống dịch Covid-19 là 49,8 tỷ đồng, hỗ trợ nhóm đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 là 3,4 tỷ đồng.

b) Đầu tư phát triển: Kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2021 được Thủ tướng Chính phủ giao là 3.781 tỷ đồng; số vốn đã được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua là 4.086 tỷ đồng, hiện nay đã phân bổ, giao chi tiết đạt 100% kế hoạch vốn. Tình hình giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công đến ngày 31/10/2021 được 2.419 tỷ đồng, đạt 64% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao và đạt 59% kế hoạch vốn đã được giao chi tiết cho các dự án. Ước cả năm sẽ hoàn thành giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công được giao.

c) Xuất, nhập khẩu: Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới làm đứt gãy thương mại quốc tế, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của cả nước cũng như tỉnh Hòa Bình vẫn giữ được mức tăng trưởng khá. Kim ngạch xuất khẩu cả năm ước đạt 1.218 triệu USD, tăng 18,02% so với cùng kỳ năm trước, bằng 100% so với kế hoạch năm. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 980 triệu USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước, bằng 100% so với kế hoạch năm.

1.4. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản và xây dựng nông thôn mới

Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản ước đạt 20.521 tỷ đồng, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước. Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm ước đạt 120 nghìn ha, trong đó diện tích cây lương thực có hạt đạt 70 nghìn ha, sản lượng đạt 36 vạn tấn, tăng 3% so với cùng kỳ, đạt 100% kế hoạch. Các địa phương tiếp tục quan tâm phát triển các sản phẩm lợi thế; cơ cấu cây trồng tiếp tục được chuyển đổi theo hướng tích cực. Triển khai các biện pháp quyết liệt phòng, chống bệnh dịch trên đàn gia súc, gia cầm; các địa phương, các chủ trang trại, gia trại, các doanh nghiệp đang tiếp tục đẩy mạnh tái đàn lợn, mở rộng chăn nuôi. Đã trồng được trên 992 nghìn cây phân tán và cây ăn quả các loại và 6,7 nghìn ha rừng tập trung, tăng 19,3% so với kế hoạch; chăm sóc bảo vệ 100% diện tích rừng trồng hiện có; tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định 51,5%. Toàn tỉnh có 2,7 nghìn ha diện tích mặt nước và trên 4,7 nghìn lồng nuôi cá; sản lượng thu hoạch ước đạt 11,7 nghìn tấn. Có thêm 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới là 62 xã (bằng 48,1% tổng số xã), trung bình 1 xã đạt 15,5 tiêu chí; có 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 46 khu dân cư kiểu mẫu, 151 vườn mẫu. Huyện Lạc Thủy đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020, nâng tổng số huyện đạt chuẩn nông thôn là 03 huyện, thành phố, bằng 30% tổng số huyện, thành phố. Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tiếp tục được triển khai theo kế hoạch.

1.5. Sản xuất công nghiệp

Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 41.260 tỷ đồng, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã từng bước phục hồi và sản xuất ổn định, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến chế tạo ước tăng 1,65% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh một số sản phẩm có kết quả tăng khá cao so với cùng kỳ năm trước thì một số sản phẩm chủ lực của ngành như sản xuất trang phục, vật liệu xây dựng, xi măng,... còn hoạt động cầm chừng do ít đơn đặt hàng, thiếu lao động và nguồn cung ứng nguyên vật liệu có lúc bị gián đoạn, riêng đối với ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính và sản phẩm quang học cơ bản sản xuất ổn định so với cùng kỳ năm trước. Đối với nhóm sản xuất và phân phối điện, sản lượng điện sản xuất năm 2021 ước đạt 7,7tỷ KWh, giảm 18,95% so với kế hoạch năm, sản lượng điện thương phẩm ước đạt 1.090 triệu KWh, tăng 3,61% so với kế hoạch năm.

1.6. Thương mại, dịch vụ

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2021 ước đạt 44.469 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước, bằng 100,02% kế hoạch năm. Tổng khách du lịch đến tỉnh Hoà Bình ước đạt 1,55 triệu lượt khách, giảm 21,9% so với cùng kỳ năm trước, bằng 45,1% kế hoạch năm; tổng doanh thu ước đạt 1.300 tỷ đồng, giảm 31,1% so với cùng kỳ năm trước, bằng 44,8% kế hoạch năm.

1.7. Phát triển doanh nghiệp, kinh tế tập thể và thu hút đầu tư

Có 50 dự án đầu tư trong nước được quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký khoảng 33.000 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước về số dự án đầu tư được cấp phép đầu tư tăng 7 dự án, vốn đăng ký đầu tư tăng khoảng 94,4%. Thu hồi 40 dự án, trong đó có 01 dự án FDI và 39 dự án đầu tư trong nước. Lũy kế đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có tổng số 651 dự án đang hoạt động; trong đó có 102 dự án đầu tư trong các Khu công nghiệp. Có 415 doanh nghiệp, 50 HTX và 10 tổ hợp tác đăng ký thành lập mới. Lũy kế đến hết năm 2021, toàn tỉnh ước có 4.180 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký gần 60.000 tỷ đồng, 469 HTX và 204 tổ hợp tác.

1.8. Công tác phát triển đô thị và hạ tầng kỹ thuật được đẩy mạnh; tỷ lệ đô thị hóa ước đạt 31,6%. Công tác quản lý đầu tư xây dựng và quản lý chất lượng các công trình giao thông được chú trọng; công tác quản lý vận tải đường bộ, đường thuỷ và quản lý phương tiện, đào tạo sát hạch lái xe tiếp tục được tăng cường. Công tác quản lý về tài nguyên, môi trường tiếp tục được triển khai thực hiện tốt.

2. Lĩnh vực văn hóa – xã hội

2.1. Giáo dục, đào tạo: Tiếp tục chỉ đạo các đơn vị, trường học tập trung triển khai thực hiện nhiều hoạt động nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và thực hiện đúng chương trình dạy và học theo quy định. Kết thúc năm học 2020-2021, tất cả các cấp học đều đã đạt được những thành tích tốt; thực hiện tốt các điều kiện cần thiết để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới trên địa bàn tỉnh. Công tác đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học trong các nhà trường được chú trọng; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đến cuối năm 2021 đạt 57,41%.

2.2. Công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân

Các hoạt động khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được duy trì và quan tâm, bảo đảm tất cả người bệnh cấp cứu được khám và điều trị kịp thời. Tích cực triển khai công tác phòng, chống bệnh dịch, chủ động giám sát các bệnh truyền nhiễm gây dịch trên địa bàn, đặc biệt là trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm phổi cấp Covid-19. Đến ngày 04/12/2021, tổng số vắc xin đã tiêm là 1.037.266 mũi, tổng số người đã được tiêm vắc xin là 592.426 người; ghi nhận tổng cộng 561 trường hợp mắc mới Covid-19 (trong đó có 29 ca nhập cảnh), đã điều trị khỏi, cho ra viện 102 trường hợp, còn 459 trường hợp đang được cách ly, điều trị, 79 trường hợp tái dương tính với Covid-19, đã hết cách ly 73 trường hợp, còn 04 trường hợp đang cách ly y tế và 02 trường hợp cách ly tập trung. Đối với các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm khác như cúm A (H7N9, H5N1,...), toàn tỉnh chưa ghi nhận bất kỳ trường hợp nào mắc bệnh; các bệnh truyền nhiễm thông thường khác không có sự gia tăng đột biến. Công tác đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm tiếp tục được quan tâm.

2.3. Lao động, việc làm, an sinh xã hội

Công tác lao động, việc làm và hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 được chú trọng; đến cuối năm 2021, toàn tỉnh ước có 16.120 lao động được giải quyết việc làm, trong đó xuất khẩu lao động được 150 người; tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp được 15.000 người. Đã triển khai hỗ trợ được 1.576 đơn vị sử dụng lao động và 42.026 người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với tổng kinh phí là 18.267,8 triệu đồng. Công tác đảm bảo an sinh xã hội được quan tâm thực hiện và đạt nhiều kết quả khá. Các cấp, các ngành đã triển khai thực hiện tốt phong trào đền ơn đáp nghĩa; các chính sách trợ cấp thường xuyên và trợ cấp một lần đối với người có công đảm bảo được giải quyết kịp thời. Thực hiện đầy đủ các chính sách đối với các đối tượng chính sách xã hội và người nghèo; rà soát, lập danh sách đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội để thực hiện gia hạn thẻ BHYT theo quy định. Ước đến cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn khoảng 6,6%, giảm 2% so với năm 2020. Công tác cấp sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế, giải quyết các chế độ chính sách cho người tham gia kịp thời.

2.4. Hoạt động văn hóa, thể dục thể thao: Công tác tuyên truyền, cổ động và tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ tiếp tục được tăng cường nhằm chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước và nhiệm vụ chính trị của địa phương; tiếp tục tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của nhân dân trong việc tham gia thực hiện phòng, chống dịch Covid-19. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn tỉnh tiếp tục được đẩy mạnh thực hiện. Công tác thể dục – thể thao, lĩnh vực gia đình tiếp tục được các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm. Tiếp tục chỉ đạo các khu, điểm du lịch và cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

2.5. Hoạt động thông tin truyền thông được tăng cường, bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt, kịp thời tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, có hiệu quả, góp phần phục vụ cải cách hành chính trong các cấp, các ngành.

2.6. Công tác dân tộc được triển khai đồng bộ; trong đó, các chương trình, dự án, chính sách dân tộc như Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi; Chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số theo Quyết định 12/2018/QĐ-TTg; Đề án tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo Quyết định số 2214/QĐ-TTg; Đề án đầu tư, hỗ trợ 36 thôn, bản khó khăn nhất tỉnh Hòa Bình đến năm 2020 theo Kế hoạch số 53/KH-UBND ngày 29/3/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh..., tiếp tục được triển khai thực hiện, nhằm phục vụ sản xuất, hỗ trợ nhà ở, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần cải thiện và từng bước nâng cao đời sống cho nhân dân.

Hoạt động của các tôn giáo cơ bản ổn định, đảm bảo theo truyền thống, đúng quy định của pháp luật; không xảy ra các vụ việc phức tạp và các điểm nóng về tôn giáo.

3. Xây dựng chính quyền, cải cách hành chính, thanh tra, tư pháp

Tổ chức bộ máy và hoạt động của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và các huyện, thành phố cơ bản ổn định. Tiếp tục triển khai sắp xếp, kiện toàn, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức và nâng cao chất lượng công vụ được đẩy mạnh. Công tác tuyển dụng, tiếp nhận thuyên chuyển, điều động công chức, viên chức được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Công tác cải cách hành chính tiếp tục được đẩy mạnh, chất lượng hoạt động của Trung tâm phục vụ hành chính công tiếp tục được nâng cao, giải quyết kịp thời nhu cầu của người dân, doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Hoạt động thanh tra được triển khai có trọng tâm, kịp thời phát hiện và xử lý các sai phạm trên nhiều lĩnh vực mà dư luận xã hội quan tâm. Trong năm 2021, toàn ngành Thanh tra đã triển khai 69 cuộc thanh tra hành chính, 30 cuộc thanh tra, 151 cuộc kiểm tra chuyên ngành. Thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu lại tố cáo. Các công tác thuộc lĩnh vực tư pháp được tăng cường và triển khai thực hiện đúng kế hoạch.

4. Quốc phòng, an ninh, đối ngoại

Các lực lượng chức năng luôn thực hiện nghiêm nhiệm vụ trực sẵn sàng chiến đấu. Chủ động phối hợp với các lực lượng giữ vững an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, cơ quan, đơn vị và các khu cách ly tập trung bảo đảm an toàn tuyệt đối. Công tác xây dựng lực lượng tiếp tục được nâng cao. Tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ kết hợp diễn tập thành lập bệnh viện dã chiến truyền nhiễm điều trị bệnh nhân Covid-19 mức độ nhẹ tại huyện Lạc Thủy, Cao Phong, diễn tập bảo đảm tác chiến phòng thủ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và diễn tập chiến đấu phòng thủ cấp xã, phường, thị trấn năm 2021. Tổ chức lễ giao quân năm 2021 theo đúng kế hoạch, hoàn thành 100% chỉ tiêu được giao. Đảm bảo công tác kỹ thuật cho các nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất. Làm tốt công tác chính sách hậu phương quân đội và quản lý công trình quốc phòng khu quân sự.

Tổ chức thực hiện có hiệu quả các phương án, kế hoạch bảo đảm an toàn các mục tiêu, các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội; tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp, mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tình hình an ninh chính trị nhìn chung tương đối ổn định; về tình hình tội phạm, đã xảy ra 597 vụ phạm pháp hình sự; khám phá, làm rõ được 556 vụ, đạt tỷ lệ 93,13%. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông và tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm an toàn giao thông.

Công tác đối ngoại và mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế tiếp tục triển khai có hiệu quả phù hợp với điều kiện thực tế.

II. KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2022

1. Mục tiêu tổng quát

Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng nhân dân. Thực hiện hiệu quả các đột phá chiến lược, cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của kinh tế tỉnh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, phấn đấu năm 2022 tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 9%. Tiếp tục tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, đồng thời quan tâm phát triển và hỗ trợ doanh nghiệp. Chú trọng thu hút, huy động các nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật; quyết liệt thực hiện các dự án trọng điểm của tỉnh. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp và dịch vụ, du lịch, nâng cao chất lượng phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Thúc đẩy ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Phát triển kinh tế đi đôi với phát triển văn hoá và thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và cải thiện đời sống nhân dân, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, chủ động phòng chống thiên tai. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả, hiệu lực bộ máy quản lý nhà nước. Mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh. Tăng cường công tác thông tin truyền thông hiệu quả, tạo đồng thuận xã hội.

2. Dự kiến một số chỉ tiêu chủ yếu

Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) đạt 9% trở lên. GRDP bình quân đầu người đạt 66,7 triệu đồng.Tổng đầu tư toàn xã hội 18.700 tỷ đồng. Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 6.410 tỷ đồng. Giá trị xuất khẩu đạt 1.437 triệu USD; giá trị nhập khẩu đạt 1.097 triệu USD. Tỷ lệ đô thị hoá đạt trên 32%. Năng suất lao động đạt 101,1 triệu đồng/lao động.

Tỷ lệ hộ nghèo giảm 3%. Tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội 55%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 59% (trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 23,6%). Tỷ lệ số trường đạt chuẩn quốc gia 59,5%. Có 28 giường và 9,32 bác sỹ/vạn dân. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế 92%. Có thêm 6 xã về đích nông thôn mới, nâng tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 52,7%; trung bình số tiêu chí nông thôn trên 1 xã đạt 16 tiêu chí.

Tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh 95,5%; dân số thành thị được sử dụng nước sạch 92%. Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 88%. Tỷ lệ các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý triệt để trong năm 2022 là 60%. Tỷ lệ khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 66,6% (4/6 khu công nghiệp). Tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 51,5%.

3. Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu

3.1. Tiếp tục thực hiện linh hoạt, hiệu quả "mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Triển khai thực hiện tốt tiêm vắc – xin để đạt miễn dịch cộng đồng.

Tiếp tục chỉ đạo thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Chính phủ số 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022; số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 về việc ban hành quy định tạm thời "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.

3.2. Tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ 4 đột phá chiến lược của tỉnh. Trong đó:

- Tập trung hoàn thiện Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngay trong đầu năm 2022.

- Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

- Phát triển nguồn nhân lực gắn với giải quyết việc làm, tăng năng suất lao động.

- Tăng cường huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình giao thông quan trọng mang tính đột phá trong phát triển kinh tế, xã hội.

3.3. Tiếp tục cơ cấu lại kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.

3.4. Tăng cường kỷ cương thu, chi ngân sách.

3.5. Tiếp tục thực hiện các giải pháp tạo chuyển biến mạnh mẽ, cải thiện căn bản các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của tỉnh; đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp và thu hút đầu tư.

3.6. Quản lý, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, gắn với bảo vệ môi trường.

3.7. Ngoài ra còn có các nhóm nhiệm vụ, giải pháp về văn hóa – xã hội, bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; nhiệm vụ, giải pháp về khoa học và công nghệ; dân tộc tôn giáo; công tác tổ chức bộ máy, xây dựng chính quyền; công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế.

Phần II

Kết quả thực hiện nhiệm vụ thu, chi ngân sách năm 2021; dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 và phê chuẩn quyết toán ngân sách năm 2020

1. Kết quả thực hiện nhiệm vụ thu, chi ngân sách năm 2021

Với tinh thần phấn đấu thu ngân sach nhà nước đạt mức cao nhất, dự kiến tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 5.070 tỷ đồng, bằng 116% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao và bằng 100% so với Nghị quyết HĐND tỉnh, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước.

Ước thu Ngân sách địa phương cả năm đạt 13.642,1 tỷ đồng, bằng 115% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao và tăng 9% so với chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh, trong đó, thu được hưởng theo phân cấp 4.258,8 tỷ đồng; thu bổ sung từ ngân sách cấp trên 7.485 tỷ đồng; thu chuyển nguồn 1.573 tỷ đồng; thu kết dư ngân sách 120,9 tỷ đồng; thu ngân sách cấp dưới nộp lên 164,5 tỷ đồng; thu vay huy động 40 tỷ đồng.

Dự kiến tổng chi ngân sách địa phương ước đạt 13.549,2 tỷ đồng, bằng 114% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao và bằng 108% so với Nghị quyết HĐND tỉnh, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: chi cân đối ngân sách địa phương 10.094,9 tỷ đồng; chi từ nguồn bổ sung có mục tiêu 1.716,7 tỷ đồng; chi chuyển nguồn sang năm sau 1.550 tỷ đồng; chi nộp ngân sách cấp trên 164,5 tỷ đồng; trả nợ gốc vay của ngân sách địa phương 23,2 tỷ đồng.

2. Về Kết quả quyết toán ngân sách địa phương năm 2020

Căn cứ kết quả thực hiện nhiệm vụ thu, chi của các sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND các huyện, thành phố, UBND tỉnh báo cáo kết quả thực hiện thu, chi ngân sách năm 2020 như sau :

- Dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ giao là 4.441,5 tỷ đồng; Nghị quyết HĐND tỉnh giao 5.000 tỷ đồng, thực hiện đạt 4.116 tỷ đồng, bằng 93% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 82% so với chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh, bằng 113% so với thực hiện năm 2019.

- Dự toán thu ngân sách địa phương Thủ tướng Chính phủ giao 12.507,9 tỷ đồng, HĐND tỉnh giao 12.996,2 tỷ đồng, thực hiện đạt 14.423,8 tỷ đồng, bằng 115% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao và tăng 11% so với chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh, bằng 110% so với thực hiện năm 2019.

- Dự toán chi ngân sách địa phương Thủ tướng Chính phủ giao 12.507,9 tỷ đồng, Nghị quyết HĐND tỉnh giao 12.996,2 tỷ đồng, thực hiện 14.327,9 tỷ đồng, bằng 115% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao và tăng 10% so với chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh và thực hiện năm 2019).

Số thực hiện thu, chi ngân sách địa phương tăng cao so với dự toán giao đầu năm là bao gồm các khoản được ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu trong năm để thực hiện các chế độ, chính sách, dự án quan trọng,… ngoài ra còn có khoản thu, chi chuyển nguồn từ năm 2019 chuyển sang được thực hiện và quyết toán vào năm 2020.

Nhiệm vụ thu, chi ngân sách năm 2020 thực hiện trong bối cảnh có nhiều khó khăn, nhiều nguyên nhân khách quan đã ảnh hưởng đến kết quả thu NSNN, như giá tính thuế giá trị gia tăng đối với sản xuất thuỷ điện năm 2020 giảm so với năm 2019 là 10,73 đồng/kwh, tiếp tục tình trạng thiếu nước kéo dài từ cuối năm 2019, sản lượng điện sản xuất trong năm 2020 sụt giảm, chỉ đạt 8,4 tỷ kwh, giảm 2,3 tỷ kwh so với dự toán TTCP giao và giảm 3,73 tỷ kwh so với chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh giao, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng sâu rộng đến kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh và thu nộp ngân sách.

Trước khả năng hụt thu điều tiết ngân sách cấp tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1608/QĐ-UBND ngày 16/7/2020 về cắt giảm nhiệm vụ chi thường xuyên với số tiền là 163,2 tỷ đồng; tiếp theo ngày 23/4/2021, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 854/QĐ-UBND về huỷ một số khoản dự toán năm 2020 để bù đắp hụt thu điều tiết ngân sách cấp tỉnh, với số huỷ dự toán là 733,8 tỷ đồng. Việc cắt giảm tập trung vào các nhiệm vụ chưa thực sự cần thiết, cấp bách và do giãn cách xã hội; dừng thanh toán đối với các công trình, dự án chưa có khối lượng, các chế độ, chính sách được đảm bảo đủ nguồn để thực hiện theo đúng dự toán giao.

Mặc dù đã thực hiện nhiều giải pháp, nhưng do số hụt thu quá lớn, UBND tỉnh tiếp tục quyết định trích 70% số dư đầu năm 2020 của Quỹ dự trữ tài chính chuyển vào thu ngân sách năm 2020 với số tiền là 29,7 tỷ đồng, chuyển một phần khoản chi mua thẻ bảo hiểm y tế sang tạm ứng với số tiền là 92,1 tỷ đồng để đảm bảo cân đối ngân sách năm 2020.

3. Về quyết định dự toán ngân sách địa phương và phương án phân bổ ngân sách cấp tỉnh năm 2022

3.1. Trong năm 2022, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2022 là 6.410 tỷ đồng, tăng 64% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 126% chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh giao năm 2021, trong đó:

- Thu nội địa là 6.095 tỷ đồng, bằng 170% so với dự toán TTCP giao và tăng 26% so với chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh giao năm 2021, bao gồm: Thu từ thuế, phí 2.995 tỷ đồng, tăng 26% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 96% chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh giao năm 2021. Thu tiền sử dụng đất 3.100 tỷ đồng, bằng 258% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, tăng 82% so với chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh giao năm 2021.

- Thu xuất nhập khẩu 315 tỷ đồng, bằng 100% so với dự toán TTCP giao, tăng 26% so với chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh giao năm 2021.

3.2. UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua dự toán thu ngân sách địa phương trong là 14.625 tỷ đồng, tăng 21% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, tương đương với số tuyệt đối tăng 2.490,1 tỷ đồng, bằng 117% chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh giao năm 2021.

3.3. UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua dự toán chi ngân sách địa phương trong năm 2022 là 14.625 tỷ đồng, tăng 21% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, tương đương với số tuyệt đối tăng 2.494,7 tỷ đồng, bằng 117% chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh giao năm 2021, trong đó:

- Chi cân đối ngân sách địa phương: 13.043,1 tỷ đồng, tăng 24% so dự toán TTCP giao và bằng 120% so với chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh giao 2021, bao gồm: Chi đầu tư phát triển: 4.232,2 tỷ đồng. Chi thường xuyên: 8.548,7 tỷ đồng. Chi bổ sung Quỹ Dự trữ tài chính: 1,3 tỷ đồng; Dự phòng ngân sách: 260,9 tỷ đồng;

- Chi bổ sung mục tiêu từ ngân sách trung ương: 1.581,9 tỷ đồng, bao gồm: Chi thực hiện các công trình, dự án quan trọng: 1.524,2 tỷ đồng. Chi thực hiện một số chế độ, chính sách theo quy định: 57,7 tỷ đồng.

Kính thưa quy vị đại biểu!

Trong bối cảnh tỉnh ta còn nhiều khó khăn, thách thức với những diễn biến và tác động khó lường của đại dịch COVID-19, nhiệm vụ thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022 là rất nặng nề. Với tinh thần, ý chí quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, nhất định chúng ta sẽ sớm đẩy lùi dịch bệnh để phục hồi và phát triển KT-XH, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, đưa tỉnh Hòa Bình vững bước tiến lên trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển.

Ủy ban nhân dân tỉnh trân trọng đề nghị và mong tiếp tục nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy; sự quan tâm, ủng hộ và giám sát của Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội, cử tri và toàn thể nhân dân các dân tộc trong tỉnh để cùng Ủy ban nhân dân tỉnh quyết tâm hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH mà Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân đã giao.

Xin trân trọng cảm ơn Hội đồng nhân dân tỉnh, đồng chí,nhân dân và cử tri trong tỉnh./.


Các tin khác


Những đối tượng được điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng từ năm 2022

Ngày 7/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Nghị định 108/2021/NQ-CP về việc điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) và trợ cấp hàng tháng đối với các đối tượng hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng trước ngày 1/1/2022.

Huyện Mai Châu: Quan tâm nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

(HBĐT) - Những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện Mai Châu đã tranh thủ các nguồn lực đầu tư, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phát triển kinh tế vùng khó khăn nhằm nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS).

Chủ động phòng, chống dịch lở mồm, long móng trên gia súc

(HBĐT) - Thời điểm cuối năm, khi thời tiết chuyển lạnh là điều kiện dễ bùng phát dịch bệnh lở mồm, long móng (LMLM) trên đàn trâu, bò, lợn. Để hạn chế thiệt hại do dịch bệnh gây ra, ngành chức năng khuyến cáo, người chăn nuôi cần quan tâm thực hiện các biện pháp phòng bệnh, đặc biệt là tiêm vắc xin cho đàn vật nuôi.

Tích cực trồng cây, gây rừng "Vì một Việt Nam xanh"

(HBĐT) - Hưởng ứng phong trào Tết trồng cây và Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh "Vì một Việt Nam xanh”, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh trồng rừng tập trung được 7.189,72 ha (đạt 117,93% kế hoạch) và 1.050.989 cây phân tán (đạt 134,39% kế hoạch). Tổng thu nhập từ rừng của các tổ chức, hộ gia đình trên địa bàn toàn tỉnh ước đạt 843.432,45 tỷ đồng. Đa số các huyện, thành phố đều hoàn thành hoặc vượt kế hoạch trồng rừng tập trung và cây phân tán, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững của tỉnh.

Gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước

Chính phủ ban hành Nghị định 104/2021/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước.

Đề xuất mức giảm thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay còn 1.000 đồng/lít

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa phản hồi đề nghị của Bộ Tài chính về việc góp ý hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục