Hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp bờ trái sông Đà (TP Hòa Bình) được đầu tư khá đồng bộ, hiện tỷ lệ lấp đầy đạt 86%.
Tuy nhiên, tìm hiểu thực tế cho thấy, số dự án đầu tư vào các K,CCN chưa cao, vốn đăng ký đầu tư còn nhỏ. Hạ tầng ngoài hàng rào K,CCN chưa được quan tâm đầu tư nhiều; còn có những K,CCN chưa được triển khai đầu tư. Việc ưu tiên bố trí nguồn ngân sách để đầu tư, hoàn thiện hạ tầng các K,CCN còn hạn chế, nhất là đối với CCN. Cụ thể, giai đoạn 2016 - 2020, tổng vốn đầu tư cho KCN đạt 1.097,371 tỷ đồng, CCN 191,519 tỷ đồng; trong số này phần nhiều là vốn của doanh nghiệp, vốn hỗ trợ từ T.Ư và vốn địa phương thấp.
Hiện còn tồn tại việc các NĐT dự án vào K,CCN phải thực hiện các thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng (GPMB) như các dự án ngoài K,CCN. Nhiều CCN chưa có hoặc chưa hoàn thiện đầu tư hạ tầng kỹ thuật, do đó, việc thu hút các dự án vào các CCN chưa thực sự hấp dẫn đối với các NĐT thứ cấp. Thực tế, các NĐT có xu hướng đề xuất thực hiện dự án ngoài CCN nhiều hơn là trong CCN. Bên cạnh đó, "Công tác đền bù, GPMB, thu hồi đất, tái định cư còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, thời gian thực hiện kéo dài đã làm chậm tiến độ triển khai thực hiện dự án của các chủ đầu tư hạ tầng, từ đó gây khó khăn trong việc thu hút đầu tư vào các CCN" - Giám đốc Sở Công Thương Phạm Tiến Dũng cho hay.
Trong năm nay, tại nhiều cuộc họp của UBND tỉnh, đồng chí Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã thẳng thắn chỉ rõ: Hiện, công tác quy hoạch nhiều K,CCN không còn phù hợp với điều kiện phát triển KT-XH giai đoạn 2021 - 2025, có nơi chưa tính toán bài toán kinh tế. Đầu tư hạ tầng nhưng giá cho thuê có khi cao hơn nhiều các tỉnh, thành phố khác nên khó thu hút NĐT thứ cấp. Hầu hết các K,CCN khi quy hoạch đã không quy hoạch khu tái định cư cho người dân bị thu hồi đất, không có quy hoạch hạ tầng xã hội. Tỉnh cũng chưa kiên quyết xử lý thu hồi đối với các NĐT hạ tầng không triển khai hoặc chậm triển khai dự án.
Ngoài ra, theo đánh giá của UBND tỉnh, công tác phối hợp giữa một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự hiệu quả. Sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa thật sự quyết liệt, nhất là trong công tác GPMB, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Chưa có các giải pháp đủ thông thoáng để thu hút đầu tư phát triển hạ tầng các K,CCN.
Giai đoạn 2021 - 2025 tỉnh đề ra mục tiêu, nhiệm vụ: Huy động mọi nguồn lực, tập trung chủ yếu vào các nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách, xã hội hóa đầu tư để đầu tư phát triển, hoàn thiện hạ tầng K,CCN, gắn phát triển công nghiệp với phát triển xã hội, hạ tầng đô thị - dịch vụ kèm theo, bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo phát triển bền vững. Phấn đấu đến năm 2025, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng chiếm 54% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật các KCN có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển như: Yên Quang, Mông Hóa, Nam Lương Sơn, Lạc Thịnh. Nâng cao tỷ lệ lấp đầy diện tích các KCN đã hình thành lên trên 80%. Phấn đấu đến năm 2025, diện tích đất các K,CCN chiếm khoảng 1% diện tích đất tự nhiên của tỉnh (tương đương 4.600 ha).
Hiện, toàn tỉnh có khoảng 938 ha đất KCN và 585 ha đất CCN đã được quy hoạch nhưng chưa được đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Ngoài ra, còn 1.263 ha đất KCN dự kiến quy hoạch bổ sung trong giai đoạn 2021 - 2025 để đáp ứng chỉ tiêu diện tích đất các K,CCN chiếm khoảng 1% diện tích tự nhiên của tỉnh. Theo đó, nguồn lực dự kiến cần kêu gọi, huy động tối thiểu là 14.197,5 tỷ đồng, bao gồm 13.202,5 tỷ đồng cho KCN và 995 tỷ đồng cho CCN.
Để đạt được mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, các giải pháp trọng tâm được tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện là: Tích hợp đồng bộ quy hoạch các K,CCN vào quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Nghiên cứu giải pháp nâng cao tỷ lệ lấp đầy các KCN đã hình thành nhằm tháo gỡ vướng mắc khi bổ sung quy hoạch KCN mới, triển khai thu hút các NĐT thứ cấp vào K,CCN có hiệu quả, đáp ứng tỷ lệ lấp đầy các KCN đã hình thành lên trên 80%.
Rà soát, đánh giá lại tiến độ, chất lượng thực hiện dự án các K,CCN. Ưu tiên thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng các KCN: Mông Hóa, Yên Quang, Lạc Thịnh, Nhuận Trạch, Nam Lương Sơn; CCN Tiên Tiến. Phát triển CCN ở vùng quy hoạch như Phong Phú (Tân Lạc), Khoang U (Lạc Sơn), xóm Rụt (Lương Sơn)... Huy động xã hội hóa đầu tư xây dựng các công trình tiện ích xã hội phục vụ nhu cầu công nhân, cán bộ tại các KCN.
Tập trung huy động mọi nguồn lực để hoàn thiện hệ thống hạ tầng công nghiệp, đặc biệt đầu tư hoàn hiện hạ tầng giao thông, khu xử lý nước thải tập trung; hạ tầng kỹ thuật đến chân hàng rào các K,CCN. Đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các dự án: Trạm xử lý nước thải KCN bờ trái sông Đà, đường vào KCN Yên Quang, đường trục chính KCN Mông Hóa, đường từ quốc lộ 6 đến KCN Nhuận Trạch (Lương Sơn), đường từ đường Hồ Chí Minh đến KCN Thanh Hà, CCN Phú Thành II (Lạc Thủy). Hỗ trợ NĐT đầu tư hoàn thiện hạ tầng các K,CCN, tháo gỡ khó khăn trong GPMB để đẩy mạnh thu hút đầu tư, đặc biệt là các K,CCN nằm trong vùng động lực của tỉnh...