Gia đình ông Bùi Văn Thực, xóm Chuông, xã Mỹ Hòa (Tân Lạc) sử dụng vốn chính sách để nuôi trâu vỗ béo, nuôi lợn và trồng bưởi đem lại thu nhập ổn định.
Tân Lạc là huyện còn nhiều khó khăn nên nhu cầu được vay vốn chính sách của người dân rất lớn, nhất là bà con ở các xã vùng cao, vùng sâu. Những năm qua, Phòng giao dịch (PGD) NHCSXH huyện đã nỗ lực huy động nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu của người dân. Đến hết tháng 11/2021, tổng dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn đạt trên 430 tỷ đồng, với trên 14,8 nghìn khách hàng còn dư nợ. Đồng chí Nguyễn Tuấn Ngọc, Giám đốc PGD NHCSXH huyện cho biết: Thời gian qua, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của hộ nghèo và đối tượng chính sách, cũng như hoạt động giao dịch xã của đơn vị. Tuy nhiên, đơn vị đã chủ động, linh hoạt thay đổi lịch giao dịch nên vừa đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch, vừa duy trì hoạt động giao dịch xã ổn định, có chất lượng và tuân thủ đúng quy trình nghiệp vụ. Từ đầu năm đến nay, vốn chính sách đã được truyền tải kịp thời đến trên 4,3 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách, giúp nhiều hộ dân có vốn để tiếp tục phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững trên chính mảnh đất quê hương.
Điển hình như gia đình ông Bùi Văn Thực, xóm Chuông, xã Mỹ Hòa trước đây là một trong những hộ khó khăn nhất xóm. Ông Thực cho biết, mặc dù gia đình có nhiều đất để sản xuất nhưng vì không có vốn nên năm này qua năm nọ chỉ trồng ngô, sắn, thu nhập bấp bênh. Đến năm 2019, được tạo điều kiện vay 50 triệu đồng từ NHCSXH, gia đình ông có điều kiện để đầu tư phát triển kinh tế. Ông dùng số tiền này đầu tư nuôi trâu vỗ béo, nuôi lợn và trồng bưởi. "Đối với những hộ còn khó khăn thì vốn vay từ NHCSXH có ý nghĩa rất quan trọng, bởi lãi suất ưu đãi, thủ tục đơn giản. Nhờ được vay vốn chính sách mà kinh tế của gia đình đã khá hơn trước, thu nhập ổn định hơn” - ông Thực chia sẻ.
Cùng xóm với gia đình ông Thực, gia đình ông Bùi Hồng Phi cũng đã sử dụng vốn chính sách hiệu quả để phát triển kinh tế. Năm 2017, gia đình ông Phi được vay 30 triệu đồng từ NHCSXH để chăn nuôi trâu sinh sản và trồng mía tím. Với sự cần cù, chịu khó đồng vốn vay đã sinh lời, giúp đời sống gia đình ngày càng ấm no hơn. Ông Phi cho biết: Trước đây, kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn vì không có vốn để đầu tư. Từ khi được vay vốn chính sách, gia đình tập trung phát triển kinh tế để nâng cao thu nhập và đảm bảo trả lãi, nợ đúng hạn cho ngân hàng. Đến nay, thu nhập dần ổn định, gia đình đã xây được căn nhà mới kiên cố hơn.
Theo ông Phi chia sẻ, ngoài sự nỗ lực của bản thân thì từ khi được vay vốn chính sách, gia đình ông nhận được nhiều sự hỗ trợ, hướng dẫn về sử dụng vốn vay hợp lý, hiệu quả từ tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV), tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác. Đó cũng là một trong những việc làm thường xuyên mà PGD NHCSXH huyện thực hiện. Đồng chí Nguyễn Tuấn Ngọc, Giám đốc PGD NHCSXH huyện cho biết thêm: Để phát huy hiệu quả sử dụng vốn chính sách, NHCSXH huyện phân công cán bộ tín dụng phối hợp các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, tổ trưởng tổ TK&VV thường xuyên kiểm tra việc sử dụng vốn, hướng dẫn, hỗ trợ hộ vay tiếp cận các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả. Đồng thời củng cố, nâng cao chất lượng các tổ vay vốn, công tác bình xét cho vay được thực hiện nghiêm túc, minh bạch, đảm bảo vốn vay đến đúng đối tượng. Nhờ đó, chất lượng tín dụng chính sách của đơn vị luôn được củng cố, nâng cao, nhiều năm liên tục không có nợ quá hạn.
Viết Đào