(HBĐT) - Năm 2021, UBND tỉnh đề ra mục tiêu phấn đấu có thêm 6 xã đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới (XDNTM). Tuy nhiên, với sự đồng thuận, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, cùng tinh thần vượt khó của mỗi địa phương, đến hết năm, toàn tỉnh có thêm 9 xã về đích NTM, vượt 3 xã so với kế hoạch. Đáng chú ý, trong đó có những xã thuộc diện đặc biệt khó khăn như: Quyết Chiến, Gia Mô (Tân Lạc), Cao Sơn (Đà Bắc), Hữu Lợi (Yên Thủy) và nhiều xã có xóm đặc biệt khó khăn.
Đường giao thông nông thôn xóm Hải Phong, xã Bắc Phong (Cao Phong) được bê tông hóa, góp phần giúp xã về đích nông thôn mới năm 2021.
Bắt đầu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM, các xã đều có điểm xuất phát rất thấp khi bình quân mới chỉ đạt 3,3 tiêu chí/xã. Đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân còn nhiều thiếu thốn; sản xuất thuần nông, trong khi trình độ thâm canh khá lạc hậu; cơ sở hạ tầng KT-XH chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, đặc biệt giao thông khó khăn là trở ngại lớn của các xã. Trước thực tế này, với sự nỗ lực, bền bỉ của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự ủng hộ tích cực của người dân và từ phong trào thi đua chung sức XDNTM lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng đã mang lại hiệu quả rõ nét. Bộ mặt làng quê đã được "thay áo mới".
Năm nay, mùa xuân đến sớm với xã vùng sâu Gia Mô, bởi ước vọng về xã NTM trở thành hiện thực. Đã có thời điểm tưởng chừng mục tiêu không thể hoàn thành trong năm 2021. Tuy nhiên, với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và sự vào cuộc của mỗi gia đình, Gia Mô đã kịp cán đích NTM trong niềm vui của cán bộ, Nhân dân. Thuộc diện đặc biệt khó khăn nên nơi đây từng là xã "nhiều không". Đến nay, cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư xây dựng theo quy hoạch, ngày càng khang trang, đồng bộ, nổi bật là phát triển hệ thống giao thông nông thôn, thủy lợi, điện, trường học, trạm y tế, cơ sở vật chất văn hóa. Toàn xã có 100% đường trục xã, liên xã, 72,5% đường trục thôn, xóm được nhựa hóa, bê tông hóa; 100% đường ngõ xóm sạch, không lầy lội vào mùa mưa... Hệ thống thủy lợi đáp ứng nhu cầu, diện tích sản xuất chủ động được tưới tiêu đạt 85%. Xã có 2/2 trường học đạt chuẩn quốc gia. Trên địa bàn không còn nhà tạm, dột nát; gần 90% hộ có nhà ở đạt chuẩn. Đẩy mạnh phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ đã nâng thu nhập bình quân đạt 36,6 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn khoảng 10%...
Cũng như Gia Mô, năm qua, với sự chủ động, sáng tạo, cùng nhiều cách làm hay, mô hình hiệu quả đã giúp 8 xã hoàn thành mục tiêu NTM, gồm: Quyết Chiến (Tân Lạc); Bắc Phong (Cao Phong); Quang Tiến (TP Hòa Bình); Cao Sơn (Đà Bắc); Yên Phú, Tân Lập (Lạc Sơn); Bao La (Mai Châu) và Hữu Lợi (Yên Thủy).
Điểm nhấn XDNTM là các xã tập trung cao nhất cho phát triển kinh tế, ưu tiên phát triển sản phẩm hàng hóa chủ lực, đem lại thu nhập cao. Song song với chuyển đổi cơ cấu nội ngành, các xã chú trọng xây dựng, nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ, mở rộng các loại hình tổ hợp tác, HTX, quan tâm phát triển kinh tế hộ. Trong đó phải kể đến mô hình trồng cây ăn quả có múi và liên kết trồng, chăm sóc dưa chuột bao tử ở xã Yên Phú; mô hình liên kết trồng cam tại xã Bắc Phong; trồng rau su su an toàn ở xã Quyết Chiến; trồng dưa chuột, chăn nuôi gà thả vườn an toàn sinh học ở xã Quang Tiến. "Đặc biệt, trên địa bàn xã Quang Tiến có khu công nghiệp Yên Quang, cụm công nghiệp Tiên Tiến và có đường Hòa Lạc - Hòa Bình chạy qua. Đây là cơ hội, điều kiện thuận lợi giúp xã chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong thời gian tới và hứa hẹn trở thành điểm sáng phát triển KT-XH của TP Hòa Bình" - Chủ tịch UBND TP Hoà Bình Bùi Quang Điệp cho biết.
Năng động, vượt khó phát triển kinh tế, đến nay, thu nhập bình quân của 9 xã đạt 38,94 triệu đồng/người/năm, tăng 28,86 triệu đồng so với năm 2011; trong đó có những xã thu nhập cao như Quang Tiến đạt 45 triệu đồng/người, Yên Phú đạt 42 triệu đồng/người/năm... Tỷ lệ hộ nghèo bình quân của các xã còn 8,34% (năm 2011 là 36,49%).
Thực tế cho thấy, để đạt được kết quả XDNTM, việc huy động, lồng ghép hiệu quả các nguồn lực hết sức quan trọng. Theo đó, các xã đã huy động được gần 1.699.900 triệu đồng, ngoài nguồn ngân sách T.Ư, ngân sách tỉnh, huyện, xã, các xã đã lồng ghép vốn của các chương trình, dự án được gần 295.300 triệu đồng; vốn tín dụng trên 330 tỷ đồng; huy động các doanh nghiệp, HTX gần 64.200 triệu đồng và nguồn huy động Nhân dân, huy động khác gần 259.400 triệu đồng, bao gồm công lao động, hiến đất, tài sản trên đất, vật liệu xây dựng, ca máy, tiền mặt...
Đánh giá về công tác XDNTM, đồng chí Trần Đức Trường, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết: Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tới các mặt của đời sống xã hội, song các cấp, các ngành và người dân rất tích cực trong việc vừa phòng, chống dịch, vừa thực hiện chương trình XDNTM. Qua hoạt động phối hợp của Ủy ban MTTQ tỉnh với các huyện, thành phố trong việc lấy ý kiến tham gia của MTTQ xã cùng các tổ chức thành viên và ý kiến về sự hài lòng của người dân của các xã đều đạt tỷ lệ cao, có những xã đạt 95 - 97%. Cán bộ, Nhân dân rất phấn khởi với thành quả XDNTM. Tuy nhiên, cũng còn bộ phận người dân một số xã băn khoăn về chất lượng điện sản xuất và sinh hoạt, sử dụng nước hợp vệ sinh; cơ sở vật chất trường, lớp học, chất lượng giáo dục có nơi vẫn thấp; việc hỗ trợ sản xuất, nâng cao thu nhập, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người dân hiệu quả chưa cao... Vì vậy, rất mong các ngành chức năng, địa phương quan tâm giải quyết để đáp ứng sự mong đợi của bà con.
Cũng nhằm nâng cao hiệu quả bền vững của xã NTM, đồng chí Trần Đức Thắng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT đề nghị: UBND các huyện, thành phố tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền và tổ chức các phong trào thi đua XDNTM từ cấp huyện đến thôn, xóm. Huy động đa dạng hóa nguồn lực để hoàn thiện, nâng cao chất lượng các tiêu chí theo Bộ tiêu chí xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu; khu dân cư NTM kiểu mẫu, vườn mẫu. Tập trung đẩy nhanh thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với phát triển ngành nghề, thu hút đầu tư của doanh nghiệp, mở rộng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm và thu hút đầu tư…
Đồng thời, chú trọng giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí về giao thông, thủy lợi, điện... Thực hiện tốt công tác quản lý, sử dụng các công trình cơ sở vật chất về văn hóa, y tế, giáo dục, môi trường... nhằm khai thác có hiệu quả công năng sử dụng; có cơ chế huy động nguồn lực để duy tu, bảo dưỡng, duy trì hoạt động của các công trình đảm bảo thiết thực, tránh lãng phí...
(HBĐT) - Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 diễn biến phức tạp ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, tiêu thụ nông sản của TP Hòa Bình. Nhiều mặt hàng bị tồn đọng với khối lượng lớn, dẫn đến chuỗi sản xuất bị đứt gãy. Trước thực tế đó, TP Hòa Bình đã triển khai nhiều giải pháp, giúp các cơ sở, hộ sản xuất, kinh doanh tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất và lưu thông hàng hóa.
(HBĐT) - Theo số liệu thống kê, toàn huyện Yên Thủy có 880 ha bưởi, diện tích đang cho thu hoạch 415 ha; hình thành các vùng sản xuất cây có múi an toàn tập trung như xóm Đại Đồng (xã Ngọc Lương), xóm Đội 2 (xã Bảo Hiệu), khu nông trường (thị trấn Hàng Trạm). Thu nhập bình quân từ cây bưởi Diễn đạt từ 300 - 400 triệu đồng/ha/năm. Toàn huyện có gần 120 ha bưởi tại các xã: Ngọc Lương, Hữu Lợi, Bảo Hiệu, thị trấn Hàng Trạm sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ.
(HBĐT) - Trong năm 2021, Tỉnh ủy, UBND tỉnh tập trung lãnh đạo đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư; tăng cường công tác phối hợp trong quá trình giải quyết các thủ tục hành chính, thực hiện nhiều giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhất là các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nhờ vậy, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện; thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp đạt kết quả khá.
Năm 2021, do tác động tiêu cực của dịch Covid-19, ngành thủy sản chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề. Tăng trưởng tốt trong hai quý đầu năm, đến quý III/2021 sản xuất, xuất khẩu thủy sản bị sụt giảm nghiêm trọng. Tuy nhiên, với nỗ lực của các cấp, ngành, doanh nghiệp và người dân, đến cuối năm 2021 ngành thủy sản vẫn đạt chỉ tiêu giá trị xuất khẩu, đặc biệt là giữ vững những thị trường xuất khẩu chủ chốt...
(HBĐT) - Sở Tài chính vừa có Công văn số 3870/STC-QLG&CS về triển khai thực hiện Quyết định số 83/2021/QĐ-UBND, ngày 20/12/2021 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy định hệ số điều chỉnh giá đất năm 2022 trên địa bàn tỉnh. Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022.