(HBĐT) - Dịp cuối năm, nhất là thời điểm giáp Tết Nguyên đán, nhu cầu mua sắm tăng. Để đảm bảo nguồn hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, các doanh nghiệp (DN), siêu thị, cửa hàng tiện lợi, tiểu thương đã dự trữ đủ mặt hàng thiết yếu và có phương án dự phòng trước những biến động của thị trường.
Siêu thị Vinmart, Trung tâm thương mại Vincom Palaza (TP Hòa Bình) sẵn sàng nguồn hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Đồng chí Phạm Tiến Dũng, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Nhằm đảm bảo đủ nguồn hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Sở Công Thương đã phối hợp các địa phương, ngành chức năng rà soát, đánh giá, dự báo nhu cầu tiêu dùng cũng như khả năng cung ứng hàng hóa của các DN, hệ thống phân phối và nguồn tự cung, tự cấp của người dân trên địa bàn tỉnh. Từ đó, tham mưu UBND tỉnh triển khai nhiều giải pháp, phương án cung cầu hàng hóa trong bối cảnh dịch Covid-19. Bên cạnh đó, Sở yêu cầu các DN thương mại có kế hoạch dự trữ hàng hóa, đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu trong dịp Tết Nguyên đán, chủ động tham gia chương trình bình ổn thị trường, mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa đến khu dân cư, khu công nghiệp, vùng sâu, vùng xa nhằm tăng khả năng tiếp cận hàng bình ổn cho các đối tượng khó khăn, có thu nhập trung bình và thấp. Cung ứng hàng hóa bình ổn kết hợp với các hoạt động hưởng ứng cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để thúc đẩy sản xuất hàng hóa trong nước.
Theo thống kê của Sở Công Thương, năm nay, toàn tỉnh có 5 DN đăng ký tham gia chương trình bình ổn thị trường, gồm: Công ty CP đầu tư Sơn Anh, Công ty CP thương mại Định Nhuận, Công ty TNHH Anh Phong, Công ty CP dịch vụ thương mại tổng hợp Vincomerce - chi nhánh Hòa Bình (TP Hoà Bình) và Công ty CP thương mại Tuấn Khánh (Lạc Sơn). Tổng số tiền DN tự bình ổn trên 21,4 tỷ đồng. Các DN tham gia bình ổn cam kết duy trì giá bán, mặt hàng, điểm bán hàng trong suốt thời gian bình ổn giá từ ngày 25/12/2021 - 10/2/2022. Hàng hoá tham gia chương trình bình ổn thị trường phải bảo đảm về chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ, an toàn thực phẩm và đáp ứng đầy đủ các quy định về ghi nhãn hàng hoá, ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam. Tập trung vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm chế biến, thực phẩm tươi sống, rau củ quả có tính thiết yếu và nhu cầu sử dụng lớn, như: Gạo tẻ, gạo nếp, thịt các loại, trứng gia cầm, đường, sữa, dầu ăn, mì tôm, rau củ quả các loại...
Công ty TNHH Anh Phong là DN tham gia chương trình bình ổn thị trường với số tiền và số điểm bán hàng bình ổn nhiều nhất trong 5 DN. Tổng số tiền Công ty TNHH Anh Phong tham gia chương trình bình ổn trên 43,8 tỷ đồng. Địa điểm bán hàng bình ổn của công ty tại sảnh siêu thị tự chọn tầng 2 và sảnh chính trung tâm thương mại giải trí AP Plaza, phường Đồng Tiến. Ngay sau khi ký cam kết tham gia chương trình bình ổn, công ty đã nghiêm túc thực hiện treo băng rôn, biển nhận diện, niêm yết giá tại hệ thống bán hàng bình ổn của DN.
Không chỉ các DN tham gia chương trình bình ổn thị trường chủ động nguồn hàng mà tại các cửa hàng, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh cũng đã sẵn sàng nguồn hàng phục vụ dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Các tiểu thương kinh doanh tại chợ dân sinh nhập đủ nguồn hàng để phục vụ dịp Tết từ giữa tháng 11 âm lịch. Đối với nhóm hàng thực phẩm tươi sống như thịt lợn, thịt gà, cá... các hộ sản xuất nông nghiệp, HTX chuẩn bị từ vài tháng trước Tết Nguyên đán. Ngoài ra, tỉnh còn có nhiều đặc sản phục vụ Tết Nguyên đán như cam, bưởi, dưa vàng...
Qua khảo sát, mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, song nhu cầu mua sắm của người dân tăng từ đầu tháng 1/2022. Nhiều cửa hàng thực hiện chương trình ưu đãi giảm giá cuối năm để kích cầu tiêu dùng, không bị dồn áp lực mua sắm vào những ngày cận Tết. Chương trình kích cầu tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 cũng được các DN bán lẻ lên kế hoạch chi tiết với nhiều hình thức như khuyến mãi, tặng kèm sản phẩm, bốc thăm trúng thưởng, bán hàng trực tuyến, chính sách giao hàng tận nhà... nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu mua sắm của người dân. Một số mặt hàng phục vụ Tết Nguyên đán có tính thời điểm như mứt Tết, bánh kẹo mẫu mã trang trí hoa văn chúc mừng năm mới 2022 được các DN nhập với số lượng vừa phải, tránh trường hợp tồn đọng sau Tết.
Sở Công Thương đánh giá, hiện tại, nguồn cung hàng hóa thiết yếu như lương thực, thực phẩm, đặc biệt là hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 trên thị trường dồi dào, nguồn hàng và giá cả ổn định. Toàn tỉnh có 95 chợ, 6 siêu thị, 3 trung tâm thương mại hạng III và hàng trăm cửa hàng tiện lợi, mặt hàng kinh doanh đa dạng, đảm bảo đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Để ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong những ngày giáp Tết, Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng, ngành liên quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ và các hành vi gian lận thương mại khác. Chú trọng kiểm tra việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, các quy định về an toàn thực phẩm, hành vi đầu cơ, găm hàng, liên kết độc quyền, lợi dụng nhu cầu tăng cao trong các dịp lễ, Tết để nâng giá, trục lợi bất chính. Tăng cường thông tin, truyền thông về khả năng cung ứng hàng hóa để người dân yên tâm không tích trữ, hạn chế tập trung đến các hệ thống phân phối tránh lây nhiễm dịch bệnh.
Thu Thuỷ
Kiểm soát chặt buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả
Cuối năm là thời điểm các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng diễn biến phức tạp. Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các ngành chức năng đã, đang tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
Theo đánh giá của Ban chỉ đạo (BCĐ) 389 tỉnh, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng ngày càng tinh vi, vận chuyển hàng lậu, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, giả mạo nhãn mác, xuất xứ, không rõ nguồn gốc… qua bưu điện, chuyển phát nhanh, mua bán online nhằm tránh sự kiểm tra, phát hiện của các lực lượng chức năng tiếp tục diễn ra. Hàng hóa được vận chuyển về tập kết tại các kho hàng của công ty chuyển phát nhanh, kho hàng nội địa của các công ty dịch vụ, sau đó chuyển đến khách hàng. Để kịp thời phát hiện, xử lý những hành vi vi phạm pháp luật, thời gian qua, BCĐ 389 tỉnh đã chỉ đạo các thành viên và cơ quan, đơn vị chức năng chủ động nắm tình hình, tập trung lực lượng, phương tiện, biện pháp tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nói chung. Xử lý nghiêm trường hợp vi phạm như đầu cơ, găm hàng, vi phạm về giá, chất lượng hàng hóa, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Năm 2021, các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 1.252 vụ, tổng số tiền xử phạt và truy thu thuế 49.924 triệu đồng, trong đó, số tiền phạt vi phạm hành chính 13.248 triệu đồng; tiền thu phạt bổ sung và truy thu 36.612 triệu đồng; tiền bán thanh lý, hàng tịch thu 64 triệu đồng.
Dịp cuối năm, nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao. Theo dự báo của Cục Quản lý thị trường (QLTT), tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả sẽ diễn biến phức tạp. Đồng chí Hoàng Đức Trường, Phó Cục trưởng Cục QLTT tỉnh nhấn mạnh: Bám sát các văn bản chỉ đạo của Tổng cục QLTT và tình hình thực tế của tỉnh, Cục QLTT tỉnh đã tham mưu BCĐ 389 tỉnh về việc tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm dần 2022. Ngày 26/11/2021, Cục QLTT tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 824/KH-CQLTT mở đợt cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán với mục đích tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật, chú trọng các mặt hàng thiết yếu được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán, các mặt hàng có nhu cầu cao trong phòng, chống dịch Covid-19. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền đến tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa và người tiêu dùng để nâng cao ý thức pháp luật trong hoạt động kinh doanh và văn hóa tiêu dùng.
Cục QLTT tỉnh phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đội nắm tình hình thị trường, tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, đảm bảo ổn định thị trường để phục vụ nhu cầu Tết của Nhân dân. Đợt cao điểm diễn ra từ ngày 1/12/2021 - 15/2/2022.
Thực hiện kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả dịp trước, trong Tết Nguyên đán Nhâm Dần và kế hoạch kiểm tra định kỳ năm 2022 của Cục trưởng Cục QLTT tỉnh, Đội QLTT số 5 đã tăng cường công tác quản lý địa bàn, rà soát các cơ sở kinh doanh hàng hóa thiết yếu; phối hợp các lực lượng chức năng trên địa bàn huyện Lạc Sơn, Yên Thủy đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và đảm bảo an toàn thực phẩm. Kết quả, đến ngày 12/1, Đội đã phối hợp Công an huyện Lạc Sơn kiểm tra 7 vụ, phạt tiền 6,3 triệu đồng đối với hành vi kinh doanh hàng hóa quá hạn sử dụng, vi phạm quy định về niêm yết giá, ghi nhãn hàng hóa. Độc lập kiểm tra theo kế hoạch kiểm tra định kỳ năm 2022 được 8 cơ sở, trong đó có 4 cơ sở kinh doanh thực phẩm do Bộ Công Thương quản lý, 4 cơ sở kinh doanh mặt hàng điện tử. Qua kiểm tra cho thấy, các cơ sở kinh doanh chấp hành đúng quy định về đăng ký kinh doanh, điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm trong kinh doanh thực phẩm, điều kiện lưu hành sản phẩm trên thị trường, nhãn hàng hóa, niêm yết giá hàng hóa, hàng hóa chủ yếu được sản xuất trong nước, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
Với sự ra quân kịp thời, đồng bộ, trách nhiệm của ngành chức năng, Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 người dân yên tâm mua sắm hàng hóa mà không còn lo hàng giả, hàng kém chất lượng và giá cả tăng.
Cán bộ Đội Quản lý thị trường số 5 (Cục Quản lý thị trường tỉnh) kiểm tra cơ sở kinh doanh trên địa bàn quản lý.
(HBĐT) - Năm 2021, thực hiện công tác dạy nghề và hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân (HND) các cấp đã khảo sát nhu cầu học nghề và phối hợp tổ chức 84 lớp nghề. Trong đó, Trung tâm Hỗ trợ nông dân phối hợp tổ chức 4 lớp nghề, HND các huyện, thành phố tổ chức 80 lớp nghề cho trên 2.000 hội viên nông dân. Đồng thời tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm cho gần 1.900 hội viên nông dân đã học nghề có việc làm với thu nhập từ 3,5 - 5 triệu đồng/người/tháng.
(HBĐT) - Để đảm bảo lượng hàng nông sản thiết yếu phục vụ người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, ngành NN&PTNT tỉnh chủ động phối hợp với các ngành, đơn vị, địa phương... tăng cường chỉ đạo, đôn đốc bà con nông dân đẩy mạnh sản xuất; thiết lập nhiều kênh phân phối, kết nối tiêu thụ nông sản (TTNS) nhằm bảo đảm nguồn cung, góp phần bình ổn thị trường.
(HBĐT) - Chiều 20/1, Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh tổ chức hội nghị trực tuyến tới các huyện, thành phố tổng kết công tác hoạt động năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022. Dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam. Đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể (KTTT) tỉnh chủ trì hội nghị.
(HBĐT) - Năm 2021, trong bối cảnh quyết tâm thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phát triển KT-XH, hoạt động phát triển doanh nghiệp, xúc tiến đầu tư tiếp tục được đẩy mạnh. Toàn tỉnh có 50 dự án đầu tư trong nước được quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký khoảng 33.000 tỷ đồng; có 415 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký 14.680 tỷ đồng.
(HBĐT) - Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tiếp tục có nhiều diễn phức tạp, Công ty Điện lực Hòa Bình (PC Hòa Bình) đã chủ động xây dựng phương án, triển khai thực hiện nhiều giải pháp để chống dịch hiệu quả, tiếp tục nâng cao chất lượng cung ứng điện phục vụ sinh hoạt, sản xuất của khách hàng.