Giá xăng dầu liên tục tăng cao trong những ngày qua và dự báo tiếp tục tăng trong thời gian tới đã gây ra không ít lo ngại cho người tiêu dùng về một mặt bằng giá mới sẽ được hình thành trong thời gian tới.
Giá xăng dầu liên tục tăng cao thời gian qua.
Giá xăng tăng, dân lo lắng
Sau khi nghỉ việc tại doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo dài, anh Nguyễn Văn Bát (Hà Đông, Hà Nội) chọn hướng chạy xe taxi gia đình để có thêm thu nhập. Tuy nhiên, giá xăng tăng liên tục khiến anh gặp rất nhiều khó khăn, chi phí tăng cao.
"Khoảng tháng 11 năm ngoái trở về trước, mỗi lần đổ xăng tôi chỉ cần đổ 300 đến 400 nghìn đồng cho mỗi lần chạy xe là "hòm hòm”, giờ phải tăng lên khoảng 500 nghìn đồng. Chạy xe taxi gia đình vốn không mất quá nhiều cước phí nên trước đây, tôi chỉ lấy của khách khoảng 8.000-9.000 đồng/km. Tuy nhiên, thời điểm trước Tết, do giá xăng tăng liên tục nên tôi đã phải điều chỉnh lên 10.000 đồng/km. Ra Tết, giá xăng tiếp tục tăng liên tục, song tôi chưa dám điều chỉnh tăng vì sợ mất khách”, anh Bát lo lắng chia sẻ.
Nếu như các lái xe taxi gia đình có ưu điểm là không mất quá nhiều chi phí thì taxi truyền thống, taxi và xe ôm công nghệ còn gặp khó khăn hơn rất nhiều vì vẫn phải chi trả cho nhiều loại thuế phí, cộng với lượng khách giảm sút rất nhiều do dịch bệnh.
Theo ghi nhận của phóng viên tại một ngôi trường trung học cơ sở trên địa bàn quận Hà Đông, dù đang là thời điểm học sinh được đi học trở lại và không phải học bán trú, nhưng rất nhiều xe ôm công nghệ vẫn "dài cổ” chờ khách. Do e ngại dịch bệnh, nhiều học sinh chọn cách đi xe tuyến do nhà trường tổ chức, hoặc được cha mẹ đưa đón. Số lượng học sinh chọn đi xe công nghệ không nhiều.
Anh Nguyên Văn Sơn (lái xe công nghệ) cho biết, mặc dù xe công nghệ đã được hoạt động trở lại, song lượng người đặt di chuyển không nhiều. Phần lớn các đơn hàng của anh thời điểm này là đơn đặt hàng ăn uống. Số lượng các đơn này chủ yếu tập trung vào buổi trưa chứ không phân bổ đều trong ngày nên ngoài giờ "cao điểm”, nhiều lái xe công nghệ thường xuyên rơi vào cảnh "ngồi chơi xơi nước”.
"Giá xăng tăng cao khiến tôi và các đồng nghiệp không dám chạy lòng vòng tìm khách như trước đây vì sợ không đủ tiền đổ xăng, chạy không đủ lệnh sẽ bị phạt hoặc sa thải. Các chi phí phải chi trả vẫn như cũ, nguồn thu thấp, chúng tôi còn lo lắng thời gian tới nhiều mặt hàng khác cũng sẽ tăng theo giá xăng”, anh Sơn nói.
Bên cạnh hoạt động vận tải đang chịu ảnh hưởng mạnh và trực tiếp từ đà tăng của giá xăng dầu, nhiều người còn lo ngại đà tăng của giá xăng sẽ ảnh hưởng đến mặt bằng chung của giá thực phẩm, hàng hóa thiết yếu.
Cô Nguyễn Thị The (Hoài Đức, Hà Nội) cho hay: "Mặt hàng rau xanh đang tăng giá tương đối cao so với thời điểm Tết Nguyên đán, như rau cải tăng từ 15.000 đồng/kg lên gần 50.000 đồng/kg; gừng từ 20.000 lên 40.000 đồng/kg… Sắp tới, dự báo Hà Nội sẽ đón một đợt rét đậm, rét hại với cường độ tương đối lớn, sẽ ảnh hưởng đến việc trồng rau. Cộng với đà tăng của giá xăng, chúng tôi rất lo lắng giá rau xanh nói riêng và nhiều mặt hàng thiết yếu khác sẽ lợi dụng đà để tăng giá. Chúng tôi đã khó càng thêm khó!”.
Sẽ ảnh hưởng mạnh đến mặt bằng giá
Không ít người lo ngại một mặt bằng giá mới sẽ được hình thành theo đà tăng của giá xăng dầu.
Kể từ kỳ điều hành ngày 11/2, giá xăng dầu E5 RON92 đã lên mức 24.571 đồng/lít; xăng RON 95-III 25.322 đồng/lít; dầu diesel 0.05S giá 19.865 đồng/lít… là mức cao nhất trong vòng 8 năm qua. Thực tế, xăng dầu là một trong những mặt hàng rất quan trọng trong giỏ hàng hóa và có tác động rất lớn đến Chỉ số giá tiêu dùng (CPI).
Ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, phân tích, xăng dầu là một trong những mặt hàng được sử dụng trong hầu hết các ngành sản xuất. Chi phí xăng dầu hiện chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế. Bên cạnh đó, giá xăng dầu tăng còn trực tiếp làm tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI), ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người dân. Giá xăng dầu tăng 10% làm cho chỉ số CPI tăng 0,36 điểm phần trăm.
Với sự đóng góp lớn đó, việc giá xăng dầu liên tục tăng cao không tránh khỏi gây nên lo ngại sẽ tác động vào mặt bằng giá chung. Khi giá xăng dầu tăng, đồng nghĩa với chi phí sản xuất tăng và kéo theo giá cả các mặt hàng khác tăng theo, ảnh hưởng đến chi tiêu của người dân. Với ngành vận tải, chi phí xăng, dầu chiếm 40% giá cước vận tải, nên giá xăng dầu tăng, chắc chắn cước vận tải tăng theo. Giá cước tăng sẽ đẩy giá thành các sản phẩm tăng, đây sẽ là hệ quả tất yếu không thể tránh...
Chưa kể, theo đánh giá của nhiều tổ chức quốc tế, thị trường xăng dầu thế giới còn biến động, khả năng giá xăng dầu vẫn tăng. Các tổ chức dự báo năng lượng quan trọng của thế giới gồm OPEC, Tổ chức Năng lượng Quốc tế và Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ đều dự báo giá dầu thô có thể chạm ngưỡng 100 USD/thùng vào mùa hè năm nay. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá xăng dầu nói riêng và tình hình kinh tế-xã hội, khả năng phục hồi và phát triển kinh tế nói chung. Đặc biệt, nếu giá xăng dầu cao quá sẽ làm vô hiệu hóa một số công cụ, chính sách đang triển khai trong Chương trình phục hồi kinh tế, kể cả việc giảm thuế VAT 2% - hoạt động đang được các doanh nghiệp rất ủng hộ.
Trong bối cảnh đặc biệt đó, Liên bộ Tài chính, Công thương vẫn đang điều hành giá xăng dầu theo hướng sử dụng linh hoạt các công cụ như Quỹ bình ổn giá. Tuy nhiên, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho rằng, nếu giá xăng dầu tiếp tục leo thang, giả sử giá dầu thô vượt 100 USD/thùng, ngoài việc sử dụng công cụ Quỹ Bình ổn giá (vốn có hạn) thì phải tính đến công cụ khác là giảm thuế, phí để giảm đà tăng của giá xăng dầu. Thực tế, nhiều năm nay Bộ Công thương đã kiến nghị giảm thuế phí trong cơ cấu giá xăng dầu, tuy nhiên, kiến nghị này vẫn chưa nhận được sự đồng thuận.
Theo báo Nhân Dân