(HBĐT) - Cải tạo con giống, làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi quy mô tập trung là những giải pháp ngành chức năng, các địa phương và người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã, đang thực hiện để phát triển chăn nuôi bền vững.
Hòa Bình là tỉnh miền núi có vị trí chiến lược quan trọng đối với phát triển KT-XH vùng Tây Bắc, cách Thủ đô Hà Nội 76 km, là nơi giao lưu kinh tế, văn hoá giữa vùng đồng bằng với miền núi Tây Bắc. Với thị trường tiêu thụ sản phẩm lớn, diện tích đất tự nhiên, vùng sinh thái đa dạng là những điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi. Tuy nhiên, thực trạng chăn nuôi trên địa bàn tỉnh còn phân tán, nhỏ lẻ, sức cạnh tranh chưa cao, việc áp dụng công nghệ mới trong chăn nuôi chưa đồng bộ, nhận thức của người chăn nuôi trong công tác cải tạo giống và phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm hạn chế. Tổ chức liên kết chăn nuôi theo chuỗi và xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm chưa được quan tâm đúng mức; dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong chăn nuôi.
Trước thực trạng đó, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 109/KH-UBND, ngày 17/5/2021 tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 81/NQ-HĐND của HĐND tỉnh thông qua Đề án phát triển chăn nuôi bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Đồng chí Trần Tiến Trường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 81, ngành chăn nuôi của tỉnh tiếp tục phát triển theo đúng quy hoạch, nhất là phát triển chăn nuôi tập trung quy mô công nghiệp. Đến nay, toàn tỉnh có trên 100 trang trại chăn nuôi tập trung công nghiệp. Trong đó có 3 trang trại chăn nuôi bò của Công ty T&T 159, 3 trang trại nuôi bò vỗ béo BBB tại huyện Lạc Thủy; 71 trang trại chăn nuôi gia cầm; 41 trang trại chăn nuôi lợn nái, lợn hậu bị và lợn thịt, quy mô từ 300 - 3.000 con; 14 trang trại chăn nuôi dê quy mô nhỏ từ 60 - 200 con.
Cùng với đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo đúng quy hoạch, việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị được hình thành và hoạt động có hiệu quả. Như mô hình Hợp tác xã (HTX) liên kết sản xuất tiêu thụ gà Hương Nhượng (Lạc Sơn); HTX liên kết sản xuất, tiêu thụ gà Lạc Thủy; HTX liên kết tiêu thụ dê huyện Lương Sơn và Lạc Thủy; HTX liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lợn bản địa Hồng Vân (Lương Sơn). Các HTX chăn nuôi phát triển cả về quy mô và số lượng, từng bước hình thành nguồn cung ổn định cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Hiện có nhiều hộ, trang trại chăn nuôi phát triển một số giống vật nuôi bản địa như: Gà Lạc Thủy, dê và lợn bản địa; đã xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể các sản phẩm: "Gà Lạc Thủy", "Gà Lạc Sơn", "Lợn bản địa Đà Bắc", "Dê Lạc Thủy".
Bên cạnh đó, công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi được cấp ủy, chính quyền và người chăn nuôi ngày càng quan tâm. Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, khoa học công nghệ trong cải tạo, quản lý giống vật nuôi được quan tâm. Như việc triển khai một số mô hình sử dụng các loại giống trâu, bò tốt phối giống để cải tạo giống trâu, bò tại các địa phương. Những năm qua, trên địa bàn tỉnh có nhiều giống vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao được đưa vào sản xuất, như các giống bò lai; lợn lai, lợn ngoại; các giống gia cầm hướng trứng, hướng thịt.
Mặc dù đã đạt được những kết quả thiết thực, tuy nhiên, theo đánh giá của Sở NN&PTNT, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế, như: Phát triển sản xuất tập trung chưa đồng đều giữa các vùng; quy mô sản xuất nhỏ vẫn chiếm số lượng lớn; liên kết sản xuất còn rời rạc, sản xuất theo chuỗi mới hình thành nhưng quy mô nhỏ; năng lực ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao chưa nhiều. Nhiều HTX, người chăn nuôi chưa chủ động trong việc đổi mới phương thức sản xuất, định hướng sản xuất lâu dài. Ngoài ra, một số địa phương chưa thực sự quan tâm công tác quản lý giống trong chăn nuôi, một bộ phận người chăn nuôi chưa có ý thức cao trong phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi. Cơ chế, chính sách về đất đai thu hút đầu tư để phát triển chăn nuôi còn nhiều bất cập, gây khó khăn cho các nhà đầu tư...
Trước những tồn tại, hạn chế đó, ngành Nông nghiệp đã đề ra nhiều giải pháp để phát triển chăn nuôi bền vững. Theo đó, tỉnh tiếp tục phát triển các loại giống vật nuôi chủ lực, đa dạng hóa sản phẩm chăn nuôi để tăng sức cạnh tranh, tiến tới xây dựng thương hiệu sản phẩm. Tăng cường phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi; chủ động xây dựng vùng, cơ sở chăn nuôi đảm bảo an toàn dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường. Phát triển chăn nuôi theo các chuỗi liên kết sản xuất; đẩy mạnh ứng dụng KHCN để cải tạo đàn giống vật nuôi địa phương. Tổ chức lại sản xuất theo hướng khuyến khích đẩy mạnh cơ giới hóa, phát triển kinh tế hợp tác, tích cực hỗ trợ hộ nông dân phát triển đa dạng các loại hình chăn nuôi, liên kết với doanh nghiệp, tăng cường kiểm tra, giám sát các chuỗi liên kết sản xuất chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, dự báo thị trường để khuyến cáo người chăn nuôi điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp với nhu cầu của thị trường.
Viết Đào